Tết ở nơi này không phải tết quê hương!Online cùng tết Việt: rộn ràng không khí xuân"Xuân SV 2012" của bạn trẻ Việt ở Irkutsk
Phóng to |
Các khách mời tham gia chương trình trò chuyện giao thừa |
Phóng to |
Ngay lúc này, những cuộc trò chuyện thổn thức nỗi niềm nhớ thương gia đình và khao khát được hòa mình vào ngày tết quê hương giữa TTO và du học sinh, người lao động ở nước ngoài... đang được cập nhật liên tục trên TTO.
Đặc biệt, quý bạn đọc có thể nghe những lời tâm tình và xem một số clip ghi lại các hoạt động đón tết của người Việt ở nước ngoài. Chương trình còn có sự tham gia của các khách mời đặc biệt: giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, ca sĩ Thái Trinh, kỳ thủ Lê Quang Liêm, chị Hoàng Thị Minh Hồng - thành viên nhóm điều phối chiến dịch toàn cầu chống biến đổi khí hậu 350.org khu vực Đông Nam Á - người phụ nữ Việt Nam hai lần đến Nam cực.
Chương trình trò chuyện trực tuyến với người Việt xa xứ sẽ kéo dài đến 1g sáng ngày mùng 1 tết (ngày 23-1-2012).
Đã sắp giao thưa, xin mời những bạn đọc Việt Nam ở nước ngoài chat với ID ttoxuan2012@yahoo.com để sẻ chia những cảm xúc hoặc gửi các thông điệp đến email tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề email vui lòng ghi: Chat giao thừa. Nội dung thông điệp vui lòng trình bày theo mẫu hướng dẫn tại đây.
GS.TS Trần Văn Khê: "Năm mới, ước mong âm nhạc truyền thống Việt Nam được tôn trọng đúng với vị trí" TTO: Kính chào giáo sư, xin hỏi giáo sư đang đón giao thừa cùng ai ạ? - Tôi đón giao thừa một mình tại tư gia ở đường Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Năm nay tôi đã lớn tuổi, nếu sức khỏe cho phép sẽ thức để giờ giao thừa, còn nếu thấy mệt quá thì tôi phải ưu tiên cho việc nghỉ ngơi. TTO: Ngày mồng tết, giáo sư có hoạt động gì đặc biệt không ạ? - Ngày mồng 1 tết, như thường lệ tôi sẽ khai bút hoặc khai đàn.
TTO: Theo tuổi ta, tết này giáo sư đón tuổi 92. Xin hỏi giáo sư có ước nguyện gì trước thềm năm mới? - Lúc nào tôi cũng chỉ ước nguyện toàn dân có đủ cơm ăn, áo mặc, bình an. Còn bản thân tôi, tôi luôn chỉ mong rằng trước khi từ giã cõi đời sẽ được thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam được tôn trọng đúng với vị trí của nó.
TTO: Giáo sư có lời chúc gì muốn gửi đến bạn đọc báo Tuổi Trẻ nhân dịp năm mới không ạ? - Trước hết, tôi chúc mọi người được dồi dào sức khỏe vì đó là điều kiện tất yếu để có cuộc sống an vui. Thứ đến là mong mọi người được thân tâm an lạc, không có những điều phải lo nghĩ, ưu tư cho cuộc sống và trong năm mới được thành công trong mọi việc, vạn sự cát tường. TTO: Trân trọng cảm ơn giáo sư và chúc giáo sư năm mới dồi dào sức khỏe! |
* Nguyễn Hoài Đảm - sinh viên Đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk - ISTU, Nga: "Gọi điện thoại liên tục để có cảm giác đang ở nhà"
Phóng to |
TTO: Chào bạn. Đây là lần thứ mấy bạn đón tết xa nhà?
- Chào TTO, đây là lần thứ hai tôi đón tết xa gia đình, xa đất nước. Tại Irkutsk (Nga) bây giờ là 23g, đi trước Việt Nam hai giờ.
TTO: Trong ngày này, du học sinh Việt Nam tại Đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk có hoạt động gì đặc biệt không?
- Hôm nay là chủ nhật nên cũng khá thong thả. Tôi đã cùng các bạn trong ký túc xá chuẩn bị mâm cơm tất niên. Sau đó, tôi tranh thủ thời gian đi thăm nhà các cô chú người Việt và đã được mừng tuổi bằng bánh chưng.
Tết âm lịch tại Việt Nam trùng với dịp nghỉ đông bên này, vậy nên sáng mùng 1 tết, chúng tôi sẽ đi “xông đất” các ký túc xá có sinh viên Việt Nam ở trong thành phố Irkutsk. Sẽ có cả một đội đi chúc tết các anh chị sinh viên khóa trên, và đương nhiên là có cả nhận lì xì nữa!
Nếu ở quê nhà, thế nào tôi cũng được bác hàng xóm chọn là người xông đất, cũng thích cực!
Phóng to |
TTO: Đã sắp đến giao thừa, tâm trạng lúc này của bạn thế nào?
- Tôi thật sự rất nhớ nhà, nhưng là con trai và lớn rồi nên phải kềm nén cảm xúc. Tôi được sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo Hà Tĩnh, dưới chân núi Trường Sơn. Gia đình tôi ít người, bố mẹ lại lớn tuổi. Ngày tết không được ở cạnh bố mẹ, tôi gọi điện thoại liên tục về để cập nhật tình hình và để có cảm giác mình đang có mặt ở nhà.
Những năm trước, giao thừa là lúc cả gia đình quây quần bên nhau, cùng xem những chương trình truyền hình. Khi du học, đón tết xa quê nhà, tôi thường lên mạng Internet đọc báo. Riêng tết này được giao lưu cùng TTO tôi thấy ấm lòng phần nào. Hi vọng khi đến thời khắc giao thừa tại Việt Nam, cảm xúc trong tôi không quá vỡ òa như cái tết đầu tiên xa xứ.
Phóng to |
Clip Tết Việt ở Irkutsk, Nga - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ |
TTO: Nhớ tết quê hương, bạn nhớ nhất điều gì?
- Tôi nhớ nhất hình ảnh mấy gia đình cùng chung tay nấu nồi bánh chưng, giã giò đêm 28 tết. Người lớn làm việc, nói chuyện rôm rả, còn trẻ con thì tíu tít chờ nhận những chiếc bánh bé xíu dành riêng cho mình.
TTO: Bạn có ước nguyện gì trong năm mới?
- Mong muốn và quyết tâm lớn nhất của tôi trong năm mới là học thật tốt để có thể về nước thăm nhà trong dịp hè. Tôi ũng muốn được đưa mẹ vào thăm thành phố mang tên Bác, và biết đâu, tôi có hội đến thăm tòa soạn báo Tuổi Trẻ - tờ báo mà tôi rất yêu thích?
Trước thềm năm mới, qua TTO, tôi xin gửi tới gia đình, bạn bè và nhất là bạn đọc của báo Tuổi Trẻ lời chúc sức khỏe, may mắn và nhiều niềm vui.
TTO: Trân trọng cảm ơn bạn! Chúc bạn năm mới thành công!
* Mời bạn đọc nghe tâm sự đón giao thừa xa nhà của bạn Nguyễn Thị Ngân Giang - sinh viên Đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk - ISTU, Nga - quê ở Hà Nội: "Chỉ mong về nhà ăn tết"
Võ Văn Dũng - theo học chương trình tiến sĩ tại Trường Đại học Passau, thành phố Passau, Đức: "Cầu mong bố mẹ sống đời với con"
Tại nơi tôi sinh sống và học tập lúc này là 16g ngày 22-1. Nhiệt độ ngoài trời đang là 3 độ C, tuyết rơi dày đặc, kèm mưa phùn. Hàng năm tôi thường về ăn tết với gia đình ở Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh từ ngày tết ông Công, ông Táo nhưng năm nay là năm đầu tiên tôi đón tết xa nhà, xa quê hương. Trong căn phòng nhỏ này, tôi bồi hồi, da diết nhớ những giây phút quây quần bên gia đình. Thật nhớ cái tết nào được canh nồi bánh chưng, chỉ mong được vớt chiếc bánh đầu tiên ra và được mẹ cho phép thưởng thức lúc còn nóng hổi. Thật thèm được thắp nén hương cho tổ tiên ông bà, thèm nghe câu chúc đầu năm của bố mẹ. Nếu giờ này được ở quê nhà, có lẽ tôi đang quét dọn sân nhà, lau chùi bàn ghế thêm lần nữa cho thật sạch sẽ. Vào sáng mùng 1 tết, tôi sẽ viết khai bút đầu năm để cầu mong sức khỏe cho bố mẹ, thắp hương cho tổ tiên ông bà, đi chùa cầu phúc và cùng bạn bè đi chúc tết họ hàng, lối xóm. Tôi đang chờ giây phút giao thừa để gọi điện thoại về chúc tết bố mẹ, cầu mong bố mẹ năm mới có đủ sức khỏe để vượt qua các bệnh tật khi tuổi về già. Cứ mong thời gian trôi qua thật nhanh để sớm đoàn tụ gia đình.
Để có chút không khí tết trong phòng trọ, tôi đã cắt dòng chữ "Chúc mừng năm mới 2012", in một bức tranh có cành mai đang nở rộ với rất nhiều bông hoa và dán tất cả lên tường. Ngày mai tôi vẫn đi học. Ở đây có cộng đồng người Việt nhưng tuần này mọi người đều ở nhà tổ chức cúng ông bà và ăn tết riêng, đến chủ nhật ngày 29-1 (mùng 7 tháng giêng), hội mới tổ chức ăn tết Việt cùng nhau. |
* Hoàng Phương Thảo - sinh viên ĐH Yokkaichi, tỉnh Yokkaichi, Nhật Bản: "Tết nào mình cũng khóc"
Phóng to |
Chào TTO, mình là Hoàng Phương Thảo - sinh viên ĐH Yokkaichi, tỉnh Yokkaichi, Nhật Bản. Nhật đang là 23g. Đây là lần thứ 3 mình đón tết xa nhà, xa quê hương. Có dịp sẻ chia những cảm xúc đêm giao thừa cùng TTO, mình cảm thấy ấm áp phần nào. Rất cảm ơn TTO vì chương trình ý nghĩa này.
TTO: Chào bạn Hoàng Phương Thảo, cảm xúc của bạn lúc này thế nào?
- Mình rất bồi hồi vì nhớ nhà, nhớ cảm giác cùng gia đình đón tết, nhớ mùi vị tết của Sài Gòn với những con đường được trang trí thật đẹp, đậm chất Việt Nam.
Mình thích nhất là sau một năm bận rộn, mọi người cùng ở bên nhau trong giờ phút thiêng liêng và cùng đón một năm mới thật vui vẻ. Mình rất nhớ những lần được cùng gia đình đi ngắm cảnh và chụp hình ở đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM).
Phóng to |
TTO: Là con gái, những tết xa nhà năm trước và cả tết này, bạn có... khóc không?
- Mình rất dễ xúc động. Tết năm nào khi mình nghe những lời chúc tết từ ba mẹ và những người bạn, mình đều khóc .
"Dù ở tận trời Âu lạnh giá và hàng ngày, hàng giờ vẫn miệt mài trên những giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện..., tôi vẫn không thể nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ Việt Nam khi mùa xuân đang đến, khi hoa đào, hoa mai đã nở" |
TTO: Ngày mai - mùng 1 tết - bạn có hoạt động gì không?
- Ngày mai cũng là ngày đầu tiên mình thi cuối kỳ. Sau khi thi về, mình sẽ lên mạng chat với gia đình để phần nào vơi nỗi nhớ. Đó cũng là cách "đón tết online" quen thuộc của mình và gia đình. Mình cũng sẽ nấu những món ăn Việt Nam và mua trái cây về chưng tết.
TTO: Trong năm mới, bạn có những dự định gì?
- Trong năm mới mình sẽ cố gắng học thật tốt cố gắng vượt qua những thử thách trong cuộc sống xa nhà. Mình sẽ để dành tiền để có thể về thăm nhà vào tết năm sau.
Chúc báo Tuổi Trẻ trong năm mới sẽ có nhiều hơn nữa những bài viết hay và những chương trình đặc biệt dành cho bạn đọc trong và ngoài nước.
TTO: Trân trọng cảm ơn bạn! Chúc bạn năm mới mọi điều tốt lành!
* Võ Nhật Vinh - nghiên cứu sinh Đại học François Rabelais - Tours, Pháp: "Đón tết nơi xứ người, còn buồn là còn nhớ nguồn cội"
Phóng to |
Anh Võ Nhật Vinh - nghiên cứu sinh - ĐH François Rabelais - Tours, Pháp - Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Chào bạn. Bạn vui lòng giới thiệu đôi điều về mình?
- Xin chào TTO, tôi là Võ Nhật Vinh - nghiên cứu sinh Đại học François Rabelais. Hiện tôi đang ở thành phố Tours, Pháp. Đây là lần thứ hai tôi đón tết xa nhà và cũng là lần thứ hai đón tết trong không khí mùa đông giá lạnh của nước Pháp. Bây giờ đang là 15g ngày 22-1, nhiệt độ bên ngoài lúc này khoảng 5 độ C.
TTO: Trong thời khắc trước thềm năm mới này, một nữ du học sinh ở Nhật cho biết đã khóc vì nhớ gia đình, một nam du học sinh ở Nga cho biết phải kềm chế cảm xúc. Phần mình, anh có cảm thấy khó khăn khi đối diện với nỗi nhớ người thân không?
- Không được ở cảnh những người mình thương yêu vào thời khắc đặc biệt này thì tất nhiên sẽ buồn. Nhưng tôi vẫn tự an ủi, động viên mình rằng “còn buồn là còn nhớ nguồn cội”.
Giao thừa năm nào tôi cũng dành ít thời gian lắng đọng để nhìn lại bản thân trong năm cũ và xác định những mục tiêu cho năm mới. Và ngay lúc này, tôi đang nghĩ về cha mẹ, các anh chị và đứa cháu nhỏ ở nhà mà tôi rất cưng.
Tôi thích cảm giác được sống chậm ở Sài Gòn vào ngày tết, khi đường phố vắng vẻ và mình có thể thong dong ngồi cùng bạn bè.
TTO: Vinh vừa nói đến những mục tiêu trong năm mới. Anh có thể vui lòng nói rõ hơn?
- Trong năm mới, Vinh mong muốn làm tốt công việc nghiên cứu cũng như có dịp trở về Việt Nam tham gia các hoạt động khoa học trong nước. Ngoài ra, Vinh cũng hi vọng có thể đóng góp nhiều bài viết hữu ích cho Tuổi Trẻ.
TTO: Vinh và những người bạn Việt Nam khác có những hoạt động gì đón tết không?
- Cả ngày hôm qua (ngày 21-1, tức 28 tháng chạp), chúng tôi đã tổ chức bữa cơm tất niên hoành tráng, ấm cúng. Còn hôm nay, Vinh chỉ tham gia một bữa cơm nhẹ với vài người bạn và dành nhiều thời gian để lắng nghe không khí tết từ quê nhà mà TTO là một kênh rất quan trọng.
Ngày mai là thứ hai, Vinh vẫn đến trường làm việc. Tuy nhiên, để chia sẻ không khí tết Việt Nam với những người ở đây mà mình xem như gia đình, các anh em Việt Nam trong cùng phòng nghiên cứu sẽ mời các thầy hướng dẫn cùng đến ăn tối tại một quán ăn Việt Nam.
Phóng to |
Phóng to |
TTO: Vinh có lời chúc gì muốn gửi đến bạn đọc Tuổi Trẻ nhân dịp năm mới?
- Vinh thân chúc bạn đọc báo Tuổi Trẻ một năm thật bình an để làm bệ phóng vững chắc cho rồng bay lên thật cao.
Cũng nhân dịp này, cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp đến tất cả du học sinh Việt Nam khắp nơi cùng niềm hi vọng chúng ta sẽ học hỏi được những thái độ, phong cách làm việc tốt đẹp của bạn bè quốc tế để trong tương lai gần, Việt Nam không chỉ gồm những công dân có kiến thức, kỹ năng tốt mà trên hết là những công dân có tác phong tốt.
TTO: Trân trọng cảm ơn anh!
Thời điểm hiện nay, đại kiện tướng Lê Quang Liêm đang có mặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để lên chuyến bay lúc 22g30 đi Anh dự giải Gibraltar mở rộng lần thứ 10, diễn ra tại thành phố Gibraltar (Anh). TTO có cuộc trò chuyện ngắn qua điện thoại với đại kiện tướng Lê Quang Liêm.
TTO: Xin chào đại kiện tướng Lê Quang Liêm. Có ai đồng hành cùng anh trong chuyến du đấu này không? - Huấn luyện viên Lâm Minh Châu sẽ đi cùng tôi trong chuyến du đấu này. Ngày 4-2-2012 tôi mới trở về VN. Sau đó, ngày 6-2-2012, tôi tiếp tục lên đường đi thi đấu ở Nga. Ba mẹ và anh trai đang tiễn tôi ở sân bay. TTO: Anh vui lòng cho biết mục tiêu của anh tại giải đấu này? - Mục tiêu của tôi là học hỏi, cọ xát và tích lũy hệ số Elo.
TTO: Trong những ngày qua, anh có hoạt động gì cùng gia đình để đón tết sớm không? - Đúng là không tránh khỏi cảm xúc bồi hồi khi xa nhà trong thời khác giao thừa này. Tôi sẽ đón thời khắc giao thời ngay trên máy bay. Tuần vừa qua, tôi cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết. Mẹ tôi cũng đã làm một số món tết bù cho những ngày tôi đi xa. TTO: Vậy hành lý của anh có món gì mang không khí tết không? - Tôi có đem theo bánh chưng cùng một ít đồ hộp để ăn cho đỡ nhớ hương vị ngày tết của Việt Nam. TTO: Là người Sài Gòn, anh thích nhất điều gì trong cái tết ở đây? - Tôi thích nhất không khí vui tươi, náo nhiệt ngày tết. Đó cũng là dịp sum họp, quây quần bên gia đình. Ngoài ra, dịp tết, Sài Gòn có nhiều hội chợ, đường hoa được trang trí rất đẹp. Trước thềm xuân Nhâm Thìn, tôi xin chúc toàn thể bạn đọc báo Tuổi Trẻ một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, nhiều hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. TTO: Trân trọng cảm ơn anh! Chúc anh thành công trong chuyến du đấu này! |
* Quách Phát Tài, Đại học Genova, Ý
Chào TTO, mình là Quách Phát Tài, hiện đang học ĐH Genova, Ý. Nơi vừa trải qua cơn lũ khủng khiếp tháng 11 và rất gần vụ chìm tàu ở Ý vừa rồi.
Phóng to |
Hiện đang là 17g. Các anh chị em đang nấu nướng rất vui vẻ để chờ 18g cùng nâng ly đón giao thừa với quê nhà. Dù không bánh chưng, mai vàng, chỉ có... kỳ thi sắp tới, nhưng tinh thần sinh viên Việt Nam ta vẫn cứ háo hức đón tết. Chúc mọi người Việt khắp nơi hưởng một mùa tết an lành.
* Võ Nhật Quang - Nghiên cứu sinh HB 322, ĐH Alberta, Canada, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM: Tất bật học tập chẳng khỏi nôn nao tết quê nhà
Phóng to |
Võ Nhật Quang - Nghiên cứu sinh HB 322, ĐH Alberta, Canada, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chào TTO,tôi hiện đang ở thành phố Edmonton là thủ phủ của tỉnh Alberta, Canada, đang là 8g sáng ngày 22-1-2012. Nhiệt độ ngoài trời hiện nay là khoảng -16 độ C. Thời tiết cả tuần qua rất xấu, nhiệt độ xuống đến -32 độ C.
Đây là lần thứ hai tôi đón tết xa nhà, đúng theo nghĩa xa nhà. Lần đầu là vào năm 2007 (tết Đinh Hợi), tôi đón tết tại Đan Mạch.
Tôi vẫn còn nhớ lần đó anh em du học sinh Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước ở Việt Nam đã tổ chức đón giao thừa cùng với nhau trong ký túc xá, thiếu thốn mọi thứ từ chén bát cho đến chỗ ngồi nhưng cảm giác ấm cúng thì không thể nào quên được.
TTO: Chào anh, vậy còn giao thừa năm nay, ngay lúc này, tâm trạng của anh thế nào?
- Tôi đang bồi hồi nhớ lại những cái tết trước cùng người thân và bạn bè, và tự hỏi không biết năm nay tết ở Việt Nam sẽ như thế nào. Chút nữa đây, vào lúc giao thừa, tôi sẽ gọi điện thoại chúc tết hoặc chat với gia đình và một số bạn bè.
TTO: Anh có trang trí hay chuẩn bị gì cho không gian sống của anh tại Canada có chút không khí tết Việt không?
- Sinh viên ở đây không có nhiều thời gian để chăm lo cho không gian sống của mình. Chúng tôi phải đi học từ sớm và ở lại trường hay phòng thí nghiệm cho đến tối mịt. Tuy nhiên, để đánh dấu một mùa xuân nữa đang đến, tôi chọn những hình ảnh đầy màu sắc xuân làm hình nền desktop và in ra dán trên tường, trên bàn học hay bàn làm việc. Ngoài ra, những bản nhạc xuân bất hủ cũng làm cho căn phòng của mình ấm áp hơn.
TTO: Vào ngày mai, mùng 1 tết, anh sẽ đón tết Việt nơi xứ người như thế nào?
- Sau giờ học có lẽ tôi sẽ dành chút thời gian để chat với gia đình và bạn bè, xem các kênh truyền hình Việt Nam trên Internet để cập nhật không khí tết ở quê nhà. Vài ngày trước, anh em chúng tôi tụ họp nấu bánh chưng, bánh tét, và chuẩn bị nấu các món ăn truyền thống cho bữa tiệc tất niên.
Tết cổ truyền là dịp không thể bỏ qua đối với người Việt nói chung và những người sống xa quê hương nói riêng.
TTO: Năm mới sẽ không thể thiếu những lời chúc. Anh sẽ chúc những người thương yêu điều gì trong những ngày đầu xuân này?
- Tôi thường chúc người thân, bạn bè, và sinh viên của mình lời chúc “hạnh phúc” vì nó bao hàm nhiều lời chúc khác liên quan đến sức khỏe tốt, có những người bạn tốt, thành đạt trong lĩnh vực nào đó...
Nhân dịp xuân mới Nhâm Thìn 2012, tôi xin kính chúc bạn đọc báo Tuổi Trẻ thật nhiều hạnh phúc, không chỉ cho năm mới này mà cả nhiều năm về sau nữa.
Chúng ta sắp bước vào thời khắc giao thừa chuyển từ năm cũ Tân Mão sang năm mới Nhâm Thìn. Tôi hi vọng trong năm mới này, đất nước ta sẽ có những bước đột phá mới trong nhiều lĩnh vực, những đột phá mạnh mẽ tựa như rồng đang chuyển mình.
Xin cảm ơn Tuổi Trẻ Online đã tạo điều kiện để tôi có dịp giao lưu cùng bạn đọc.
TTO: Trân trọng cảm ơn anh!
Ca sĩ Thái Trinh: Cầu mong năm mới "bay vút" như rồng!
Xin chào TTO, Thái Trinh đang đón giao thừa cùng gia đình ở TP.HCM. Năm nào khi chờ phút giao thừa, trong lòng Trinh cũng y nguyên cái náo nức thời thơ ấu. Thật ấm áp giây phút cả nhà cùng nhau cúng giao thừa và ngồi trò chuyện cùng nhau mãi đên 2 - 3g sáng. Qua giờ giao thừa, Trinh sẽ sang nhà người thân để xông đất. Trinh lớn rồi nên ít được lì xì lắm, nhưng thật ra mình rất thích điều này.
Trước thềm năm mới, Trinh ước nguyện công viêc, học hành của bạn thân sẽ thật tốt đẹp. Mong rằng mọi người trong gia đình đều mạnh khỏe. Nhân dịp năm mới, xin chúc bạn đọc báo Tuổi Trẻ có một cái tết thật đúng nghĩa, đầm ấm, sự nghiệp sẽ "bay vút" như rồng vậy! |
Chào TTO, mình là Cao Ngọc Lâm Viên - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Nam Illinois, Mỹ. Đây là năm nay là tết thứ 5 xa nhà. Năm nay mình đón tết tại thủ đô San Salvador, El Salvador. Theo mình biết thì có thể mình là người Việt Nam duy nhất sống ở nước này.
Năm mới mình mong ba me luôn khỏe mạnh và sống lâu. Mình cũng mong có dịp cùng chồng và con gái về Việt Nam đón tết. |
* Hoàng Thị Minh Hồng - thành viên nhóm điều phối chiến dịch toàn cầu chống biến đổi khí hậu 350.org khu vực Đông Nam Á - người phụ nữ VN hai lần đến Nam cực
Phóng to |
Ảnh: Nhân vật cung cấp |
TTO: Chào chị. Có lẽ chị đã có một năm rất bận rộn với công tác truyền thông môi trường. Chị vui lòng chia sẻ thành tựu của bản thân mà chị tự hào nhất trong năm qua?
- Đó chính là việc mình đã thành lập được một nhóm tình nguyện viên điều phối chiến dịch toàn cầu chống biến đổi khí hậu 350.org, với đội ngũ chính là tại TPHCM, và đội ngũ nhỏ hơn ở Hà Nội và Đà Nẵng.
Tất cả các em đều là sinh viên, một số em còn chưa có kinh nghiệm làm những dự án lớn, nhưng các em đã có đủ niềm đam mê, đã học hỏi rất nhanh, và với sự giúp đỡ của các đối tác và nhờ có Internet, các em đã kết nối và cùng nhau thực hiện thành công một chiến dịch môi trường tại gần 20 tỉnh thành, để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có chiến dịch thành công nhất trong số 175 quốc gia tham gia chiến dịch 350 toàn cầu năm 2011.
Và điều tuyệt vời hơn cả, là sau chiến dịch này, các em tiếp tục mở rộng đội ngũ và mạng lưới, tiếp tục xây dựng và duy trì các hoạt động của mình thành một phong trào cộng đồng chống biến đổi khí hậu diễn ra quanh năm suốt tháng.
TTO: Vâng, khép lại một năm bận rộn, trong thời khắc chờ đón giao thừa này, chị có thong dong cùng người thân?
- Mình đang đón giao thừa ở TP.HCM cùng với ông xã và con trai nhỏ. Sau khi xông đất, cúng giao thừa, mình sẽ lên skype gặp gỡ các tình nguyện viên của 350.org để chúc tết. Vừa rẻ mà vui, nói chuyện được cùng với cả nhóm và đảm bảo không bị nghẽn mạch như điện thoại.
Đêm giao thừa là lúc mình luôn cảm thấy thời gian trôi nhanh quá, cảm thấy mình không còn nhiều thời gian và nghĩ là năm tới mình phải làm được nhiều điều hơn nữa. Nhưng đồng thời cũng thấy rất hạnh phúc khi được đón năm mới cùng gia đình và rất nhiều bạn bè.
* Chị có ước nguyện gì trong thời khắc giao thừa?
- Hình như lớn tuổi rồi, cảm nhận thêm rõ hơn về thời gian, nên mình chỉ mong ba mẹ mình khỏe mạnh, sống lâu. Với gia đình nhỏ của mình, mình mong hai bố con khỏe mạnh, bình an, để gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho mình. Cũng thầm ước mong năm sau sẽ có thêm em bé nữa.
* Năm 2012 có lẽ tiếp tục là năm "tưng bừng" với chiến dịch 350.org?
- Đầu năm nay, mình và nhóm điều phối chiến dịch 350.org đã xây dựng một kế hoạch hoạt động khá dày đặc cho năm 2012.
Các hoạt động vẫn xoay quanh việc thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, từng tổ chức, để góp phần giảm thiểu tác động lên môi trường, đồng thời hỗ trợ trực tiếp một số cộng đồng đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Và do vậy, mình cũng ước mong năm mới mình và nhóm điều phối vẫn có đủ “năng lượng”, đủ “cảm hứng”, và sự may mắn, để thực hiện được cái kế hoạch có thể nói là hơi “tham vọng” mà bọn mình đã xây dựng.
Tất nhiên, truyền thông môi trường là một việc “khổng lồ”, chúng tôi đang bắt đầu từ những việc nhỏ, và bọn mình mong là có thêm nhiều nhóm tình nguyện viên như chúng tôi. Mong là có nhiều tổ chức quan tâm hơn và cùng hợp sức với bọn mình, chứ không thì chắc chắn là làm không xuể.
Phóng to |
TTO: Những ngày sắp tới, chắc chắn môi trường sẽ bị tác động lớn vì lượng rác thải, năng lượng tiêu dùng nhiều. Chị có trăn trở điều này?
- Năm nào đến dịp tết, mình cũng phải viết một bài báo hoặc trả lời phỏng vấn, kêu gọi mọi người ăn tết xanh. Kêu gọi trong năm đã khó, trong tết còn khó hơn nhiều vì ai cũng có tư tưởng: “Ôi dào, cả năm có mỗi ngày tết để hưởng thụ”.
Thật ra, đời sống vật chất của phần lớn mọi người đâu có thiếu thốn gì trong năm đâu mà sao vẫn giữ tư tưởng là tết phải tiêu cho nhiều, mua cho lắm? Rồi phần lớn các gia đình là cũng chẳng ăn hết đồ ăn tết, qua tết lại đổ đi, trong khi còn nhiều người nghèo có thể không có gì để ăn tết.
Tôi chỉ mong mọi người làm sao để tết trở thành những ngày nghỉ, thư giãn, trang trí nhà cửa cho đẹp để đón năm mới, dành nhiều thời gian đi chơi với gia đình, bạn bè, thì cả năm mới an nhàn, may mắn được chứ.
Năm nay chiến dịch 350.org VN đã ra mắt sản phẩm bao lì xì làm từ giấy tái chế, và gửi thiệp điện tử để chúc tết mọi người, kêu gọi mọi người "Sống xanh hưởng tết an lành". Đó cũng là điều những người làm môi trường như chúng tôi tha thiết mong muốn.
TTO: Chân thành cảm ơn chị!
* Trần Vũ Thương - hiện là huấn luyện tại Học viện hàng không ESMA - Pháp
Phóng to |
Trần Vũ Thương - hiện huấn luyện tại Học viện hàng không ESMA - Pháp - Ảnh: nhân vật cung cấp |
- Chào TTO, mình là Trần Vũ Thương - học viên phi công cơ bản của Vietnam Airlines, hiện đang huấn luyện tại Học viện hàng không ESMA ở thành phố Montpellier, Pháp.
Quê mình ở Cần Thơ. Năm đầu tiên đón tết xa nhà, mình nhớ nhiều điều lắm. Cũng may đã có TTO tổ chức trò chuyện giao thừa với người Việt xa quê nên bớt nhớ nhà phần nào.
TTO: Cảm ơn tình cảm bạn dành cho TTO. Ngay lúc này, hình ảnh tết quê hương nào làm bạn khắc khoải nhất?
- Đó chính là hình ảnh cả gia đình mình đang quây quần ấm cúng bên nhau, cùng xem chương trình tết trên tivi và đợi khoảnh khoắc giao thừa.
Xa gia đình, đến ngày tết, ai ai trong lòng cũng có 1 nỗi niềm nhưng mình cố gắng để sớm hoàn thành nhiệm vụ.
Phóng to |
Trần Vũ Thương (bìa phải) - hiện học tập tại Học viện hàng không ESMA - Pháp - Ảnh: nhân vật cung cấp |
TTO: Bạn đón tết Việt nơi xa thế nào?
- Bên này có tất cả 90 anh em học viên phi công cơ bản người VN. Chúng mình cũng đã tất bật chuẩn bị để đón giao thừa lúc 18g (theo giờ địa phương), có làm mâm ngũ quả, bàn thờ cúng trời đất, rồi làm tiệc mời các thầy dạy bay của trường.
Chúng mình cũng được tổng công ty gửi quà tết với bánh chưng, mứt tết, giò lụa....
TTO: Cảm ơn anh đã tham gia chia sẻ, chúc anh năm mới mọi điều tốt lành!
- Cảm ơn TTO, chúc TTO năm mới ngày càng phát triển, thêm nhiều tin tức hay bổ ích đến bạn đọc nhé!
* Dương Thanh Long - đang sống tại Nagoya, Nhật Bản: lòng mình luôn nhớ không khí tết quê hương
Phóng to |
Dương Thanh Long - đang sống tại Nagoya, Nhật Bản - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chào TTO, mình mới qua Nhật được 1 năm. Lần đầu ăn tết xa nhà nên mình rất nhớ Việt Nam. Mình đang đón giao thừa một mình và chờ đến giờ đón giao thừa để gọi điện thoại về nhà chúc tết.
Ở đây không dễ tìm được những sản phẩm Việt nên rất tiếc không gian sống của mình không có màu sắc tết Việt. Hiện mình chỉ có ít bánh mứt ở VN do bạn mình mang qua để dùng uống trà trong những ngày tết.
Ở đây không có mai vàng, bánh chưng, bánh tét lẫn dưa hấu, câu đối liễn lẫn mùi nhang thơm mà nhà mình thường hay đốt lúc đón giao thừa nhưng lòng mình luôn nhớ không khí tết An Giang.
Xin nhờ TTO chuyển giúp mình đôi lời muốn nói với mẹ cha: "Cha mẹ ơi con rất nhớ nhà! Dù không được đón tết cùng mọi người nhưng gia đình luôn ở trong lòng con. Chúc cha mẹ luôn vui khỏe, chúc các em năm mới thành công và hạnh phúc". Cảm ơn TTO.
Bạn đọc thân mến, hành trình mới mang tên Nhâm Thìn đã thật sự bắt đầu. Trong khoảng 4 giờ đồng hồ kết nối với người Việt xa quê qua Internet, chương trình trò chuyện giao thừa với người Việt xa quê của Tuổi Trẻ Online đã phần nào bắt nhịp cầu sẻ chia giữa những tâm hồn Việt đang khắc khoải nhớ thương quê nhà.
Xin chúc những người con Việt nơi xứ xa có một cái tết ấm áp và một năm mới an lành, thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận