Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ca bệnh đầu tiên bắt đầu ghi nhận từ 7-3 trên 5 học sinh, với triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi phải nghỉ học, sau đó lây lan nhanh ra cộng đồng.
Sau một tuần ghi nhận gần 240 học sinh mắc cúm, thuộc các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện.
Những biểu hiện cúm A
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trung tâm nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) - cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của vi rút cúm A như H1N1, H5N1, H7N9...
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn của người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm vi rút.
Biểu hiện ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung khá giống nhau với các biểu hiện: sốt, đau cơ, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp, đau họng. Trẻ cũng có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy).
"Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì bị nhiễm vi rút cúm A rất dễ gây các biến chứng như: viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong.
Gia đình cần theo dõi trẻ khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn như khó thở - thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Đặc biệt, gia đình không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị cho trẻ, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ tránh gây khó khăn cho việc điều trị bệnh", bác sĩ Nguyễn Thành Nam khuyến cáo.
Cách phòng tránh cho trẻ
Theo bác sĩ Đặng Thị Thúy - trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng cúm chủ động, tiêm phòng nhắc lại hằng năm.
Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi. Giữ gìn vệ sinh cá nhân; hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.
Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hằng ngày...
"Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm", bác sĩ Thúy khuyến cáo.
Bệnh sốt xuất huyết tăng 2,3 lần
Bộ Y tế ngày 20-3 cho biết 2 tháng đầu năm 2023 số mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (với khoảng 13.000), đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung.
Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tích cực, chủ động phòng chống sốt xuất huyết bằng cách tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi, xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết.
Đối với cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế, tránh tình trạng bệnh nhân không được điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
TP.HCM gia tăng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp
Thông tin với Tuổi Trẻ chiều 20-3, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết từ ngày 1 đến 17-3, bệnh viện tiếp nhận hơn 32.400 bệnh nhi đến khám do mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp trên do sốt siêu vi. So với những tháng trước, số bệnh nhi đến khám ngoại trú và điều trị nội trú tại bệnh viện đang có xu hướng tăng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 - lý giải nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng lên là do hiện thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết ấm áp hơn khiến các siêu vi trùng, trong đó phần lớn là Adenovirus phát triển mạnh mẽ.
Trước tình hình các bệnh hô hấp đang tăng ở trẻ nhỏ, bác sĩ Hải lưu ý phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện khám sớm nếu sốt cao khó hạ hoặc sốt tới ngày thứ 2, thứ 3 vẫn không giảm, sốt có kèm co giật, hoặc bỏ ăn, li bì, da tím tái, thở nhanh hoặc có kèm thêm những triệu chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam...
X.MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận