Phóng to |
“Chúa đảo” Vũ Công Long và những người bạn khỉ - Ảnh: T.B. |
Từ cảng Vũng Đục (Cẩm Phả, Quảng Ninh), chỉ cần 20 phút tàu lướt sóng, tôi đã đặt chân lên Hòn Rều xanh tươi. Đảo vắng tanh, ngay chỗ neo tàu có dựng tấm bảng “cấm người và phương tiện lên đảo”. Nắng lên, lũ khỉ từ trong rừng ùn ùn kéo ra vin cành đùa giỡn, nhảy nhót lanh chanh, gãi cào, cắn móng... Đảo cấm nên chỉ vài phút đã thấy bảo vệ xuất hiện. “Tôi là Long, chúa đảo” - bác sĩ thú y Vũ Công Long hóm hỉnh tự giới thiệu.
“Chúa đảo” Long chỉ tay về phía rặng dừa trước mặt: “Trồng nhiều thế nhưng chẳng được ăn”. Không riêng gì dừa, các loại cây ăn trái khác như nhãn, vải, khế... vừa trổ bông là bị khỉ vặt sạch. Sân trước dãy nhà làm việc đầy lá cây. Anh Truy cầm chổi quét vừa xong thì lũ khỉ lại bứt lá vãi đầy. Anh cho biết thêm nhà trên đảo phải đổ mái bằng, chứ lợp ngói là bị lũ khỉ cho “ngắm sao trời”. Các khung cửa sổ phải giăng lưới mắt cáo để chặn bước “lão Tôn”.
Từ năm 1962, Hòn Rều được đầu tư làm cơ sở chăn nuôi khỉ phục vụ nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm văcxin. Giống khỉ trên đảo là Macaca Mulatta, lông vàng, mặt đỏ, đuôi ngắn... Từ giống khỉ này, các nhà khoa học đã nghiên cứu sản xuất nhiều loại văcxin phòng các bệnh bại liệt, viêm gan A, cúm H5N1... |
Đến nay, đảo Hòn Rều đã có bốn đời “chúa đảo”. Bác sĩ Long mới “lên ngôi” bốn năm nhưng đã có thâm niên 25 năm ở đảo. Long nhớ lại: “Hồi đó ra đảo phải chèo thuyền nan, ban đêm thắp đèn dầu, nhà dột, không tivi, sách báo”. Lúc đó Long là nhân viên nuôi khỉ, về sau được cử đi học bác sĩ thú y. Vợ Long, chị Tuyết Dung, vốn là con gái của nguyên “chúa đảo” Lê Duy Thinh. Chị được sinh ra trên đảo, đến tuổi học vào đất liền. Như một định mệnh, những lần chị ra thăm bố mẹ, hai anh chị đã “bén duyên”. “Nhờ ra đảo mà mình có cơ hội trở thành bác sĩ, cưới được vợ và có những người bạn khỉ” - Long cười bảo.
Chúng tôi theo kỹ sư Phương xuống khu nuôi khỉ sạch chờ đưa đi thử nghiệm văcxin. Ngoài cơm gạo lức nấu cùng các loại đậu, Phương còn cho khỉ ăn mía, ổi, chuối và khoai lang. Cơm được đậy kỹ tránh ruồi nhặng, còn củ, quả được rửa thật sạch. Rồi Phương tỉ mẩn xịt nước rửa chuồng, dùng giẻ kỳ cọ từng vết dơ trên tường. Phương kể có lần một khỉ mẹ vừa sinh con thì chết, anh em hằng ngày cho khỉ con bú bình giống như bảo mẫu. Chú khỉ này về sau rất thân với anh em, nhưng rồi cũng đến lúc phải rời đàn vào đất liền hiến thân cho khoa học.
Kỹ sư Phương là thế hệ thứ ba. Vì muốn trọn đời bám đảo, Phương đã đi học tại chức kỹ sư chăn nuôi. Anh và các đồng nghiệp không chỉ chăm sóc khỉ sạch mà cả khỉ nuôi thả bán hoang dã trên đảo. Lúc cho khỉ ăn, bao giờ Phương và anh em cũng để ý, hễ con nào lừ đừ hoặc bị thương là tách ra chăm sóc riêng. Chị Hà, đồng nghiệp của Phương, cũng là thế hệ thứ ba sống trên đảo. Ông ngoại Hà tham gia từ giai đoạn phát quang đảo, sau đó đến lượt bố mẹ. Hà học hết lớp 12 cũng ra với đảo. Hai năm trước, chị Hà vừa sinh bé Hưng là thế hệ thứ tư trên đảo.
Đảo nhỏ chỉ có 16 người nên anh em quý mến và rất gắn bó với nhau. “Hễ có việc vào đất liền 1-2 ngày là nhớ đảo ghê gớm” - Phương cho biết. Mỗi chiều sau giờ làm việc, chị Hà ẵm bé Hưng ra chơi đùa với khỉ. “Ở đảo không có bong bóng, đu quay đâu, chỉ có khỉ thôi” - chị Hà trầm ngâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận