Lực lượng tìm kiếm ở thủy điện Rào Trăng 3 tiến hành hút cạn hốc đá nghi có người mất tích giữa lòng sông Rào Trăng - Ảnh: QUANG ĐẠO
"Trước khi xảy ra chuyện, cậu Hà (anh Lê Đình Hà, nạn nhân còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 - PV) còn ghé quán tui xin mua nợ lít xăng vì chưa nhận lương. Mấy cậu nớ đều là bạn tui mà giờ người chết, người tìm chưa ra" - chị Nguyễn Thị Kim Anh ngậm ngùi.
Từng mỏm đá, khe suối được chúng tôi lật tung lên. Có nơi đào lui đào tới tận mấy lần để tìm nạn nhân mất tích, nhưng thật buồn là vẫn còn 11 người chưa thể tìm ra.
Trung tá Hồ Đắc Quốc
Cuộc cứu hộ lịch sử
Rót ly nước mời khách, bà Hồ Thị Út, mẹ chồng chị Kim Anh, kể rằng chưa khi nào người dân xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) thấy xe bộ đội về nhiều đến vậy. Chuyện bắt đầu từ chiều 12-10-2020, giữa cơn mưa như trút nước, lần đầu tiên trong đời bà Út thấy xe bọc thép "có lốp to như cái bàn" lầm lũi chở bộ đội hướng về núi.
Đó là xe chở thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng lên đường 71 làm nhiệm vụ cứu hộ, tìm người bị vùi lấp sau vụ sạt lở kinh hoàng ở thủy điện Rào Trăng 3 vào rạng sáng cùng ngày. Nào ngờ tối hôm đó, núi lại tiếp tục lở vùi lấp tướng Man cùng 12 đồng đội giữa núi rừng!
"Hôm xe cấp cứu chở mấy anh, mấy chú về, cả làng tui ra đường đứng đợi đón. Ai cũng thương, cũng khóc cả. Ai ngờ giữa thời không bom đạn mà cũng có bộ đội hy sinh" - bà Út chùng giọng.
Sau hai vụ sạt lở, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Quân khu 4 đã mở một cuộc tìm kiếm quy mô chưa từng có. Hàng ngàn lượt quân nhân, nhân viên y tế được điều động đến hiện trường. Ngày 14-10, ba mũi tìm kiếm bằng đường bộ, đường không và đường thủy. Nhóm đường bộ tiếp cận trạm bảo vệ rừng 67 - nơi đoàn cứu hộ hy sinh, để tìm kiếm 13 liệt sĩ sau vụ sạt lở tối 13-10.
Máy bay trực thăng của không quân cũng bay thẳng lên thủy điện Rào Trăng 3, khảo sát tình hình và thả lương thực cho nhóm công nhân bị kẹt tại đây. Riêng nhóm cứu hộ đường thủy đã đưa được 19 công nhân cùng một thi thể được tìm thấy từ thủy điện Rào Trăng 3 về TP Huế để sơ cứu những người bị thương.
Sau cuộc tìm kiếm ở trạm 67, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 còn tiếp tục triển khai cuộc tìm kiếm 17 công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 với 7 giai đoạn kéo dài gần một năm trời. Hơn nửa triệu khối đất đá ở khu vực xảy ra sạt lở kéo dài đến tận chân đập thủy điện với chiều dài khoảng 5km đã được đào lên. Từng hốc đá, bãi bồi nghi có người mất tích đều được lật tung kỹ lưỡng. Nhưng chỉ 6 thi thể công nhân được tìm thấy, 11 người còn lại vẫn nằm đâu đó ở Rào Trăng.
Trung tá Hồ Đắc Quốc - phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết mỗi cuộc tìm kiếm, quân đội luôn mời người thân các nạn nhân cùng lên Rào Trăng. "Chúng tôi đáp ứng nguyện vọng của gia đình trong quá trình tìm kiếm thân nhân mất tích. Từng mỏm đá, khe suối được chúng tôi lật tung lên. Có nơi đào lui đào tới tận mấy lần để tìm nạn nhân mất tích, nhưng thật buồn là vẫn còn 11 người chưa thể tìm ra" - ông Quốc trầm giọng.
Bà Hồ Thị Út nhớ những ngày tháng bi thương vùi lấp nhiều người - Ảnh: N.LINH
Người ở lại mạnh mẽ sống tiếp
Một năm sau thảm họa kinh hoàng, tôi về căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Bá Tuyến, một công nhân thiệt mạng ở thủy điện Rào Trăng 3, tại thôn Hiền An II (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Căn nhà nằm bên đường đất đỏ, cỏ mọc um tùm, cửa đóng then cài.
Thấy người lạ, một cậu nhóc hàng xóm chạy sang nói bà Bình (mẹ anh Tuyến) đi họp phụ huynh cho cháu nội là con trai anh Tuyến ở trường mầm non trong xã. Tầm trưa, bà cháu dắt nhau về nhà. Một năm qua, bà cùng con dâu là chị Nguyễn Thị Ái nuôi nấng cậu con trai 4 tuổi của anh Tuyến nên người. Từ ngày anh mất, chị Ái thương mẹ chồng như mẹ ruột, rau cháo nuôi nhau.
Cũng vào một ngày đầu tháng 10, tôi ghé nhà ông Bùi Đức Lộc ở thôn Nhan Biều (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đúng hôm ông làm giỗ đầu cho con trai là anh Bùi Đức Thọ - công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích sau vụ sạt lở. Cạnh mâm cỗ nhỏ đặt trước linh vị là chiếc xe máy hàng mã được làm y như thật. Thấy tôi chú ý chiếc xe giấy, ông Lộc bộc bạch: "Trước lúc gặp nạn, Thọ đang dành dụm tiền lương để mua một chiếc xe máy mới. Chiếc xe máy cũ hỏng lên hỏng xuống, leo dốc lên Rào Trăng thì bị ngắt máy dừng giữa đường mấy lần. Vậy mà...".
Một năm qua, hễ nghe tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tìm kiếm người mất tích là ông Lộc lại khăn gói từ Quảng Trị vào tận Rào Trăng ngóng con.
Biết hôm nay giỗ đầu của Thọ, vài người hàng xóm láng giềng đến thắp hương cho cậu trai xấu số. Ông Nguyễn Văn Phụng, một hàng xóm, động viên ông Lộc đừng quá đau buồn. "Anh mở lại quán cà phê trước nhà đi. Từ ngày cháu mất, quán cà phê cũng đóng cửa theo vì anh đi Huế tìm cháu suốt. Nay một năm rồi, anh mở lại quán để sáng sáng em sang uống cà phê, chuyện trò với anh cho đỡ buồn" - ông Phụng nói.
Đáp lại lời gan ruột của người hàng xóm, ông Lộc hứa sẽ mở lại quán cũng như cảm ơn ân tình láng giềng tốt bụng giúp gia đình vượt qua nỗi đau mất con.
Cuộc trò chuyện thân tình bị gián đoạn bởi cuộc gọi video call đến điện thoại ông Lộc. Ông hồi hộp nghe máy rồi nói: "Bà con thân nhân người gặp nạn ở thủy điện Rào Trăng. Nay là ngày giỗ chung cho các cháu nên mấy người trong nhóm gọi hỏi thăm nhau".
Ông Lộc kể rằng mình là một trong những người thành lập nhóm thân nhân các nạn nhân để động viên nhau vượt qua đau thương. "Trong số những người còn mất tích, nhiều người là lao động chính trong gia đình. Sau lưng họ còn mẹ già, còn con nhỏ. Nhóm chúng tôi đang làm việc với Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 để chia sẻ trách nhiệm với thân nhân những người bị nạn" - ông Lộc nói.
Trạm bảo vệ rừng 67 - nơi 13 cán bộ, chiến sĩ trên đường cứu nạn đã hy sinh
Nỗi lo chưa dứt
Đầu tháng 7 rồi, chúng tôi trở lại thủy điện Rào Trăng 3 cùng quân đội tiếp tục tìm kiếm 11 người còn mất tích. Đây đã là giai đoạn thứ bảy của cuộc tìm kiếm trên lòng sông Rào Trăng tính từ nơi sạt lở đến khu vực chân đập thủy điện.
Những vết trượt đất sâu hoắm nằm dọc con đường 71 như nhắc nhở những người đi đường về thảm họa kinh hoàng xảy ra gần một năm trước còn hiện hữu.
Một nhà điều hành mới của thủy điện Rào Trăng 3 được dựng lên cách khu nhà điều hành cũ vài trăm mét. Ngay tại nơi xảy ra sạt lở, một nhà bia cũng được dựng lên ghi tên họ của 17 công nhân đã khuất và còn mất tích.
Một công nhân làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3 nói rằng điều làm anh lo lắng nhất vẫn là chuyện sạt lở vào mùa mưa bão ở khu vực được xem là rốn mưa của huyện Phong Điền này.
Theo anh, dù khu nhà điều hành mới được tính toán, xây dựng lại không tựa lưng vào núi như khu nhà cũ đã bị vùi lấp nhưng nhiều công nhân vẫn thấy lo núi lở khi trời mưa bão. Anh còn cho biết thêm phía công ty thủy điện đã lên phương án rút mọi công nhân làm việc ở đây về thủy điện Rào Trăng 4 khi trời nổi mưa gió.
Ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết sau thảm họa sạt lở ở Rào Trăng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập danh sách các địa điểm dễ xảy ra trượt lở đất, lũ quét trên toàn tỉnh. Mỗi đợt mưa bão, ban gửi danh sách này đến các địa phương và yêu cầu họ lên phương án di dân đến nơi an toàn.
"Riêng ở thủy điện Rào Trăng 3, trước bão số 7 vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu công ty rút toàn bộ người làm việc ở thủy điện về nơi an toàn bởi khu vực này có nguy cơ cao, tiếp tục xảy ra sạt lở đất" - ông Hùng nói.
Xây dựng bản đồ sạt lở
Ông Phan Ngọc Thọ - phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết sau vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng bản đồ sạt lở với tỉ lệ chi tiết. Ông Thọ cho biết trước đó tỉnh đã có một bản đồ sạt lở nhưng tỉ lệ quá lớn với 1/50.000.
Bản đồ sạt lở mới này sẽ chi tiết, cụ thể hơn từng khu vực có nứt gãy địa chất, cảnh báo sạt lở với tỉ lệ nhỏ hơn. Nó sẽ giúp Thừa Thiên Huế đánh giá lại các vị trí nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét để phục vụ việc di dân trong thiên tai cũng như cấp phép các công trình xây dựng trong tương lai.
Ngày 11-10-2020, Thừa Thiên Huế bị mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Ngày 12-10, thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đã xảy ra sạt lở núi, vùi lấp 17 người. Quá trình tìm kiếm phát hiện thi thể 6 người, 11 người vẫn còn mất tích. Ngày 13-10, lại sạt lở núi ở trạm bảo vệ rừng 67, làm vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Thi thể 13 quân nhân này được tìm thấy vào ngày 15-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận