Đối với dân Nga khá giả, hiện không có loại hình "bảo hiểm" nào tốt hơn tấm hộ chiếu thứ hai - Ảnh minh họa: Gazeta
Theo báo Gazeta, lý do chính dẫn đến công cuộc đại di cư của người Nga là "cuộc sống trong nước khó khăn".
Theo khảo sát của Công ty Kalinka Group, xu hướng bán tháo bất động sản cao cấp ở Nga đặc biệt gia tăng trong thời gian gần đây, và đáng chú ý là hơn 30% làm điều đó với mục đích ra nước ngoài sinh sống.
"Phân tích hoạt động của các chủ sở hữu bất động sản cao cấp, chúng tôi ghi nhận triệu phú Nga đang tích cực rời quê hương. Đa số viện dẫn lý do kinh tế và chính trị bất ổn. Nhiều người thừa nhận Nga ngày càng trở nên khó làm ăn" - bà Ekatherina Rumyantseva, chủ tịch hội đồng giám đốc Kalinka Group, cho biết.
Trong 3 năm trở lại đây, bắt đầu từ năm khủng hoảng 2014, số lượng người muốn bán căn hộ, nhà cao cấp ở Nga đã tăng gấp 3 lần. Chỉ trong quý đầu năm 2018, xu hướng này tiếp tục tăng tốc với số lượng bất động sản muốn bán đã tương đương cả năm 2013.
Báo cáo The Wealth Report 2018 của Hãng tư vấn tài chính Knight Frank (Anh) ghi nhận có đến 58% tầng lớp siêu giàu Nga (tài sản trên 50 triệu USD) đã sở hữu quốc tịch thứ hai; 45% cân nhắc khả năng chuyển hẳn ra nước ngoài sinh sống.
Lệnh cấm vận của phương Tây là nguyên nhân khiến việc đầu tư vào bất động sản Nga không còn hấp dẫn so với bất động sản các nước phát triển. Người Nga có điều kiện thường chọn Cyprus, Malta, Anh và Thụy Sĩ làm ngôi nhà thứ hai.
Và mặc cho nỗ lực kiểm soát dòng tiền của chính quyền Matxcơva và vụ xìcăngđan Skripal, người Nga tiếp tục đổ tiền vào bất động sản thành phố London. "Bức tranh người mua ở đây khá rộng, từ cao cấp cho đến kinh tế" - bà Rumyantseva nhận xét.
Người Nga đặc biệt quan tâm đến những quốc gia có chương trình mua bất động sản hoặc đầu tư để nhận quy chế thường trú nhân, Tây Ban Nha, Cyprus, Malta... là ví dụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận