Chiều 15-10, TP.HCM bước vào đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch, tuy mực nước triều không quá cao nhưng đều tràn bờ, ngập đường, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Tại quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, cả đoạn đường dài bị ngập khiến giao thông qua lại khó khăn.
Từ quốc lộ 50 đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh trở ngược về phía hướng Long An dòng xe ùn ứ kéo dài cả cây số.
Triều cường cũng gây ngập khoảng 30cm trên đường Phạm Hùng, quận 8. Nước từ kênh rạch tràn lên đường, bủa vây các khu dân cư. Đường Trần Xuân Soạn, quận 7 nước từ kênh Tẻ tràn lên đường gây ngập một đoạn dài.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), triều cường dâng cao cũng gây ngập nặng. Các phần trụ rào của bờ kè đoạn này gần như bị nước nhấn chìm, một đoạn kè kéo dài khoảng 120m cũng bị ngập nước nặng.
Tuy đã hơn 3 tháng kể từ ngày xảy ra vụ sụt lún, phần kè khu vực này vẫn chưa được khắc phục. Hiện trường được cơ quan chức năng căng dây và dùng rào chắn phong tỏa để người dân không đi vào.
Người dân sinh sống tại đây cho biết hằng tháng, khi các đợt triều cường lên, nước sông cũng tiến sâu vào nhà khiến người dân thấp thỏm, lo âu.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên chậm. Sáng nay, mực nước đỉnh triều cao nhất ở một số trạm như Phú An (sông Sài Gòn) đạt 1,47m, Nhà Bè (sông Đồng Điền) đạt 1,46m.
Trong những ngày tới, mực nước hầu hết các trạm tiếp tục lên theo kỳ triều cường. Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày mai và mốt (16 và 17-10). Trạm Phú An và Nhà Bè ở mức 1,5-1,55m, xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 2 khoảng 0,05m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều là 4-6h và 17-19h.
Gia cố bờ kè 90 tỉ đồng sau vụ sạt lở kênh Thanh Đa
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan về giải pháp khắc phục sạt lở nguy hiểm khu vực kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 (phường 25, quận Bình Thạnh).
Các đơn vị liên quan được giao cập nhật vị trí nêu trên vào danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn TP, báo cáo UBND TP công bố theo quy định trước ngày 20-8.
Chủ tịch TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương xây dựng lại tuyến kè này với chiều dài 478m thay thế công trình kè mềm hiện hữu.
Phạm vi giải tỏa mặt bằng là 10m tính từ đỉnh kè vào phía bờ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỉ đồng để xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Một số hình ảnh triều cường hôm nay:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận