22/05/2018 17:20 GMT+7

Triều Tiên cho nhà báo Mỹ, cấm nhà báo Hàn đến xem lễ đóng bãi thử Punggye-ri

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trong khi nhóm nhà báo 4 nước khác đã hoàn thành thủ tục và bay tới Triều Tiên hôm nay thì 8 nhà báo Hàn Quốc bất ngờ bị Bình Nhưỡng từ chối vào phút chót.

Triều Tiên cho nhà báo Mỹ, cấm nhà báo Hàn đến xem lễ đóng bãi thử Punggye-ri - Ảnh 1.

Nhà báo Will Ripley của đài CNN (Mỹ) trả lời truyền thông khi làm thủ tục bay tới Triều Tiên tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh sáng 22-5 - Ảnh: REUTERS

Các nhà báo Hàn Quốc hôm nay (22-5) bất ngờ bị Bình Nhưỡng từ chối cấp phép để bay tới Triều Tiên, trong khi một nhóm khoảng 20 nhà báo từ 4 nước là Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh đã bay tới Triều Tiên để chứng kiến lễ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Theo tờ Korea Herald, các nhà báo Hàn Quốc này, được chính quyền Seoul lựa chọn, ban đầu đã được mời tới để đưa tin về việc đóng cửa bãi thử Punggye-ri. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không cấp thị thực vào phút chót cho các nhà báo này mà không nêu rõ nguyên nhân.

Lễ đóng cửa bãi thử Punggye-ri dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23 tới 25-5, tùy điều kiện thời tiết. Quy trình đóng cửa gồm đánh sập các đường hầm bằng thuốc nổ, bịt kín cổng vào hầm, tháo dỡ mọi đài quan sát, cơ sở nghiên cứu và trạm an ninh ở khu vực bãi thử.

Các nhà báo đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh đã làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc lúc 9h sáng nay, sau đó di chuyển tới thành phố Wonsan của Triều Tiên trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo khởi hành lúc 9h48 cùng ngày.

Các nhà báo lên máy bay hãng Air Koryo bay tới thành phố Wonsan sáng 22-5 - Nguồn: YOUTUBE

Nhà báo của hãng tin Sputnik của Nga cho biết máy bay chở các nhà báo nước ngoài đã hạ cánh tại sân bay Kalma nằm gần thành phố Wonsan. Các nguồn tin nói rằng số nhà báo nước ngoài trên sẽ được xe buýt chở tới bãi thử Punggye-ri vào sáng 23-5.

Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực thông báo lại cho phía Triều Tiên thông tin của 8 nhà báo Hàn Quốc thông qua một đường dây nóng ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào sáng 22-5. Tuy nhiên, các quan chức Triều Tiên đã từ chối chấp thuận danh sách này.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon trong một tuyên bố nói rằng ông lấy làm tiếc vì quyết định bất ngờ trên của Triều Tiên.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng việc đóng cử bãi thử hạt nhân Punggye-ri - bước đi đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên đã hứa hẹn - sẽ diễn ra như đúng kế hoạch, và chúng tôi hy vọng nó sẽ dẫn tới việc tổ chức thành công thượng đỉnh Mỹ-Triều" - ông Cho tuyên bố.

Các nhà báo Hàn Quốc đã "trực chiến" ở Bắc Kinh kể từ hôm qua (21-5), nhưng cuối cùng đã bị Bình Nhưỡng từ chối cấp phép. Họ dự kiến sẽ quay lại Seoul vào ngày mai (23-5).

Triều Tiên cho nhà báo Mỹ, cấm nhà báo Hàn đến xem lễ đóng bãi thử Punggye-ri - Ảnh 3.

Các nhà báo nước ngoài xếp hàng làm thủ tục bay tới Triều Tiên tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh sáng 22-5 - Ảnh: REUTERS

Các nhà báo được phép tới Triều Tiên đến từ nhiều hãng truyền thông nước ngoài nổi tiếng, trong đó có đài Sky News (Anh), đài CNN (Mỹ), đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) và đài Russia Today (Nga). Các nguồn tin cho biết Triều Tiên đã yêu cầu mỗi nhà báo nộp 10.000 USD lệ phí thị thực.

"Chúng tôi sẽ đi tới đó để tận mắt chứng kiến và quan sát những gì diễn ra" - nhà báo Will Ripley của Đài CNN nói với báo giới trước khi lên máy bay tới thành phố Wonsan.

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri nằm ở huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong, tây bắc Triều Tiên. Bãi thử này nằm cách biên giới Trung Quốc chỉ 80km. Tính tới tháng 9-2017, có 6 vụ thử hạt nhân đã được tiến hành tại đây.

Với việc loại bỏ các nhà báo Hàn Quốc vào thời điểm hết sức quan trọng trên, giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang dùng "con cờ" Seoul để bày tỏ sự không hài lòng đối với Mỹ, đặc biệt liên quan tới cuộc tập trận chung Max Thunder giữa Mỹ - Hàn và vụ "mô hình Libya" của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Triều Tiên cho nhà báo Mỹ, cấm nhà báo Hàn đến xem lễ đóng bãi thử Punggye-ri - Ảnh 4.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên - Ảnh: REUTERS

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên