![]() |
George (phải) và Judd trước trường mẫu giáo Tà Rụi vừa khánh thành - Ảnh: Nguyễn Trung Trực |
Cả hai người lính năm nay đều đã trên 70 tuổi, bước chân không còn vững, nhưng đến Việt Nam họ đã cùng trèo lên những ngọn núi của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để tìm địa điểm xây dựng trường học cho những đứa trẻ Pa Cô, Vân Kiều.
Đến cuối tháng 4-2014, hai ngôi trường mẫu giáo kiên cố đã ra đời tại bản Tà Ria 2 (thuộc xã Húc) và Tà Rụi (thuộc xã Hướng Lộc) trong sự ngỡ ngàng của dân bản và các cô giáo tại đây. Ông Đặng Quốc Biên, cán bộ Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị, cho biết nay hai bản này đã thoát khỏi cảnh dạy và học trong những ngôi trường tranh tre nứa lá tạm bợ.
Nỗi ray rứt mang tên Việt Nam
Hai trường mẫu giáo Tà Rụi (xã Hướng Lộc) và Tà Ria 2 (xã Húc, cùng huyện Hướng Hóa) có tổng vốn đầu tư 1 tỉ đồng. Trong đó hai cựu binh George và Judd đóng góp 700 triệu đồng, 300 triệu còn lại từ vốn đối ứng của địa phương thông qua Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị. |
Trong một quán cà phê tại TP Đông Hà sau một ngày dài leo rừng vào khánh thành hai ngôi trường mẫu giáo, thi thoảng khi nhắc đến chiến trường Khe Sanh và chiến tranh Việt Nam, ánh mắt hai người lính lại thoáng buồn. George Barczay nói ông đã mang nỗi buồn đó suốt 46 năm qua.
George gia nhập thủy quân lục chiến Mỹ và phụ trách liên lạc truyền thông. Năm 1967, đơn vị của ông được điều động đến Khe Sanh nắm giữ các điểm cao tại đây để ngăn chặn các đợt tiến công của bộ đội Việt Nam từ phía Bắc. Năm 1968, George đóng quân ngay tại cao điểm 881 Nam. “Hàng ngàn tấn bom đạn đã rải thảm trên cả vùng này. Những bản làng yên bình bị bom đạn giội nát bươm. Những người dân hiền hòa chất phác vô tội trong các bản làng này chết la liệt” - George rùng mình nhớ lại. George bị kẹt lại tại một căn hầm trên cao điểm 881 Nam hơn một tháng trời. Ông cũng nếm trải đủ cảm giác đói khát, sợ sệt và hoang mang như chính những người dân ở xung quanh. Trở về từ chảo lửa Khe Sanh, George bắt đầu bị ám ảnh bởi những hình ảnh. “Chiến tranh để làm gì khi chỉ toàn bom đạn và giết chóc” - ông tự hỏi. Những năm sau này ở Mỹ, thi thoảng lên mạng Internet, George lại bắt gặp những thước phim về chiến tranh Việt Nam. Ông không dám xem hết bởi nỗi ám ảnh lại giày vò.
Vợ ông cũng đi cùng ông qua Việt Nam khánh thành hai ngôi trường. Bà kể nhiều đêm nằm ngủ George cứ mãi trằn trọc. Ông lại kể về những chuyện xảy ra ở chiến trường Khe Sanh cho bà nghe. Hai chữ Khe Sanh và Việt Nam như là một nỗi ray rứt suốt 46 năm qua với George. “Đó là một mảnh đất hiền hòa. Nhưng chúng ta đã đem bom đạn đến. Phải làm điều gì đó để hàn gắn lại những vết thương đó thì mới thanh thản được” - George nói với vợ.
Mong ước cuối đời...
George và Judd Kinne gặp nhau hai lần dù trong cuộc chiến hai người chưa từng gặp mặt. Lần gặp đầu tiên là ở ngày giải ngũ. Cả hai cùng đăng ký học chung một trường đại học. Hai người lính gặp nhau, thân nhau và rồi trong những câu chuyện sau đó, họ nhận ra mình cùng chung một tâm nguyện: “Phải trở lại và làm điều gì đó cho Khe Sanh, Quảng Trị”. Đó cũng là lần “gặp” thứ hai của họ.
Hơn 20 năm qua, cả hai đã cùng gom góp tiền cho một kế hoạch. Từ đồng lương của mình, mỗi tháng hai người trích ra một phần nhỏ để góp vào một quỹ chung mà hai người gọi là “quỹ hàn gắn vết thương chiến tranh cho Khe Sanh”. Gặp những đồng đội cũ ở tiểu đội Kilo, tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ, George nói qua kế hoạch của mình và được ủng hộ.
Đến cuối năm 2013, sức khỏe George giảm sút. Nhiều lúc ông phải đi lại bằng gậy. “Thời gian không còn nữa. Chúng ta phải làm gì đó trước khi quá muộn” - George điện thoại cho Judd. Hai người lính quyết định cùng lên đường trở lại Việt Nam và tìm đến Khe Sanh để khảo sát. Và hơn nửa năm sau đó, hai ngôi trường mẫu giáo khang trang đã mọc lên giữa nơi xưa kia toàn là bom đạn này.
George nói ban đầu khi gom góp tiền, cả hai đều chưa nghĩ ra sẽ làm gì để giải tỏa nỗi ray rứt dồn nén từ sau chiến tranh, cho đến một ngày tình cờ xem một đoạn phim về những học trò vùng núi của huyện Hướng Hóa phải đi học trong ngôi trường trống hoác, lợp tạm bằng tranh tre nứa lá. Cứ mỗi mùa mưa bão qua là ngôi trường trở thành bãi đất trống, học sinh phải nghỉ học một thời gian, thầy cô giáo phải cùng dân bản vào rừng chặt cây dựng lại trường học cho trẻ nhỏ. Ý tưởng chợt đến trong đầu ông là phải xây trường học kiên cố cho vùng đất đó. “Xưa kia chúng ta đã đem bom đạn đến phá nát vùng đất này, thì nay phải đem đến những nắm đất màu mỡ để gieo mầm những hạt giống ở vùng đất đó” - George nói. Ngày hai cựu binh vào khánh thành trường mẫu giáo, cô giáo Nguyễn Thị Niên, hiệu trưởng Trường mầm non xã Hướng Lộc, vui mừng nói: “Các cô giáo và học sinh ở đây có được ngôi trường khang trang ấm cúng như thế này, không vui sao được”.
Sau khi cắt băng khánh thành hai ngôi trường mẫu giáo, George muốn đến cao điểm 881 Nam nơi trước đây ông từng đóng quân. Từ điểm trường mẫu giáo lên đến cao điểm 881 mất gần ba giờ đi bộ và leo núi. Ông quyết tâm đi bằng được dù đôi chân ông có lúc như muốn khuỵu xuống. Ông đưa hai chiếc gậy mang theo giơ lên như thể hiện quyết tâm của mình. Cùng đi với George là Judd Kinne, một người lính thủy quân lục chiến Mỹ chiến đấu trên tuyến đường 9 - Nam Lào và Khe Sanh. Hai người lính dìu nhau bước lên từng ngọn đồi để đến được căn cứ cũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận