16/06/2021 08:06 GMT+7

Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Theo bộ trưởng Bộ Y tế, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vắc xin được sử dụng.

Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Bốn loại vắc xin ngừa COVID-19 đã được phê duyệt tại Việt Nam - Dữ liệu: TÚ ANH - Đồ họa: võ tân

Tất cả đều được kiểm soát toàn bộ.

Chiều 15-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 toàn quốc. Tham gia cuộc họp có các đại diện Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lần này là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta. 

"Khác với các lần trước, ở chiến dịch tiêm chủng này, chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai tiêm chủng theo chiến dịch. Gần đây nhất (năm 2014), Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vắc xin sởi - rubella cho trẻ em. 

Tuy nhiên, do quy mô của chiến dịch này lớn hơn nhiều nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành" - ông Long nhấn mạnh và thông tin toàn bộ tất cả các lực lượng đều vào cuộc để vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và tiêm chủng.

"Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ tư lệnh Quân khu thủ đô và 7 kho tại 7 quân khu trong toàn quốc để khi vắc xin về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. 

Các kho đều phải đạt tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vắc xin tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc" - ông Long thông tin.

Ông Long cho biết khoảng 15.000 điểm tiêm chủng có đủ nhân lực, thiết bị sẽ được đưa lên "bản đồ" tiêm chủng. Bản đồ này công khai tới toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc xin đã sử dụng, số người được tiêm chủng.

"Hệ thống quản trị thông qua công nghệ thông tin có mục tiêu thông báo cho người dân biết mình đến điểm tiêm chủng nào. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. 

Khi đến tiêm, sẽ check mã QR và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ "hộ chiếu vắc xin" dễ dàng" - ông Long giải thích.

Sau tiêm hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại thông minh, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng" - ông Long nói thêm.

Ông Long cho biết quy trình tiêm đã được rà soát lại để làm sao cắt ngắn nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo an toàn. "Quan điểm của Bộ Y tế là "tiêm đến đâu an toàn đến đó". 

Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng quốc gia sẽ làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Đồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở" - ông bày tỏ.

Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc do bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban. Sở chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các bộ Y tế, Công an, Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải...

Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vắc xin...

288.000 liều vắc xin "mắc kẹt" chờ chuyển giao

Liên quan lô vắc xin 288.000 liều thuộc hợp đồng mua trước giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC với Công ty AstraZeneca (Anh) về nước vào ngày 25-5, đại diện VNVC cho biết đơn vị sẵn sàng chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế, tuy nhiên đến nay đang "mắc kẹt" do chưa có cơ chế chính sách chuyển giao.

Toàn bộ lô vắc xin này, theo VNVC, vẫn còn ở trong kho và đơn vị này đã gửi công văn ra Bộ Y tế để xin ý kiến.

"Chúng tôi chờ chuyển giao nhưng Bộ Y tế chưa có phương án tiếp nhận, trong khi đó thời hạn sử dụng của vắc xin đang dần thu hẹp. Điều khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là vắc xin nằm trong kho nhưng chưa có cơ chế để đẩy vắc xin ra tiêm cho người dân" - đại diện VNVC cho biết.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, bên cạnh lô vắc xin đầu tiên (117.000 liều nhập về từ 24-2 đã phân bổ), đây là lô vắc xin thứ hai trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC ký kết với AstraZeneca hồi tháng 11-2020.

Khi mới nhập về, theo VNVC, đơn vị sẵn sàng chuyển 100.000 liều ra Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng cũng chưa có cơ chế tiếp nhận, sử dụng.

Đại diện VNVC cho biết trong bối cảnh TP.HCM đang bùng phát dịch, đồng thời có tờ trình gửi Chính phủ về việc cho phép chủ động tìm nguồn vắc xin, nếu được chấp thuận từ Bộ Y tế, đơn vị sẵn sàng phân phối số vắc xin này cho TP.HCM với nguyên tắc phi lợi nhuận.

Ngoài ra, đơn vị vẫn đang nỗ lực và kết hợp với nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin lớn trên thế giới nhằm mang nhiều vắc xin về Việt Nam phục vụ người dân.

HOÀNG LỘC

Bộ Y tế chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng COVID-19 với 15.000 điểm tiêm, quân đội vận chuyển Bộ Y tế chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng COVID-19 với 15.000 điểm tiêm, quân đội vận chuyển

TTO - Dù lượng vắc xin tiếp cận còn nhỏ giọt, Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay để ngừa COVID-19 với 15.000 điểm tiêm, quân đội thiết lập 8 kho bảo quản, tham gia vận chuyển vắc xin.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên