Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chúc mừng các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ngày 11-5 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Một trong những người được tri ân đợt này là bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Khi bắt đầu vụ dịch COVID-19, bác sĩ Cấp là trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện, ông đã bắt đầu quá trình "cấm trại" chống dịch từ hôm mùng 6 Tết Canh Tý 2020 và đã ở lại bệnh viện nhiều tháng trong đợt dịch. Khi dịch vừa bùng phát trở lại ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Bác sĩ Cấp kể với Tuổi Trẻ những ngày tháng chống dịch, những kinh nghiệm ông đã nhận được sau dịch COVID-19.
Bác sĩ Cấp phát biểu ở cuộc hội chẩn trực tuyến điều trị cho bệnh nhân nặng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Có những ngày rất căng...
"Giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi là khi bệnh nhân số 17 vào viện rồi thêm bệnh nhân nhập viện liên tiếp, 9-10 ca trở nặng, 5 người trong đó phải đặt ống nội khí quản, 2 nhân viên y tế bị lây bệnh... Có những ngày tất cả mọi người lo lắng, nghĩ là rồi cũng có thể ai cũng mắc bệnh, thậm chí là bệnh nặng, và những nguy cơ khác nữa sẽ đến nếu bất cẩn hoặc không may" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
* Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là nơi điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất trong đợt dịch, trong đó có những ca bệnh nặng, mà không để xảy ra ca tử vong nào. Các ông đã làm gì để có kết quả này?
- Công việc đầu tiên khi 2 bác sĩ bị lây COVID-19 trong khi thực hiện kỹ thuật mở đường thở cho bệnh nhân là chúng tôi giám sát các y bác sĩ để chuẩn hóa lại quy trình, quy tắc thực hiện các kỹ thuật.
Chúng tôi cũng nghĩ lại và tìm cách thiết kế những vật dụng giảm nguy cơ lây nhiễm, như mang tủ ra làm tấm chắn để vừa có tấm chắn vừa thông khí tự nhiên tối ưu, thay đổi quy trình trong phòng hộ, thiết kế mũ trùm đầu bằng nilông và "máy lọc" không khí để bơm không khí sạch, rồi thiết kế hộp chắn dùng khi can thiệp đường thở...
Tất cả những vật dụng này đều giúp ích rất nhiều trong điều trị cho bệnh nhân và phòng lây nhiễm trong bệnh viện.
* Điều gì ông thấy lạ và khó khi chống dịch COVID-19 so với các dịch bệnh khác?
- Ban đầu hầu như chưa ai biết rõ về căn bệnh này, những ngày đầu tiên có thể nói là tất cả đều mò mẫm, vì thế rất khó khăn. Nhưng vừa làm vừa học cách các đồng nghiệp đã làm, bên cạnh kinh nghiệm đã có từ khi chống dịch SARS năm 2003, cộng với những thay đổi về quan điểm điều trị và những "thiết kế" mới về vật dụng tránh lây nhiễm, chúng tôi đã bảo vệ không để xảy ra ca bệnh nặng nào ở nhân viên y tế, và điều trị thành công tất cả các ca bệnh cho đến nay.
Chúng tôi đã tổ chức để lúc nào cũng có y bác sĩ trong 4-5 vòng trực, vòng trong mệt sẽ đưa vòng ngoài vào hỗ trợ, nỗ lực để mỗi người làm việc trong vòng 8 giờ và có thời gian nghỉ ngơi. Y bác sĩ vì thế có cảm giác an toàn hơn, vững vàng hơn.
"Chỉ nhớ có bệnh nhân và công việc"
* Điều ông thấy ấm áp nhất, sau vụ dịch này?
- Là những lời chia sẻ. Có ly cà phê gửi vào đính kèm bài thơ, bản nhạc. Có đồng nghiệp bệnh viện khác nhắn, nếu cần, các anh chị ấy đến hỗ trợ ngay. Có người tặng mấy chục tấm chắn giọt bắn, có người mang nước uống hay đồ ăn ngon đến chăm sóc.
Mọi người giúp cho chúng tôi rất nhiều việc khi chúng tôi vì điều kiện vừa làm việc vừa cách ly, không thể ra ngoài, chỉ loanh quanh trong phòng ở và phòng làm việc. Tôi đã ở bệnh viện hoàn toàn trong 1 tháng - giai đoạn 1 của dịch (ở từ mùng 6 tết), sau đó giai đoạn 2 ở bệnh viện hơn 2 tháng và giai đoạn 3 là đi hỗ trợ cho miền Trung.
Những ngày tháng hoàn toàn ở bệnh viện, chúng tôi quên mất khái niệm ngày, tháng, không nhớ ra đó là ngày nào, tháng nào, chỉ nhớ có bệnh nhân và công việc của mình.
* Nếu nói 1 câu về nghề bác sĩ truyền nhiễm của mình và các "bạn bè truyền nhiễm", ông thấy câu nào đúng nhất?
- Từ rất lâu rồi, bạn bè tôi vẫn nói nghề truyền nhiễm của chúng tôi là vừa vất vả, nguy hiểm vừa không... có tiền! Nhưng nói thật thà rằng lúc nào chúng tôi cũng được đồng nghiệp hỗ trợ, có đi liên hoan với bạn bè thì không bao giờ phải trả tiền!
Nhưng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng yêu. Từng có một bệnh nhân suy gan nặng trong thời gian mang thai, bệnh nhân rất nghèo, chúng tôi đã điều trị và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. Bẵng đi 2 năm, một ngày khi tôi đến cơ quan thì nhận được... 1 con gà đã mổ, là của bệnh nhân ấy gửi đến.
Làm nghề bác sĩ tôi cũng thấm thía một điều khi người ta bị bệnh, đặc biệt là bệnh nặng, thì ai cũng sợ. Họ tha thiết sống, mọi thứ khi ấy là vô nghĩa, sau này khỏe rồi thì lại quên, lại không giữ gìn sức khỏe. Nhưng sức khỏe là thứ quý giá nhất, tôi vẫn mong mỗi người hiểu điều đó và thực hành lối sống lành mạnh để giữ gìn sức khỏe.
Tri ân các bác sĩ và tình nguyện viên
Lễ tri ân y bác sĩ và những người tình nguyện tuyến đầu chống COVID-19 được tổ chức sáng 30-10 tại hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), để tôn vinh 21 tập thể và 105 cá nhân của khu vực miền Bắc. Đây là đợt tri ân, tuyên dương thứ 2 của chương trình (đợt 1 đã diễn ra ngày 24-10 để tôn vinh các tập thể, cá nhân khu vực phía Nam, tổ chức tại TP.HCM).
Theo ông Nguyễn Văn Kính - nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chuyên gia cao cấp tham gia điều trị nhiều bệnh nhân nặng đợt này, ngoài sự nỗ lực của y bác sĩ còn vai trò của từng người dân, của lực lượng tình nguyện viên...
"Chỉ sau 2 ngày kêu gọi khai báo y tế khi xuất hiện ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, đã có 40.000 người từng đến bệnh viện trong 15 ngày gần đó thông báo thông tin; mọi người đều tuân thủ hướng dẫn chuyên môn về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội... Những điều đó đã tạo nên điều mà tôi gọi là "khí thế toàn dân". Có điều đó mới có kết quả ngày hôm nay" - ông Kính nói.
Việt Nam thuộc nhóm chống dịch COVID-19 tốt
Đến 29-10 là qua 57 ngày chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 mới trong cộng đồng. Trước đó, từng có giai đoạn từ 16-4 đến 24-7 là gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam có số mắc đến nay là 1.173 ca, trong đó trên 1.060 ca đã ra viện, thuộc nhóm chống dịch COVID-19 tốt nhất trong khu vực và trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận