Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, trong hình là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 của nước này - Ảnh: KCNA
Năm nay, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra ước tính dựa trên số đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên sở hữu trên thực tế.
Số liệu công bố trong những năm trước đề cập đến số lượng đầu đạn mà Triều Tiên có thể chế tạo, dựa trên số vật liệu phân hạch mà nước này sản xuất.
Theo Hãng thông tấn Kyodo News, năm nay cũng là năm đầu tiên SIPRI bổ sung ước tính đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên vào danh mục đầu đạn hạt nhân toàn cầu.
SIPRI công bố báo cáo thường niên trong bối cảnh Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh Mỹ cảnh báo Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân. Nếu thành hiện thực thì đây sẽ là vụ thử đầu tiên kể từ tháng 9-2017.
Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri ở phía đông bắc nước này.
Từ đầu năm tới nay, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng do Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo.
Trong báo cáo, SIPRI cho biết kho dự trữ vật liệu phân hạch của Triều Tiên được cho là tăng vào năm 2021, đủ để sản xuất 45 đến 55 đầu đạn hạt nhân.
Tính tới đầu tháng 1 năm nay, ước tính trên toàn thế giới có 12.705 đầu đạn hạt nhân, giảm so với 13.080 của một năm trước. Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI cho biết kho vũ khí hạt nhân toàn cầu "dự kiến sẽ tăng lên trong thập kỷ tới".
Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.977 đầu đạn, theo sau là Mỹ với 5.428. Hai nước này chiếm gần 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới.
Tổng tồn kho đầu đạn của Nga và Mỹ đã giảm vào năm 2021, nhưng báo cáo cho rằng đây là kết quả của việc tháo dỡ các đầu đạn đã cũ, không còn sử dụng.
Trung Quốc đứng thứ ba với 350 đầu đạn, không thay đổi so với năm trước. Pháp xếp sau với 290 và Anh với 180. Pakistan ước tính sở hữu 165 đầu đạn, trong khi Ấn Độ có 160 và Israel có 90.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận