14/07/2008 00:04 GMT+7

Trồng những "cây vàng"

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Củ sâm Ngọc Linh ngày càng lên giá nhưng cây sâm trên rừng đang dần hết sạch. Không thể cứ lội rừng tìm kiếm được mãi, một số người Xơđăng vùng Ngọc Linh từng đi săn sâm bây giờ tìm mọi cách trồng cho được cây sâm để mong xóa đói giảm nghèo và dần làm giàu.

DGDjV9Ps.jpgPhóng to

Những người làng Măng Lùng, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bên vườn sâm đang có quả sắp chín, được trồng tập trung tại chốt sâm của làng.

TT - Củ sâm Ngọc Linh ngày càng lên giá nhưng cây sâm trên rừng đang dần hết sạch. Không thể cứ lội rừng tìm kiếm được mãi, một số người Xơđăng vùng Ngọc Linh từng đi săn sâm bây giờ tìm mọi cách trồng cho được cây sâm để mong xóa đói giảm nghèo và dần làm giàu.

Kỳ 1: Săn vét cuối mùa

Xứ sâm trồng có tiếng

"Mình đã tìm được nguồn cây sâm con để mua rồi. Tiền thì đã sẵn: bán một con trâu to. Chỉ lo là cây sâm con giá đắt, đến 50.000 đồng/cây con. Cũng do dân mình bây chừ có nhiều người trồng sâm" - A Nô, cư dân làng Măng Rương, xã Ngọc Lây (huyện Tumơrông, Kontum), hồ hởi. Là người mở đầu trồng sâm ở Măng Rương, năm 2006 A Nô đã bán hai con trâu để mua 2.000 cây sâm mang vào rừng rậm trồng. Bắt chước A Nô, năm 2007 ông A Cam và chị Y Thoan mỗi người cũng bán một con trâu để trồng sâm.

Từ bốn năm nay, lượng sâm củ cũng như cây sâm con ở Trà Linh bán ra đã giúp dân mình có thu nhập kha khá. Cây sâm đúng là cây vàng, dân mình phải ráng trồng cho được thật nhiều

Đi đầu trong việc trồng sâm ở Ngọc Lây là người làng Lộc Bông. Đi săn sâm rừng họ để dành những củ sâm nhỏ cắt thành những thân mầm trồng giấu vào những vùng rừng kín đáo. Cây sâm trồng từ mầm củ sau vài năm sẽ trổ hoa, cho hạt để gieo ươm nhân giống tiếp.

"Mình chỉ mới bán được chừng vài chục triệu đồng tiền sâm nhưng nghe cái bụng sướng nhiều lắm. Tiếc là dân mình không trồng sâm sớm hơn, không giữ củ sâm rừng lại để làm giống, cứ săn bán tuốt hết. Chừ cây sâm giống khan hiếm quá, có tiền vẫn thiếu sâm con để mua" - A Thi, một trong số dăm ba người "mát tay" với ít tiền bán sâm đầu mùa ở Lộc Bông, nói.

Những người trồng sâm sớm nhất chính là cư dân xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). "Mình đang lo làm đất gấp để trồng chừng 4.000 cây. Còn số cây con bán ra khoảng 7.000 cây. Ngoài số cây bán cho người trong xã, dân mình còn bán cho người dân và cả lâm trường trồng sâm ở tỉnh Kontum" - anh Nguyễn Văn Lượng ở làng Măng Lùng kể. Theo anh Lượng, được vậy là nhờ lượng cây sâm trồng đến tuổi ra hoa kết trái (ba năm tuổi trở lên) của anh cũng như bà con ở đây nay đã tăng lên đáng kể.

Nằm ở mạn đông bắc dãy Ngọc Linh, rừng Trà Linh hầu hết có độ cao từ 1.300 đến trên 2.000m, có rất nhiều vùng sâm rừng. Từ bắt chước việc trồng sâm của Trại dược liệu Trà Linh, một số cư dân Măng Lùng đã mở đầu việc trồng sâm từ rất sớm. Năm 1993, một số người ở làng này đã có củ sâm trồng 5-7 tuổi bán ra. Nhờ học hỏi cách trồng của trại dược, khi đi săn sâm họ đã biết nhổ cây sâm con, nhặt hạt sâm chín, cắt củ sâm thành mầm để nhân trồng dần ra.

Ngoài số hộ có sâm trồng 2-8 tuổi (sâm được thu hoạch từ bảy tuổi trở lên) với số lượng 5.000-10.000 cây, 90% số hộ (trên tổng số 900 hộ) ở đây đều có sâm trồng, người ít nhất cũng được 300 cây 3-4 tuổi.

Theo bí thư đảng ủy xã Trà Linh Hồ Văn Quang, điều đáng mừng là cây sâm con không còn khan hiếm với bà con. Mấy năm qua người không tiền mua sâm giống đã được tỉnh hỗ trợ mỗi người 500-1.000 cây, người khó khăn được người có sâm con trong làng cho đổi công làm lấy sâm con hay cho nhận sâm trồng ăn chia, bán chịu.

"Trà Linh trở nên là xứ sâm trồng có tiếng, là vùng sâm nguyên liệu, sâm giống được Công ty Dược Quảng Nam đặt quan hệ làm ăn. Từ bốn năm nay, lượng sâm củ cũng như cây sâm con ở Trà Linh bán ra đã giúp dân mình có thu nhập kha khá. Cây sâm đúng là cây vàng, dân mình phải ráng trồng cho được thật nhiều" - bí thư Quang phấn chấn.

Những thương phẩm đầu tiên

ek0gOvyS.jpgPhóng to
Công nhân trại sâm Trà Linh chăm sóc cây sâm con một năm tuổi sắp được nhổ trồng
Nằm ở độ cao 2.000m, chốt sâm Ngọc Đỏ - tức Trại dược liệu Trà Linh - như một ốc đảo rừng nguyên sinh với tiểu vùng khí hậu rất thích hợp cho cây sâm. Đây chính là nơi mở màn việc di thực cây sâm Ngọc Linh, mở ra việc trồng sâm cho cư dân Trà Linh và các nơi, kể cả cho Kontum.

Dưới tán rừng rậm, giữa ngày hè vẫn tối om và gờn lạnh vì bóng mây che, các công nhân đang tất bật với công việc. "Phải cắm que để buồng hạt khỏi quị xuống đất ngăn con chuột. Có đến mấy loại chuột rừng đó, chúng thích ăn hạt sâm lắm" - một công nhân Xơđăng nói bên những luống sâm trĩu hạt. Cơ nghiệp chính của trại dược này là vườn sâm giống trải rộng dưới tán rừng gập ghềnh, khuất lấp, chỉ có lội dần qua hàng giờ mới thấy được công sức người trồng đổ ra.

"Sâm con năm nay đẹp, cây cứng, lá mượt. Trồng sâm khổ nhọc đủ bề nhưng lo nhất là cây con. Phải chăm chút sao để nó không bệnh, tuyệt đối giữ môi trường trại sâm trong lành, không được sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào cho cây sâm trồng ở đây" - trại trưởng Nguyễn Lê Phương cho biết. Với hơn 200.000 cây sâm con một tuổi chờ trồng ra, theo trại trưởng Phương là nhờ năm ngoái sâm được mùa hạt.

Ngọc Linh - loài sâm quí riêng có của một vùng rừng đầy đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng, cao độ, vĩ độ - không phải dễ nhân trồng. Công việc càng khó hơn khi những hiểu biết về sinh thái của loại thảo dược quí này buổi đầu còn rất hạn chế. "Thiếu vốn, thiếu người, thiếu định hướng, trại sâm chỉ hoạt động cầm chừng. Cũng may là trại đã tạo được vườn giống, rút ra được kỹ thuật trồng sâm chờ đến ngày có điều kiện phát triển" - phó trại Hồ Văn Du bộc bạch. Điều kiện, ấy là khi trại sâm được khoác chiếc áo mới thuộc sự quản lý của Công ty Dược - vật tư y tế Quảng Nam từ năm 2002 - một sự đổi chủ sau gần 25 năm từ khi trại sâm Trà Linh được thành lập.

Bảo tồn quĩ gen, nhân giống, trồng mới, trại sâm Trà Linh vẫn tiếp tục việc hoàn thiện kỹ thuật trồng sâm qua giáo trình tự rút ra từ thực tiễn công việc. Hai năm qua trại sâm này đã giúp cây giống cùng đất trồng cho Viện Dược liệu trung ương lập quĩ bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh ngay tại trại sâm, hỗ trợ một lượng lớn cây sâm con cho Lâm trường Ngọc Linh của tỉnh Kontum.

Thành công đáng kể của "căn cứ sâm" Trà Linh là đã tạo ra được nguồn sâm nguyên liệu cho chế biến sâm Ngọc Linh thành thương phẩm. Tuy số lượng còn hạn chế, nhưng nhờ chất lượng củ sâm trồng đạt yêu cầu, từ đầu năm 2008 Công ty Dược - vật tư y tế Quảng Nam đã có hai sản phẩm sâm Ngọc Linh được bán ra: củ sâm Ngọc Linh ngâm rượu và ngâm mật ong, cả hai đều được đăng ký chế biến và được cấp nhãn hiệu sản phẩm. Sản phẩm sâm Ngọc Linh tiếp theo của công ty này sẽ là dạng viên nén.

------------------------------

Trồng cây sâm khó nhưng giữ được cây sâm càng cực khổ hơn nhiều. Những con người lầm lũi vào rừng...

Kỳ tới: Hợp lực giữ sâm

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên