
Giờ đây ngoài áp lực từ cuộc chiến với Nga, ông Zelensky còn phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Euroativ
Gần bốn năm qua, ông Volodymyr Zelensky đã lãnh đạo Ukraine đối diện với thử thách ngặt nghèo nhất từ khi lập quốc: từ cuộc tập kích vào thủ đô Kiev, cuộc chiến tiêu hao khốc liệt kéo dài đến những lần mất điện diện rộng. Nhưng giờ đây ngoài áp lực từ cuộc chiến với Nga, ông còn phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Washington đang quay lưng?
Mấy ngày qua, chính quyền ông Trump đã có những bước tiếp cận Nga về cuộc chiến Ukraine mà không hỏi ý kiến hay có sự tham gia của Kiev. Đầu tiên là cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin, sau đó là cuộc hội đàm cấp cao giữa phái đoàn Nga - Mỹ tại Riyadh (Saudi Arabia) và mới nhất, ông Trump còn tuyên bố có thể sẽ gặp trực tiếp ông Putin "ngay trong tháng 2".
Phản ứng của ông Zelensky là hủy bỏ chuyến công du tới Saudi Arabia và cảnh báo ông Trump về nguy cơ "rơi vào lưới thông tin ngụy tạo" của Nga. Đáp lại, ông Trump công khai gọi ông Zelensky là "kẻ độc tài" và thậm chí còn cho rằng Ukraine mới là bên gây chiến.
Châu Âu và Kiev đều đang rất sốc nhưng sự ngạc nhiên đã dần nhường chỗ cho tâm lý tự lo. Như một nghị sĩ Ukraine không nêu tên chia sẻ với tạp chí Economist: "Chúng tôi hiểu mức độ mà cách diễn giải của Nga hiện đang được cảm tình ở Mỹ".
Tâm lý này càng trở nên rõ rệt khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Washington có thể sẽ đóng sầm mọi cánh cửa với họ trong tương lai gần.
Ukraine đang trong cuộc đấu tranh sinh tồn với hàng trăm nghìn người thương vong và hàng triệu người di tản. Có tới 1/3 trong số 4,3 triệu người Ukraine dưới 18 tuổi đã sang các nước châu Âu, nhiều người có thể không bao giờ trở về.
"Chúng tôi cần hòa bình - một quan chức cấp cao Ukraine nói với Economist - Nhưng câu hỏi là liệu nền hòa bình đó có đồng nghĩa với sự kết thúc của chúng tôi hay không". Đây là nỗi lo không phải không có cơ sở, khi mà giữa những hỗn loạn và tin tức dồn dập mấy ngày qua, vẫn chưa có thỏa thuận hòa bình nào được đề xuất một cách nghiêm túc.
Kịch bản tồi tệ đang hiện rõ
Tình hình đang diễn ra theo hướng xấu nhất cho Ukraine. Ở cả Kiev và Brussels, nhiều người lo ngại về "cạm bẫy Nga": một cuộc ngừng bắn không có đảm bảo an ninh cho Ukraine, một cuộc bầu cử vội vàng có thể làm lung lay tính thống nhất và nguy cơ công nhận việc Nga chiếm đóng lâu dài các lãnh thổ.
Điều đáng lo ngại là châu Âu vẫn tỏ ra quá chia rẽ và chậm chạp trong việc hỗ trợ Ukraine, đặc biệt khi Washington thể hiện dấu hiệu có thể quay lưng với cuộc chiến.
Ngoài tiền tuyến, Ukraine đang ở giai đoạn khó khăn nhất. Theo Economist, "đã phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng về tác chiến, đặc biệt là thiếu vắng hoạch định chiến lược. Các tiểu đoàn mặt trận đang cạn người, một số chỉ còn 1/3 lực lượng".
Trên thực tế, tình hình chỉ càng thêm tồi tệ khi thời gian kéo dài, bởi Ukraine rõ ràng là bên yếu thế hơn, nghèo hơn và phải phụ thuộc nhiều hơn vào những hỗ trợ từ bên ngoài.
Ông Trump có nhiều công cụ để gây sức ép lên Kiev, từ cắt viện trợ quân sự đến dỡ bỏ cấm vận Nga. Ngay cả những động tác kỹ thuật đơn giản như ngừng hỗ trợ công nghệ nhắm mục tiêu hay cắt giảm dịch vụ Starlink cũng có thể gây khó khăn lớn cho năng lực tác chiến của Ukraine. Đây hiện đều là những yếu tố then chốt quyết định năng lực thông tin liên lạc của quân đội nước này.
Tình hình chính trị nội bộ Ukraine cũng rắc rối. Dù tỉ lệ ủng hộ ông Zelensky vẫn trên 50%, một cuộc thăm dò của Kyiv Independent cho thấy ông có thể thất cử với tỉ lệ 30-65% trước cựu tổng tham mưu trưởng Zaluzhny. Mối quan hệ giữa hai người đã căng thẳng do bất đồng trong điều hành quân đội, dẫn đến việc ông Zaluzhny bị điều chuyển sang làm đại sứ tại Anh và hiện chưa chính thức tham gia vào chính trường.
Phát ngôn gây sốc hay chiến thuật thúc ép?
Trong bài phát biểu tại Miami ngày 19-2, ông Trump cảnh báo: "Zelensky phải nhanh lên, không thì ông ta chẳng còn lại đất nước nào mà lãnh đạo đâu". Thái độ này không mới - ông Trump từng gây sức ép đòi ông Zelensky điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và tỏ ra nghi kỵ cách Ukraine sử dụng viện trợ Mỹ.
Ông còn chỉ trích: "Zelensky ở trên đoàn tàu béo bở nhờ viện trợ từ chính quyền Biden" và cảnh báo "nếu chính quyền Biden kéo dài thêm một năm nữa thì giờ này có Thế chiến 3 rồi".
Tuy nhiên, cựu thủ tướng Anh Boris Johnson - người từng thân thiết với ông Trump - có cách diễn giải khác. Ông cho rằng những tuyên bố gây tranh cãi không nhằm phản ánh chính xác lịch sử, mà để gây sốc buộc châu Âu hành động quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ Kiev. Ông Trump cũng tự tin: "Chỉ Trump mới thương lượng thành công để kết thúc cuộc chiến với Nga. Ngay cả Putin cũng phải thừa nhận điều đó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận