
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải phát biểu - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 18-4, tại kỳ họp thứ 22 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM trình HĐND TP đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Phương án là thành lập TP.HCM là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sáp nhập TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời tổ chức hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp, phát huy tiềm năng và lợi thế của ba tỉnh thành.
TP.HCM mới có diện tích 6.772km2, dân số khoảng 13,7 triệu người, 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
Trung tâm hành chính - chính trị của TP.HCM đặt tại số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1; cơ sở 2 tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP Thủ Dầu Một và cơ sở 3 tại Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa.
Sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, hình thành siêu đô thị mới ở Đông Nam Bộ
Theo đánh giá tác động, TP.HCM mới sẽ phát huy ưu thế của ba địa phương về vị trí liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế.
Sau sắp xếp, TP.HCM mới có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị, giãn dân.
Phát huy hiệu quả kết nối giao thông giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu về đường bộ, đường thủy, đường biển, liên kết giữa các cảng biển của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời mở ra khả năng kết nối cảng biển của tỉnh Bình Dương với các cảng biển của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hoạt động quản lý nhà nước tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cao hơn do ba địa phương đều tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, sau khi sắp xếp có một số khó khăn ban đầu như: diện tích lớn, dân số đông, thay đổi về mô hình tổ chức chính quyền, khoảng cách địa lý giữa cơ quan nhà nước và người dân, có sự chênh lệch về phân bổ dân cư, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của người dân ba tỉnh thành.
Công tác quốc phòng, an ninh có nhiều áp lực khi đường bờ biển được kéo dài hơn, quản lý dân cư đa dạng hơn.
Về tổ chức chính quyền, TP.HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.
Về tổ chức Đảng, TP.HCM mới có sáu tổ chức Đảng cấp trên cơ sở gồm: Đảng bộ UBND TP, Đảng bộ cơ quan Đảng TP, Đảng bộ Công an TP, Đảng bộ Quân sự TP, Đảng bộ Bộ đội biên phòng TP, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP và 168 đảng bộ cấp xã.
Về tổ chức cơ quan lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương hiệp y thống nhất với Thành ủy quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố mới.
Về sắp xếp nhân sự, với 9.732 người hoạt động không chuyên trách sẽ tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách trong năm 2025.
Với 12.600 cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện dôi dư thì giải quyết đến năm 2029, trung bình mỗi năm giảm 2.500 người.
Trước ngày 1-5, các đơn vị sẽ trình Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận