25/01/2013 09:12 GMT+7

Trò chơi chiến tranh

HẢI DƯƠNG
HẢI DƯƠNG

TT - Đã một thời trò chơi Half life trên máy tính trở thành thú tiêu khiển, đốt thời gian của giới trẻ. Hiện có một trò chơi mới được du nhập vào VN với cách thức, kiểu chơi khá giống Half life, nhưng không phải diễn ra trên máy tính mà ở ngoài đời thực.

zQ9xQ5vw.jpgPhóng to
Hai chiến binh của trò chơi Airsoft rất hầm hố sau khi đã mặc trang phục - Ảnh: HẢI DƯƠNG
kEursSqg.jpgPhóng to

Các loại súng hơi hạng nhẹ phổ biến hiện nay - Ảnh: HẢI DƯƠNG

pw2J9jC7.jpgPhóng to

Một tình huống trong trò chơi Airsoft rất giống với trò Half life trên máy tính - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đây là trò chơi chiến tranh giả, lập trận quân sự, chia đội để chiến đấu với nhau. Tên gọi của trò chơi này là Airsoft. Từ khi xuất hiện, đã có một bộ phận giới trẻ VN đam mê, chuyên đi sưu tầm súng ống, đạn nhựa, trang phục quân đội và cuối tuần hẹn hò nhau offline để chiến đấu.

Trò chơi tốn tiền

Trò chơi Airsoft bắt nguồn từ Nhật Bản đầu những năm 1980. Ở Nhật, luật pháp không cho phép sở hữu vũ khí quân dụng nhưng do nắm bắt được ý thích của nhiều người là vẫn muốn cầm, nắm một thứ vũ khí trong tay, nên người ta đã bắt đầu sản xuất những khẩu súng bằng nhựa là phiên bản mô phỏng theo hình dáng của súng thật và chỉ bắn loại đạn bi nhựa tròn 6mm. Khoảng vài năm trở lại đây, trò chơi khác người này vẫn manh nha ở VN, với các nhóm chơi chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

T.L. - một nhân viên FPT, hiện đang là trưởng nhóm một đội chơi Airsoft gun tại Hà Nội - cho biết trước đây cậu rất mê trò Half life trên máy tính, nhưng từ khi Airsoft du nhập vào VN thì cậu đã chuyển sang sưu tầm và chơi trò này. Vì theo cậu, trò chơi với người thật, việc thật sẽ sướng hơn nhiều.

Ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Brazil, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Bulgaria... sử dụng và chơi Airsoft được coi là hợp pháp (tất nhiên có kèm theo những quy định rõ ràng). Cho đến nay tại VN do mới nên chưa có văn bản pháp luật quản lý riêng cho loại súng và trò chơi này. Airsoft hiện được xếp vào danh mục đồ chơi nguy hiểm chứ không phải vũ khí cháy nổ, nên người tàng trữ chỉ bị phạt hành chính nếu bị phát hiện.

Theo điều 13, nghị định 73/2010/NĐ-CP của chính phủ trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, thì sẽ phạt tiền từ 4-8 triệu đồng với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc nổ và đồ chơi nguy hiểm.

Để chơi được trò bắn giết này, các thành viên phải đầu tư khá tốn kém, có khi lên đến vài chục triệu đồng/người. Q.A., một tay chơi Airsoft gun hai năm nay, cho biết: “Một khẩu súng bình thường có giá 3-5 triệu đồng, nếu là những khẩu hàng hiệu, hầm hố thì có khi lên đến trên 10 triệu đồng/khẩu. Đó là chưa kể việc gắn thêm ống ngắm, đèn laser, đèn pin, bộ ray tích hợp, dây đeo ba điểm. Cùng với súng thì người chơi phải sắm những bộ quần áo đặc chủng rất hầm hố để các chiến binh nhập vai làm người hùng...”. Còn giá của mỗi bộ trang phục chiến binh mà Q.A. và nhóm bạn hay chơi cũng có giá 5-6 triệu đồng/bộ. Bộ đặc chủng này gồm mũ, trùm mặt, áo giáp, găng tay, thắt lưng, bao đựng súng ngắn, bao đựng mặt nạ phòng độc, bộ bảo vệ đầu gối, cùi chỏ, máy bộ đàm, giày bốt, kính bảo hộ...

Các buổi offline của nhóm T.L. và Q.A. và những đội chơi khác thường diễn ra các ngày cuối tuần ở những địa điểm bí mật và nơi hẹn hò cũng bí mật.

Theo chân “chiến binh” đi “chiến đấu”

Do là một trò chơi vẫn chưa được hợp pháp hóa ở VN, nên trưởng nhóm T.L. cho chúng tôi biết họ phải giữ bí mật. Nếu chúng tôi muốn đi xem phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định sau: “Không máy ảnh, không máy ghi âm, không điện thoại chụp hình, không phỏng vấn...”.

Vậy là ngày cuối tuần vừa qua, T.L. nhắn tin hẹn chúng tôi xuất phát ở đầu cầu Vĩnh Tuy. Hôm nay đội của T.L. sẽ chiến đấu với đội của một nhóm sinh viên đại gia thuộc trường Bách khoa và Xây dựng Hà Nội. Địa điểm bí mật cho đến phút chót, chúng tôi chỉ mới biết nơi tập trung để xuất phát.

Đúng 6g15, có nghĩa là rất sớm với tiết trời mùa đông, đội quân tập trung đông đủ với hai ôtô bốn chỗ chở súng ống, quần áo chơi của hai đội do trưởng nhóm quản lý. Các thành viên chơi khác sẽ đi xe máy. Đoàn xe đi được 7-8km thì bắt đầu rẽ vào quốc lộ 1, vượt qua sông Đuống rồi rẽ vào khu vườn ngô thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Toàn đội tập kết ở ven đê sông Đuống và thông báo địa điểm chiến đấu hôm nay là khu đồng ngô của bà con nông dân.

Trong đội của sinh viên có một số thành viên người Gia Lâm, nên địa điểm chiến đấu hôm nay do các thành viên này tư vấn và được các trưởng nhóm đồng ý. Bãi ngô đã được người dân thu hoạch, xa trung tâm nên rất vắng vẻ, địa hình ở đây cũng khá lắt léo, rậm rạp. Theo T.L., địa hình như thế sẽ là nơi rất lý tưởng để các đội dàn trận chiến đấu với nhau.

Một trận chơi Airsoft gun chỉ diễn ra khoảng 20 phút nên đội hình hai bên tập trung rất nhanh. Cốp xe của hai ôtô bốn chỗ bắt đầu bật ra và các chiến binh trang bị đồ đạc, súng ống để “xung trận”.

Xem các đội chơi chúng tôi thấy mức độ gây sát thương của Airsoft không mạnh, nhưng nếu ở khoảng cách 2-3m, viên đạn nhựa 6mm của một số loại súng AEG (Airsoft electric rifle - súng hơi điện) được dân chơi ưa chuộng cũng có thể bắn thủng lon bia. Tuy nhiên, nếu có đầy đủ quân trang nhà binh như đã nói thì người chơi gần như không phải lo lắng khi bị dính đạn. T.L. cho biết: “Tất cả thành viên chơi đều phải tuân thủ quy định là không được bắn ở khoảng cách gần hơn 5m. Không tiếp tục bắn khi đối thủ đã “chết” hoặc xin “chết”. Các chiến binh phải thể hiện mình đã bị “chết” khi trúng đạn bằng cách nằm xuống, rồi ngay tức khắc rời khỏi trận địa để cuộc chiến tiếp tục...”.

Buổi sáng cuối tuần hôm ấy, đội của T.L. và nhóm sinh viên đại học chỉ chơi ba trận với 60 phút. Một cậu sinh viên cho biết: “Chơi trò này nếu không tập luyện thể lực thì rất mệt và có khi không theo được đồng đội, bởi vì phải đeo lên mình bộ trang phục cồng kềnh, súng ống cũng khá nặng. Rồi tất cả đều phải di chuyển liên tục, có lúc nằm trườn, có lúc chạy bạt mạng trên những địa hình phức tạp nên rất nhanh mất sức”.

Cấm nhưng dễ mua

Trên các trang web chuyên dành cho những chiến binh Airsoft gun ở VN, mọi người có thể dễ dàng mua đồ đạc từ các mẩu quảng cáo rao vặt. Trong vai một người chơi Airsoft gun, chúng tôi tiếp cận được với rất nhiều người bán hàng xách tay cho thú chơi này trên mạng. M., chủ một shop hàng xách tay trên mạng, cho biết anh ta có thể cung cấp tất cả các loại súng đồ chơi, súng hơi hạng nhẹ, đồ chơi đánh trận giả...

Các loại súng được M. quảng cáo chào hàng gồm: Rohm Gun 88, RG90, RG96, Walther P99 series, Walther PKK Pro, Glock 12...Yêu cầu của M. là người mua phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho anh ta. Sau khi nhận đủ tiền, M. sẽ cho người giao hàng đến đúng địa chỉ của khách, hoặc sẽ có một cuộc hẹn ở nơi kín đáo để giao hàng khi đã nhận đủ tiền.

Với nickname hailua_74 kèm số điện thoại 0937894xxx trên một forum thì các chiến binh có thể liên hệ để mua đạn và gas cho các loại súng Airsoft.

Thậm chí lang thang trên các diễn đàn, chúng tôi còn biết nhiều mối bán hàng cho các tay chơi ngông, nhiều tiền thích loại hạng nặng. Ví dụ có một chủ shop hàng trên trang muare đã rao: “Ở đây có bán các loại súng tốc độ bắn nhanh, chính xác, uy lực mạnh như dòng súng mini UZI nguyên bản (giá 35 triệu đồng/khẩu, có thương lượng), tiểu liên MP5 (giá 38 triệu đồng), kèm theo phụ kiện hãm thanh, laser, ống ngắm...

Có thể nói từ ngày manh nha xuất hiện ở VN đến nay, Airsoft gun đã trở thành một trò chơi, thú đam mê của nhiều bạn trẻ hiếu chiến, lắm tiền. Nếu những người sở hữu súng thiếu ý thức thì rất có thể sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho xã hội. Người bị các loại súng hơi hạng nhẹ bắn ở khoảng cách gần có thể rách da, nếu bắn vào mặt và những chỗ hiểm cũng rất nguy hiểm. Ngoài ra trò chơi này cũng kích thích tính hiếu chiến, bạo lực trong giới trẻ.

Airsoft gun dịch sang tiếng Việt có nghĩa là súng hơi hạng nhẹ, đây chỉ đơn thuần là một trò chơi sưu tầm mô hình các loại súng giống súng thật với mục đích trưng bày hoặc chơi trò đánh trận giả mà mục tiêu là vui chơi giải trí. Súng được làm chủ yếu bằng nhựa mô phỏng theo hình dáng của súng thật và nhà sản xuất đều thiết kế sao cho nó không trở nên nguy hiểm tính mạng và không vi phạm quy định về vũ khí.

Đạn sử dụng là loại viên bi tròn bằng nhựa cỡ 6mm và có thể sau này sẽ phổ biến loại đạn nhựa cỡ 8mm. Đạn có nhiều độ nặng từ 0,12g-0,43g nhưng phổ biến nhất vẫn là loại 0,2g. Súng Airsoft có hình dáng và kích cỡ giống hệt như một khẩu súng quốc phòng thật, nhưng nó không thể chế lại thành súng thật và cũng không nên nhầm lẫn súng airsoft với các loại súng hơi bắn chim hoặc các loại súng thể thao.

HẢI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên