Bé T.H., được 3 tháng tuổi, cân nặng 6,1kg, bị nhiều vết mủ màu vàng đục ở vùng mặt và bụng. Mẹ bé khai với bác sĩ là cách nay một tuần trời trở lạnh, da bé bị đỏ, sần sùi, khô nứt. Bé ngứa ngáy khó chịu gãi hoài, mẹ bé mua đủ loại thuốc bôi mà không hết.
Mẹ bé sợ dùng thuốc Tây gây hại da bé nên đổi qua dùng dầu dừa. Thoa dầu dừa được ba ngày thì da bị nổi bóng nước và đóng vảy vàng. Tối bé nóng sốt, khóc nhè khó dỗ nên mẹ bé vội đưa vào bệnh viện.
Bác sĩ khám cẩn thận toàn thân cho bé, rồi nói với mẹ: "Cháu bị viêm da mủ, biến chứng nhiễm trùng huyết, bệnh này phải nhập viện điều trị gấp".
Mẹ nghe bác sĩ nói, muốn té xỉu luôn. Nhưng bác sĩ ân cần trấn an và giải thích cho mẹ hiểu là nhờ mẹ đã sớm đưa vô bệnh viện kịp thời nên bé sẽ được điều trị đúng và tích cực, hy vọng sẽ sớm hồi phục.
Về chuyên môn, trong mùa lạnh da trẻ nhỏ thường trở nên khô và nứt nẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như do không khí lạnh và khô hanh sẽ làm giảm độ ẩm tự nhiên của da bé, khiến da bị mất nước và trở nên khô ráp. Lớp sừng của da trẻ còn non nớt, mong manh, chưa hoàn thiện nên dễ bị tổn thương, dễ mất nước.
Khi da bị mất nước, lớp sừng bên ngoài sẽ trở nên cứng và dễ bị nứt nẻ. Các vết nứt này tạo ra những khe hở, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào gây viêm nhiễm, nhất là trẻ có thói quen liếm môi, mút tay, khiến da ở những vùng này càng bị khô và nứt nẻ hơn.
Nếu gia đình tự mua các thuốc bôi không đúng thì sẽ làm da bé dễ bị tổn thương, nhiễm trùng do những loại thuốc không phù hợp. Khi bị nhiễm trùng, da sẽ nổi những mụn mủ như bé T.H. kể trên.
Về dầu dừa mặc dù rất lành tính, là một chất tự nhiên có thể giúp làm dịu các loại viêm da nhẹ, nhưng không hiệu quả với các bệnh lý da nghiêm trọng. Mặt khác, có một số ít người bị dị ứng với dầu dừa do cơ địa. Vì vậy, trước khi sử dụng bà con mình nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Để phòng ngừa viêm da trong mùa lạnh, bà con mình cần bổ sung đủ nước cho bé. Nếu bé còn bú sữa mẹ, mẹ cần tiếp tục cho bú. Nếu bé lớn hơn thì cho bé uống đủ nước; vệ sinh da bé sạch sẽ, tắm bằng nước ấm và sữa tắm dịu nhẹ, không chứa xà phòng.
Lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm; giữ ấm cho bé, nhưng chú ý để da bé khô thoáng, thay bỉm thường xuyên, đặc biệt là khi bỉm bị ướt hoặc bẩn; mặc quần áo bằng vải với chất liệu cotton mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt, giúp da bé thông thoáng.
Đưa bé đến bác sĩ khám khi bị viêm da, để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp.
Ngoài ra, bà con không tự ý dùng thuốc, không tự ý mua thuốc bôi cho bé mà chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận