Bệnh viện ở bang Colorado dùng thuốc Bamlanivimab điều trị bệnh nhân mới nhiễm COVID-19 - Ảnh: UCHEALTH
Chạy đua phát triển vắc xin không phải là hi vọng duy nhất ngăn chặn dịch COVID-19. Cùng với vắc xin, các hãng dược vẫn nỗ lực tìm kiếm thuốc điều trị.
Trả lời báo Le Parisien, GS miễn dịch học Jean-François Delfraissy - chủ tịch hội đồng khoa học COVID-19 (Bộ Y tế Pháp), cho biết hứa hẹn nhất là một loại thuốc mới có nguồn gốc kháng thể đơn dòng có thể được cấp phép lưu hành vào tháng 2-2021.
Kháng thể đơn dòng là gì?
Kháng thể là một protein được cơ thể sản xuất tự nhiên giúp chúng ta chống nhiễm trùng.
Kháng thể đơn dòng gồm các kháng thể giống hệt nhau do cùng một dòng tương bào sản xuất.
Công nghệ kháng thể đơn dòng gồm ba công đoạn: 1. Cô lập kháng thể của bệnh nhân COVID-19; 2. Các phòng thí nghiệm sản xuất nhân tạo kháng thể đó với số lượng lớn; 3. Tiêm kháng thể nhân bản cho bệnh nhân mới nhiễm.
Thuốc bamlanivimab của Công ty dược Eli Lilly điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng - Ảnh: ELI LILLY
Kháng thể đơn dòng không tiêu diệt virus SARS-CoV-2 nhưng hạn chế virus nhân lên trong cơ thể bằng cách bám vào các protein gai trên bề mặt virus (protein S) rồi "kỳ đà cản mũi" không cho virus tiếp tục lây nhiễm nữa.
Khi tiêm kháng thể cho người mới nhiễm COVID-19, chúng kích hoạt khả năng miễn dịch ngay cả trước khi cơ thể có thời gian kích hoạt hệ miễn dịch.
Chỉ cần tiêm một mũi kháng thể vào mạch nhưng thời gian tiêm có thể kéo dài hơn 2 tiếng và chỉ được thực hiện trong bệnh viện.
Thật ra công nghệ này không mới. Kháng thể từng được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm mãn tính như bệnh Crohn hoặc các bệnh ung thư.
Học viện Y khoa quốc gia Pháp ghi nhận các kháng thể đơn dòng hiện nay chiếm đa số các dòng dược phẩm mới.
Đối với COVID-19, nhiều hãng dược đã quan sát thấy kháng thể đơn dòng có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gia tăng và đã thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mới nhiễm.
Thuốc Bamlanivimab (LY-CoV555) điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng của Công ty dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) được tiêm tối đa ba ngày sau khi bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy lượng virus SARS-CoV-2 có giảm và nguy cơ nhập viện đối với người cao tuổi và người mắc bệnh nền cũng giảm.
Kháng thể bám vào các protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2 - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Thuốc đã có sẵn chưa?
Đến nay, dữ liệu thử nghiệm còn hạn chế, kết quả điều trị thử nghiệm ban đầu chưa được xem là bằng chứng chính thức, vả lại kết quả chỉ được quan sát nơi bệnh nhân COVID-19 được điều trị rất sớm.
Ngoài ra, điều trị bằng kháng thể đơn dòng gặp khó khăn vì cách điều trị khá nhiêu khê. Phải điều trị ngay cho bệnh nhân mới nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình và phải được thực hiện trong bệnh viện. Bệnh nhân phải ở lại vài tiếng để theo dõi.
Do đó, phải sàng lọc số bệnh nhân có nguy cơ rồi tổ chức đưa họ đến bệnh viện vốn đã quá tải dù họ có khả năng lây nhiễm.
Chưa kể sản xuất kháng thể đơn dòng rất khó khăn và tốn kém.
Đài France Info cho biết hiện nay hai phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng của Công ty dược phẩm Regeneron và Công ty Eli Lilly ở Mỹ đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt vào tháng 11-2020.
Hai phương pháp này được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để tiêm cho người mới nhiễm COVID-19 từ 12 tuổi trở lên, nặng tối thiểu 40 kg, không cần nhập viện và có nguy cơ phát triển các dạng nghiêm trọng.
Theo kênh truyền hình WWSB (Mỹ), chính phủ Mỹ đã đặt hàng mua hàng trăm ngàn liều thuốc kháng thể đơn dòng với dự tính sử dụng từ đầu tháng 12-2020 nhưng hiện thời chỉ có từ 5%-20% liều sẵn có được sử dụng mỗi tuần.
Các bệnh viện ở bang Colorado đang sử dụng thử nghiệm khoảng 3.000 liều Bamlanivimab (còn gọi là "Bam Bam"). Bamlanivimab cũng được Canada cấp phép lưu hành tạm thời vào cuối tháng 11-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận