26/09/2020 10:53 GMT+7

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 1: Rừng mưa nhiều nhất Việt Nam

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Các tài liệu thiên nhiên Việt Nam đều ghi: Bạch Mã là trung tâm dải rừng tự nhiên còn lại của Việt Nam nối từ Biển Đông đến biên giới Việt - Lào. Năm 1925, người Pháp đã có kế hoạch xây dựng nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 1: Rừng mưa nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Voọc chà vá chân nâu trên đỉnh Bạch Mã - Ảnh: LÊ MINH

Năm 1986, Chính phủ Việt Nam thành lập khu rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân và năm 1991 trở thành vườn quốc gia. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chọn Bạch Mã là một trong bốn vùng sinh thái ưu tiên bảo vệ của Đông Dương.

Đây là khu vực có hệ động thực vật giàu có và đa dạng với những khu rừng tự nhiên còn lại sau rất nhiều biến động về địa chất, thay đổi khí hậu trên toàn cầu. Đây cũng là nơi trú ẩn của rất nhiều loài thú lớn đặc hữu nguy cấp như sao la, mang lớn và được WWF tập trung nhiều hoạt động bảo tồn.

(Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF tại Việt Nam, 2015)

Tôi trở lại Bạch Mã vào một ngày mùa hè khi cơn nắng đang thiêu đốt cả dải miền Trung. Người dẫn đường lần này là TS Nguyễn Vũ Linh, một chuyên gia bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái vừa nhậm chức giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã.

Lên đỉnh núi thiêng

Con đường lên đỉnh uốn lượn qua các sườn núi cho người ta được ngắm thỏa thích các tầng thực vật khác nhau thay đổi theo độ cao tăng dần. TS Linh cho biết Bạch Mã có hai kiểu rừng, phân bố theo độ cao. Rừng rậm thường xanh nhiệt đới ưa mưa thuộc đai thấp dưới 900m với đặc điểm rừng phân tầng rõ rệt và thành phần loài rất phong phú. Đi vào trong rừng đó bạn sẽ gặp những loài cây quý như kiền kiền, lim xanh... 

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 1: Rừng mưa nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Núi rừng Bạch Mã hùng vĩ, chứa đựng biết bao giá trị của thiên nhiên - Ảnh: Trần Thiện.

Rừng rậm thường xanh nhiệt đới gió mùa đai núi thấp trên 900m, đó là vùng rừng trên những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Rừng trên này có nhiều loài cây quý như tùng Bạch Mã, pơ mu, sa mu, và hoa đỗ quyên nở rợp cả bờ suối. Đặc biệt, trên đỉnh cao núi Mang 1.712m có các loài cổ thụ như sa mộc, hồng quang, chổi sể mọc trên những tầng rêu dày bao phủ.

Con đường chuyển từ sườn đông sang sườn tây của ngọn núi, trước mặt chúng tôi hiện ra khu rừng bạt ngàn và dày đặc các tầng cây. Chúng tôi bước đi, những luồng gió mát lạnh và trong lành phả vào người khiến cho thân thể mình trở nên nhẹ bỗng. Một nhóm du khách nước ngoài đang say sưa chụp ảnh. Thảm rừng như bức tranh với đủ các sắc độ xanh, điểm xuyết những vệt đỏ của cây lôi khoai, một loài cây lá đỏ như cây phong.

TS Linh cho biết địa hình Bạch Mã chủ yếu là các núi có độ dốc lớn, một vùng rừng núi gần như nguyên vẹn, không bị chia cắt. Nếu nhìn từ vệ tinh sẽ thấy một dải xanh chạy dài từ Biển Đông qua tận biên giới Việt - Lào, và Bạch Mã là trung tâm của dải rừng tự nhiên ấy. "Vì vậy bảo vệ Bạch Mã là bảo vệ được một hệ sinh thái rừng với diện tích rộng lớn và liên tục bậc nhất của Việt Nam" - TS Linh nói.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 1: Rừng mưa nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Rừng núi Bạch Mã - điểm nóng đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới - Ảnh: M.TỰ

Nơi mưa nhiều nhất Việt Nam

Con đường nâng dần độ cao lên hơn 1.000m, chạy hết các sườn núi thì bẻ ngoặt bằng một khúc cua tay áo và hiện ra cảnh quan khác hẳn. Sương mù phủ kín những rặng thông và tùng, thấp thoáng sau cánh rừng mù mịt sương khói là những ngôi biệt thự với kiểu kiến trúc Pháp. Nếu ai đó ngủ quên mà tỉnh giấc lúc này thì cứ tưởng mình đang lên Đà Lạt. Không khí bên ngoài không phải là cái mát mẻ như ban nãy nữa, mà là lạnh, dù lúc này dưới chân núi đang là mùa hè với cái nắng chang chang. Các cô gái trên xe xuýt xoa và lục tìm ngay áo ấm để mặc.

TS Linh cho biết ở trên đỉnh núi thì cảm giác như mình đang ở xứ ôn đới, nhưng Bạch Mã vẫn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ở xứ nhiệt đới, nằm ngay cạnh đại dương, có một dãy núi cao chắn ngang hướng gió đông bắc, nên mùa nào Bạch Mã cũng có mưa với lượng rất cao. Lượng mưa trên toàn vùng bình quân là 3.440mm/năm, riêng khu vực đỉnh Bạch Mã lên đến hơn 9.900mm/năm, có thời điểm lên đến hơn 10.700mm/năm (1998-2000). Nếu Huế là xứ mưa thì Bạch Mã là trung tâm mưa của Huế và khu vực đỉnh Bạch Mã là nơi có lượng mưa lớn nhất Việt Nam.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 1: Rừng mưa nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Lượng mưa lớn đã tạo nên hệ thống suối thác hồ rất đẹp trên khu vực đỉnh núi Bạch Mã - Ảnh: Trần Lưu Anh Tuấn

Mưa nhiều, cùng với địa hình chia cắt và độ dốc cao nên hệ thống sông suối Bạch Mã rất dày đặc. Đây cũng là nơi điều hòa nguồn nước cho các con sông lớn trong vùng như sông Truồi, sông Cu Đê (Đà Nẵng) và nhất là sông Tả Trạch - nguồn chính của sông Hương. Du khách khen nước sinh hoạt của Huế sạch và ngon, thì chính là nước từ vùng rừng núi Bạch Mã nguyên sinh này.

Điểm nóng đa dạng sinh học

Sau thời gian đi bộ ngắm cảnh, chúng tôi đã lên đến Vọng Hải Đài - một trong những đỉnh cao của Bạch Mã (1.450m). Chỉ cần đứng đây là có thể nhìn thấy toàn cảnh núi rừng. Nhìn về phía đông là những cánh rừng nhiệt đới trải dài xuống tận chân núi, nơi mà chúng tôi vừa đi qua. Nhìn về phía tây là những cánh rừng á nhiệt đới với những ngọn núi cao nối tiếp nhau, trong đó điểm cao nhất là đỉnh núi Mang thuộc địa phận huyện Đông Giang (Quảng Nam) với độ cao 1.712m.

TS Linh cho hay Bạch Mã là tọa độ của những sự giao lưu - hội tụ. Là nơi giao lưu của hai luồng khí hậu bắc và nam, vùng chuyển tiếp giữa hai đai khí hậu nhiệt đới gió mùa và nhiệt đới điển hình, nên cũng là nơi hội tụ của hệ động thực vật từ bắc xuống và từ nam lên. Với địa hình chuyển tiếp từ vùng núi thấp đến đai cao trên 1.700m nên Bạch Mã có cả sinh vật nhiệt đới lẫn á nhiệt đới. Bạch Mã nằm giữa hai luồng ảnh hưởng giữa đồng bằng và rừng núi, giữa khí hậu bắc và nam Việt Nam nên đã tạo ra sự đa dạng về sinh cảnh. Từ những đặc trưng về địa hình, khí hậu đó, Bạch Mã là nơi có giá trị lớn về tài nguyên thiên nhiên và cũng là điểm nóng đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 1: Rừng mưa nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Gà lôi lam mào trắng - loài động vật quý hiếm gắn liền với lịch sử bảo tồn Bạch Mã - Ảnh tư liệu VQGBM

Cơn mưa dông mờ mịt đất trời vừa tạnh. Mặt trời chiều ló ra sau quầng hơi nước phía tây nhuốm vàng cả vùng rừng núi. Thẻ nhớ các máy ảnh đã đầy ắp và tôi hiểu rằng lúc này tốt nhất là ngồi im lặng mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ và bí ẩn của núi rừng Bạch Mã. Tôi ngồi im như thế trước không gian thanh khiết và cảm nhận một nguồn năng lượng rất đặc biệt của đại ngàn đang truyền dẫn vào mình...

Vườn quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích 37.487ha, bao phủ trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Rừng tự nhiên chiếm hơn 86% tổng diện tích (với hơn 31.845ha), trong đó rừng giàu chiếm khoảng 30% tổng diện tích tự nhiên, là loại rừng có nhiều cây gỗ quý lớn.

_______________________________

Cho đến đầu thế kỷ 20, Bạch Mã vẫn là rừng núi hoang dã và bí ẩn. Người Pháp đã phát hiện ra Bạch Mã như thế nào? Ai là người khai sơn?

Kỳ tới: Đánh thức khu rừng bí ẩn

Ngày hè ngắm thác chảy, mây vờn trên đỉnh Bạch Mã Ngày hè ngắm thác chảy, mây vờn trên đỉnh Bạch Mã

TTO - Mùa hè, mặt trời mọc sớm, nên chứng kiến khoảnh khắc mặt trời nhô lên từ phía biển, trải ánh nắng xuống đầm phá Tam Giang rồi chạy dần dần qua từng dốc núi thật kỳ diệu.


MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên