Kỳ họp thứ bảy HĐND TP.HCM khóa IX khai mạc sáng 15-3 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 15-3, HĐND TP.HCM khai mạc kỳ họp thứ 7, kỳ họp bất thường để xem xét chuyên đề cải cách hành chính và các đề án để thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.
Các đại biểu đã dành thời gian cả ngày để thảo luận tại tổ và tại hội trường tờ trình của UBND TP về công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp cùng 6 tờ trình thực hiện cơ chế đặc thù.
Trước câu hỏi của các đại biểu về tính thực chất của con số 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công, chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng "thực chất không đạt được như vậy đâu. Bởi khi tiếp xúc cử tri, người dân doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều lắm…".
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đưa ra một giải pháp là TP.HCM nên chọn nội dung "phí không chính thức" mà doanh nghiệp hay kêu ca để làm thí điểm khảo sát sự hài lòng.
"Để làm được điều này, cần phải khảo sát có bao nhiêu doanh nghiệp và họ đã chi phí không chính thức cho một hồ sơ là bao nhiêu. Từ đó sẽ đánh giá nó ảnh hưởng nặng nề như nào đến doanh nghiệp, rồi từ đó có giải pháp để chấn chỉnh", bà Châu nói. Bà cho rằng TP.HCM nên tuyên chiến với loại phí này.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (trái) và phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tại kỳ họp HĐND TP ngày 15-3 - Ảnh: TỰ TRUNG
Giải trình thêm về vấn đề này, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết năm 2017 là năm TP thực hiện cải cách hành chính tốt nhất, chỉ có 0,35% số hồ sơ trễ hạn. Nhưng tính chung 5 năm qua thì tỷ lệ hồ sơ trễ hạn là 5%. Với số lượng hồ sơ mà TP giải quyết là 14,5 triệu hồ sơ mỗi năm thì 5% này tương đương với 725.000 hồ sơ trễ hạn.
Trong nhiều nguyên nhân, ông Tuyến cũng nêu vấn đề số lượng hồ sơ cần giải quyết quá lớn. Có sở mỗi ngày giải quyết 1.000 hồ sơ. Có cán bộ mỗi ngày giải quyết 100 hồ sơ.
Ngoài ra cũng có thực tế là cán bộ tiếp dân, tiếp nhận hồ sơ nghiệp vụ còn yếu, hướng dẫn nhiệt tình nhưng bà con không hiểu.
Ông Tuyến cũng nêu thực trạng những năm trước, cán bộ nào làm không tốt thì đưa xuống tiếp dân. Còn bây giờ những cán bộ nào có nghiệp vụ, có kinh nghiệm mới đưa ra tiếp dân, xử lý hồ sơ mỗi ngày.
"Đây là vấn đề nhỏ nhưng nếu không thay đổi sẽ gây phản cảm cho người dân"- ông Tuyến nói.
Về con số khảo sát tỷ lệ sự hài lòng đạt mức trên 80%, ông Tuyến cho biết thực tế lãnh đạo TP chưa bao giờ hài lòng với kết quả cải cách hành chính. TP luôn đặt ra việc khảo sát nhằm thấy được cái sai để sửa.
Ngoài tờ trình về cải cách hành chính, HĐND TP còn thảo luận 6 tờ trình thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, gồm:
1. Tờ trình về tăng mức thu phí tạm dừng đổ xe ô tô trên lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.
2. Tờ trình về điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP
3. Tờ trình về đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức tuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý
4.Tờ trình về chủ trương thực hiện đầu tư 9 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách TP
5. Tờ trình về kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 trên địa bàn TP
6. Tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2020.
Một số hình ảnh tại kỳ họp:
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tới dự kỳ họp - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm tuyên bố khai mạc kỳ họp - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Trương Lâm Danh đặt vấn đề: Hơn 80% người dân hài lòng với dịch vụ công, liệu có là con số thực chất? - Ảnh: TỰ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận