15/02/2023 10:41 GMT+7

Trẻ nhỏ bị bệnh da, cần chăm sóc thế nào?

Da trẻ non nớt, mong manh, bệnh da nếu thoa thuốc không đúng chỉ định sẽ gây ra tình trạng teo da tại vùng bôi thuốc, viêm nhiễm, nhiễm trùng...

Bé T. bị viêm da do đắp lá mướp - Ảnh: BS ÚC NGUYỄN

Bé T. bị viêm da do đắp lá mướp - Ảnh: BS ÚC NGUYỄN

Mới đây, một cháu bé khoảng 6 tháng tuổi, ngụ ở TP.HCM được cha mẹ đưa đến phòng khám của một bác sĩ da liễu nhi trong tình trạng đỏ da nhiều trên hai má, rịn nước kèm đầy mủ.

Thảo dược, nước lá... không an toàn

Cháu được phát hiện bị viêm da cơ địa từ lúc 2 tháng tuổi. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các bác sĩ khám đều có cùng chẩn đoán viêm da cơ địa, sau đó kê toa thuốc cho bé điều trị. Thấy con còn quá nhỏ, ba mẹ bệnh nhi có tâm lý sợ thoa thuốc tây y nên đã không thoa thuốc theo đơn cho bé.

Mới đây, gia đình đưa bé về quê và mua, dùng các loại thuốc thảo dược, tắm lá, nhai lá, đắp trên hai má cho bé mới xảy ra tình trạng đầy mủ như trên. "Hậu quả của nước lá, thảo dược cũng rất kinh khủng chứ không an toàn như nhiều người nghĩ..." - ThS Nguyễn Đình Huấn, chuyên khoa da liễu nhi Bệnh viện Nhi đồng 2, nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Huấn, da trẻ em non nớt và mỏng manh hơn nhiều so với da người lớn, tính thấm thuốc ở da trẻ em cũng cao hơn da người lớn. Điều này cũng có nghĩa, khi sử dụng thuốc bôi da hay kem hỗ trợ cho da trẻ em sẽ có nguy cơ bị nhiều biến chứng hơn da người lớn.

Trong thực tế nhiều bậc phụ huynh không hiểu được sự non nớt, mỏng manh của da trẻ. Thấy trẻ mới phát bệnh, các bậc phụ huynh thường không đưa trẻ đi khám mà ra ngay nhà thuốc kể các triệu chứng để mua những loại thuốc thoa do nhân viên nhà thuốc gợi ý.

Nhân viên nhà thuốc không chuyên về da liễu nhi nên gợi ý, bán những loại thuốc không thích hợp. Ngay cả những loại thuốc mua về bôi cho trẻ thấy trẻ hết bệnh nhưng thực ra những loại thuốc này lại quá mạnh so với trẻ.

Coi chừng teo da

Bác sĩ Huấn nhấn mạnh khi nghe các loại thuốc thảo mộc, thuần mộc hoặc tắm nước lá, các bậc cha mẹ đều có cảm giác sẽ an toàn với trẻ nhưng thực tế lại không phải như vậy. Hiện rất nhiều loại thuốc thảo mộc, thuần mộc... chưa được chứng minh về mặt khoa học.

"Không phải loại thuốc thảo dược nào cũng an toàn cho trẻ. Ngay cả việc dùng nước lá tắm cho trẻ cũng không an toàn nếu như loại lá đó không thích hợp với trẻ. Ngoài ra, khi nấu nước lá mà không đủ sạch tắm khi trẻ đang có những sang thương trên người sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Còn bôi thuốc cho trẻ không đúng chỉ định sẽ gây ra tình trạng teo da tại vùng bôi thuốc, nhiễm trùng, điều trị sai, lệch hướng sẽ làm bệnh nặng hơn" - BS Huấn nói.

Có những trẻ bị viêm da mãn tính, thường gặp nhất là viêm da cơ địa, nên trẻ sẽ có đặc điểm tái bệnh đi, tái bệnh lại nhiều lần. Khi trẻ có vấn đề về da, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa da liễu nhi để được khám, điều trị. Những bác sĩ này được học bài bản, có kinh nghiệm nên sẽ cân đối được việc ghi toa thuốc nào để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Có nhiều bệnh da liễu cần thời gian điều trị lâu dài, do vậy các bậc cha mẹ nên kiên nhẫn điều trị theo liệu trình của các bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Không nên ra nhà thuốc tự mua thuốc.

Có những vấn đề về da trẻ có thể tự khỏi chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải tìm thuốc bôi thoa. Thoa thuốc không cần thiết sẽ làm tổn thương đến da, thậm chí không hồi phục. Còn nếu thuốc thoa là thuốc kháng sinh, bôi không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh...

Đắp lá cây trị lác sữa, bé bị viêm da nặng

Bé Lê Ngọc T., 2 tháng tuổi, nhà ở xã Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo, Tiền Giang, bị nổi mụn đỏ trên da hai bên gò má, ngứa ngủ không được.

Mẹ nghe hàng xóm chỉ, lấy lá mướp đâm ra cho giập rồi đắp lên da mặt sẽ hết. Sau ba ngày đắp lá mướp, da bé bị đỏ nhiều hơn, xuất hiện mụn mủ trắng đục và bé bị sốt cao, nên mẹ đưa bé vào cơ sở y tế để khám bệnh.

Bác sĩ nói bé bị chàm thể tạng vùng da gò má/ bội nhiễm vi trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết và cho nhập viện điều trị.

Về chuyên môn, chàm thể tạng hay còn gọi là lác sữa, viêm da cơ địa, thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi trở lên. Đây là tình trạng viêm da mãn tính, không lây, do trẻ có cơ địa dị ứng hoặc do di truyền. Bệnh có thể kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi với những tổn thương điển hình xuất hiện ở hai bên gò má.

Do da dễ bị kích thích nên bà con mình chú ý không nên thoa, đắp lá cây lên da, vì đắp lá cây sẽ làm da vừa bị kích thích bởi chất lạ, vừa dễ bị nhiễm trùng.

Bs NGUYỄN THÀNH ÚC

Bé hai tuổi bị viêm da mủ toàn thân vì tắm nước láBé hai tuổi bị viêm da mủ toàn thân vì tắm nước lá

TTO - Bệnh nhi vừa vào Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh trong tình trạng sốt ba ngày nay, nổi mụn và viêm loét dày vùng da toàn thân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên