18/07/2013 10:13 GMT+7

Trừ thuế không cần mã số thuế?

T.N.K. (TP.HCM)
T.N.K. (TP.HCM)

TT - Cuối năm học, nhiều giáo viên tất bật với công tác coi thi, chấm thi. Một phần vì là nghĩa vụ, một phần đó cũng là nguồn thu nhập ít ỏi của giáo viên trong mấy tháng hè.

Bắt đầu phải đăng ký mã số thuế cho người phụ thuộcNgười phụ thuộc có mã số thuế mới được giảm trừ

fQj4M5HD.jpgPhóng to
Chấm bài thi tại hội đồng chấm thi TP.HCM (ảnh minh họa) - Ảnh: Như Hùng

Bản thân tôi cũng vậy, dù có hơi căng thẳng khi trải qua các lần coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh lớp 10 rồi công tác chấm thi, thế nhưng tôi cũng tự an ủi khi nghĩ rằng một vài triệu đồng từ tiền phụ cấp cũng có thể trang trải một số chi phí sinh hoạt trong mấy tháng hè. Thế mà năm nào cũng vậy, tiền coi thi, chấm thi của giáo viên bị xếp vào nguồn thu nhập không thường xuyên, nếu trên 1 triệu đồng là bị trừ 10% theo quy định. Cũng đành chịu khi đó là luật. Chỉ buồn là khoản tiền bị trừ này thường không được hoàn lại cho dù thu nhập của chúng tôi chưa đến mức phải chịu thuế.

Nhiều giáo viên rất ngại các thủ tục liên quan đến thuế nên phó mặc cho bộ phận kế toán của trường, bảo nộp thì nộp, được hoàn lại bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thế nên dù bị trừ tiền thuế coi thi, chấm thi từ nhiều năm, mãi đến năm 2012 giáo viên chúng tôi mới nhận được hóa đơn khấu trừ thuế. Riêng tiền chấm thi gần như bặt vô âm tín, không có một hóa đơn chứng từ nào được gửi về để quyết toán thuế.

Vừa rồi tại hội đồng chấm thi trường M, sau khi quyết toán tiền chấm thi tôi cũng như nhiều giáo viên đều bị trừ 10% thuế vì có thu nhập trên 1 triệu đồng (bao gồm cả tiền chấm thi, tiền nước uống). Rất nhiều giáo viên bức xúc đã bàn luận râm ran về vấn đề này. Cô H. ngán ngẩm: “Làm việc nghiêm túc lắm mỗi ngày chỉ được khoảng 250.000 đồng, vài ngày chấm thi được hơn 1 triệu đồng đã bị trừ thuế”. Có giáo viên rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi nhận thêm 75.000 đồng tiền nước thì bị trừ hơn trăm ngàn đồng tiền thuế vì tổng số tiền nhận được vượt con số 1 triệu đồng. Cô B.H., một giáo viên có kinh nghiệm chấm thi nhiều năm, chia sẻ: “Năm nào mình chấm thi cũng bị trừ tiền, nhưng không bao giờ nhận được hóa đơn để làm thủ tục hoàn thuế”. Sau một hồi bàn luận, tôi và vài thầy cô khác hỏi người tổ trưởng có cần cung cấp mã số thuế để nhận hóa đơn khấu trừ hay không, vị tổ trưởng này trả lời là đã hỏi bộ phận kế toán thì được biết không cần. Chúng tôi cứ thắc mắc hỏi nhau: không có mã số thuế thì làm sao làm thủ tục hoàn thuế?

Một người bị trừ chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, nhưng cộng lại nhiều người không phải là số tiền nhỏ. Cái quan trọng hơn đây là tiền công lao động của giáo viên đã vất vả trong những ngày coi thi, chấm thi. Chỉ mong lãnh đạo ngành thuế TP.HCM xem lại và có hướng chỉ đạo, hướng dẫn trong việc tạm trừ thuế, hoàn thuế, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đội ngũ giáo viên.

Bà LÊ THỊ THU HƯƠNG (cục phó Cục Thuế TP.HCM):

Sai quy định

Theo phản ảnh của các giáo viên, rõ ràng đơn vị chi trả đã làm sai quy định. Trước ngày 1-7-2013, theo quy định, đối với các khoản thu nhập vãng lai từ mức 1 triệu đồng trở lên, đơn vị chi trả phải khấu trừ 10% (nếu người lao động có mã số thuế), hoặc 20% trên tổng thu nhập nếu người lao động chưa có mã số thuế. Khi khấu trừ, đơn vị chi trả phải cấp biên lai để cuối năm người lao động có cơ sở quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Nhưng ở đây cơ quan chi trả có khấu trừ thuế các giáo viên nhưng lại không cấp biên lai. Ngay cả khi các giáo viên chủ động yêu cầu cung cấp mã số thuế để nhận hóa đơn khấu trừ, đơn vị chi trả cũng “làm ngơ”.

Như vậy, cơ quan thuế có quyền đặt nghi vấn về việc kê khai và nộp số thuế đã khấu trừ của các giáo viên coi thi, chấm thi của đơn vị chi trả. Vì khi không có biên lai khấu trừ, đơn vị này lấy cơ sở nào để kê khai và nộp thuế cho cơ quan thuế? Không những thế, việc khấu trừ nhưng không cấp biên lai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Cuối năm, dù số thuế đã tạm nộp lớn hơn số thuế phải nộp, họ thuộc diện hoàn thuế nhưng không thể lấy lại tiền thuế đã đóng do không có chứng từ khấu trừ.

Cục Thuế TP.HCM sẽ yêu cầu các bộ phận chuyên môn làm rõ về vấn đề này với đơn vị chi trả. Về phía giáo viên, để lấy lại số thuế đã tạm nộp, trước tiên phải liên hệ đơn vị trực tiếp khấu trừ thuế thu nhập cá nhân yêu cầu cung cấp chứng từ khấu trừ, và làm hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Hiện nay theo quy định, người lao động có thể xin hoàn cả số tiền thuế đã tạm nộp của những năm trước.

Nhân đây tôi cũng thông báo là từ ngày 1-7-2013, theo quy định mới đơn vị chi trả chỉ tạm khấu trừ nếu người lao động có khoản thu nhập vãng lai theo mức từ 2 triệu đồng/lần trở lên. Mức khấu trừ tính chung là 10% trên tổng thu nhập, không phân biệt có mã số thuế hoặc chưa có mã số thuế. Nếu thu nhập chưa đến mức nộp thuế (108 triệu đồng/năm, chưa tính người phụ thuộc), người lao động có thể làm cam kết thu nhập chưa đến mức chịu thuế để cơ quan chi trả tạm thời không khấu trừ.

Ánh Hồng ghi

T.N.K. (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên