15/12/2021 10:52 GMT+7

Trở lại đô thị trước Tết tìm việc dễ hơn

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Dù các hoạt động đã trở lại bình thường từ 2 tháng nay ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nhưng dòng người đã về quê chưa trở lại như mong muốn khiến việc sản xuất kinh doanh ở đây cũng khó khăn.

Trở lại đô thị trước Tết tìm việc dễ hơn - Ảnh 1.

Sau khi về Bến Tre tránh dịch, một số người lao động đã trở lại TP.HCM làm việc - Ảnh: NHẬT THỊNH

Các chuyên gia cho rằng trở lại đô thị trước Tết dễ kiếm việc hơn vì nhiều lý do.

Báo cáo Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho hay cao điểm của đợt dịch COVID-19 thứ tư đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ các đô thị lớn về quê. 

Qua khảo sát, khoảng 30% người dân có nhu cầu quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở địa bàn khác, khoảng 40% còn lại muốn có việc làm tại quê nhà. 

Ông Dung cho rằng các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cần có chính sách vận động, thuyết phục người lao động quay trở lại.

Cơ bản người lao động rời các đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ quay trở lại bởi lẽ việc làm tại quê có nhưng không đáng kể. Thêm nữa, nhu cầu tuyển dụng dịp Tết sẽ tăng vài chục phần trăm do các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để hoàn thành đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu.

Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân

Thiếu hụt lao động dịp Tết

Theo ông Đào Quang Vinh - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, lao động nhập cư chưa có ý định trở về đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là do dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. 

Lao động nhập cư chủ yếu tự do tìm kiếm việc làm hoặc do người quen giới thiệu và thường chọn công việc thu nhập cao, thời gian làm việc linh hoạt... 

Trong khi đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa hoạt động hết công suất, chưa hứa hẹn sẽ có việc làm ngay. Do đó phần lớn người đã về quê có tâm lý làm việc tạm thời ở quê và nghe ngóng tình hình trước khi trở lại thành phố.

Ông Vinh cho rằng "có một sự không công bằng" khi nhiều chính sách phục hồi việc làm được đưa ra cho khu vực chính thức (khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn nước ngoài) nhưng khu vực phi chính thức thì lại chưa được quan tâm đúng mức, trong khi báo cáo năm 2020 cho thấy số lao động tại khu vực phi chính thức lên tới 37 triệu người. 

"Thiếu hụt lao động ngay trong dịp Tết này là hiện hữu khi nhiều người vẫn ám ảnh vì dịch bệnh chưa được kiểm soát. Chưa kể học hành của con cái, chi phí sinh hoạt thật sự là những mối lo của lao động tự do khi mới trở lại thành phố vì họ không có tài chính tích lũy, không tham gia bảo hiểm, giá cả cận Tết lại tăng cao", ông Vinh nhận định.

Theo một số chuyên gia, nhiều người lao động đã về quê chưa vội trở lại các thành phố trước Tết Nguyên đán vì e ngại việc làm không ổn định, không bền vững do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh và dịch vụ có thể bị tạm ngừng bất cứ lúc nào.

Cần đảm bảo ổn định cuộc sống khi trở lại

Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhận định: "Cơ bản người lao động rời các đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ quay trở lại bởi lẽ việc làm tại quê có nhưng không đáng kể. 

Thêm nữa, nhu cầu tuyển dụng dịp Tết sẽ tăng vài chục phần trăm do các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để hoàn thành đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu".

Theo ông Huân, giải pháp cấp bách lúc này là các địa phương phải có kế hoạch tiêm chủng, xét nghiệm, hỗ trợ tiền tàu xe, thuê nhà giá rẻ để đón lao động trở lại thành phố. 

Các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... cần vận động chủ nhà giảm tiền thuê trọ, tiền điện, tiền nước cho người thuê. 

Để lao động nhập cư yên tâm cống hiến cho đô thị lâu dài, từng tỉnh thành phải có một chiến lược tổng thể bao gồm hỗ trợ mua nhà ở xã hội, chữa bệnh, bố trí trường lớp học hành cho con cái, chăm sóc đời sống tinh thần, vui chơi giải trí...

Ông Huân cho rằng các giải pháp trên thật ra không mới, "cái mới" là cơ chế phối hợp và quy định trách nhiệm giữa các tỉnh thành. 

Đơn cử, chính sách nhà ở đã có hàng chục năm với mục tiêu xây nhà giá rẻ, cải tạo nhà cho thuê nhưng việc triển khai rất hạn chế, chỉ đáp ứng 5 - 7% nhu cầu thực tế. 

Về lâu dài, theo ông Huân, cần quy hoạch khu dân cư gắn với khu công nghiệp; xây nhà ở cho thuê, khuyến khích xã hội hóa nhà ở cho lao động nhập cư; quy hoạch nhà ở của công nhân cách nhà máy 5 - 10km. Những dịch vụ thiết yếu phục vụ các khu dân cư này sẽ tạo thêm việc làm cho người nhập cư về lâu dài.

Ông Đào Quang Vinh cho rằng chính quyền cần đảm bảo cuộc sống của lao động nhập cư ngay khi "mời gọi" họ trở lại đô thị. Ở cấp cao hơn, Chính phủ cần có cam kết cải cách an sinh xã hội, chính sách thu hút lao động nhập cư "công bằng, bao trùm hơn", có hỗ trợ ban đầu nhằm tạo niềm tin cho người mới trở lại thành phố làm việc. 

Cơ quan chuyên môn cần xác định rõ ai cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, ưu tiên cho đối tượng yếu thế như phụ nữ và người có con nhỏ...

Cần có sự bảo đảm các giải pháp chống dịch không gây ngừng trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dù là tạm thời, và bảo đảm người dân được làm việc và có thu nhập. 

Không có sự bảo đảm này người lao động khó quay lại đô thị mà sẽ chọn làm việc gần nhà, một công việc ở nông thôn dù thu nhập không cao.

'Chở' giấc mơ trở lại thành phố: Làm cật lực bù tháng ngày khó

TTO - 'Tìm đường đi mới' là cách những công nhân dí dỏm nói với nhau khi chọn ở lại 'vùng đất hứa'. Trong các xóm trọ ở Bình Dương hay TP.HCM hiện vẫn còn đó rất nhiều những mảnh đời quyết bám trụ lại với hy vọng ngày mai sẽ dần ổn hơn...

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên