Theo ý kiến các chuyên gia, trẻ em cần được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Và rộng hơn, đây cũng là sự chiêm nghiệm sau nhiều năm gắn bó với sách vở trong vai trò một người làm công tác giáo dục.
Bắt đầu từ gia đình
Nhớ mãi ngày xưa, cứ mỗi đêm, chị Sáu của tôi là thanh nam châm hút cả nhà nghe kể chuyện. Với giọng kể đầy cảm xúc, sự nhập vai ấn tượng cùng với trí nhớ về những câu chuyện vừa đọc, chị mang cho cả nhà những cung bậc xúc cảm đa dạng và phong phú.
Có lẽ chị rất thích đọc, đọc nhiều và nhớ giỏi khi đọc. Không chỉ vì hứng thú, mà còn cả niềm vui khi được kể lại cho người thân. Và cả việc đọc nhiều hơn để có thể trả lời những câu hỏi đa chiều bất thình lình của mấy đứa em khi nghe kể chuyện.
Rồi đến lượt, chúng tôi cũng bắt đầu đọc, đọc để kể lại khi đến lượt của mình, đọc để kể chuyện cho người thân, cho bạn bè và nghĩ suy nhiều hơn về những ước mơ trong trang sách.
Chưa hẳn những câu chuyện chị hay tôi kể đều mới mẻ, nhưng mẹ, cha đều ngồi cùng để nghe. Ánh mắt, nụ cười, cái gật đầu của người thân như tiếp thêm sự động viên để chúng tôi yêu trang sách…
Rồi chị tôi chính thức trở thành nhà giáo, rồi tôi lần đầu tiên nhận được giải thưởng "Đội viên đọc sách tích cực" cùng giải "Thuyết trình viên hay nhất", tất cả như một hành trang để sách gắn bó với mình.
Chúng tôi không chỉ thích sách mà còn quý sách, sách đến với chúng tôi như những người bạn và trú ngụ lại trong tâm trí mình một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc lạ. Lẽ dĩ nhiên cũng không ít lần vì quá mê sách nên phải trốn sau góc nhà, tìm góc lu nước hay bồ lúa mà đọc cho yên…
Hoặc có đôi lần nhịn ăn sáng để thuê cho bằng được bộ truyện mình yêu thích. Có khi mẹ la, có khi cha đi tìm hoặc có khi trễ một buổi ngủ trưa, nhưng chắc chắn sách dần trở thành chất liệu quan trọng của nghĩ suy, rung cảm.
Ngày nay, nhiều phụ huynh có thể dễ dàng dẫn con đi mua sách, nhưng có thể trong số đó bao nhiêu người đã quên đọc sách cho con mình nghe suốt một tháng qua?
Hay liệu sự bận rộn và sức ép của thời gian có làm cho một số bậc cha mẹ quên đi những giờ khắc chờ con đọc sách hay cùng con đọc sách? Nếu có bậc cha mẹ nào dành buổi tối để lắng nghe con đọc sách, kể chuyện chắc chắn sự vun đắp ấy quả thật là đáng quý…
Đọc sách một cách đúng nghĩa
Ở trường học, người ta bắt đầu nói nhiều về việc trẻ con lười đọc sách. Thế nhưng, siêng năng hay lười biếng của con trẻ chắc chắn phụ thuộc vào con đường hay hành trình chúng ta gầy dựng, đồng hành.
Tại một số trường tiểu học tại Bỉ, Pháp, Hà Lan hay nhiều nước khác, mỗi tuần có ít nhất 5 giờ đọc sách. Các hình thức đọc sách đa dạng được khai thác, xen kẽ một cách đầy sáng tạo: tự đọc sách, đọc sách cùng bạn, đọc sách và thuyết trình, đọc sách và vẽ tranh, đọc sách diễn kịch hay sân khấu hóa…
Không chỉ giờ giấc cụ thể, chính thức quy định vào buổi 2 của thời gian biểu (buổi chiều) mà chính thầy cô giáo là người cùng trẻ con, học sinh đọc sách một cách đúng nghĩa.
Tôi từng thấy một thầy giáo đọc sách say sưa cùng học sinh, đó là một quyển sách học sinh gợi ý để thầy đọc. Đương nhiên, thầy giáo cũng gợi ý tuần này cần đọc quyển nào cho các nhóm cùng thi đua. Với hơn 30 phút, nhiều cảm xúc, những biểu hiện về tính cách đều thể hiện một cách rõ ràng và sâu sắc.
Đọc sách không chỉ là tìm tri thức mà còn trải nghiệm bản thân, lắng nghe chính mình, nhận ra giá trị và sửa mình. Với 15 phút bàn về các ý tưởng sau khi thầy trò cùng đọc, chia sẻ cảm xúc và những nghĩ suy sau khi đọc, có quá nhiều điều cả lớp cùng làm.
Ấn tượng nhất vẫn là lời cảm ơn mà thầy giáo đã dành cho cậu học sinh lớp 5 giới thiệu cho mình quyển sách để đọc… Nhưng hạnh phúc xiết bao khi cả lớp đều yêu cầu rằng đây sẽ là quyển sách lớp sẽ đọc trong tuần tới và cùng nhau thảo luận.
Người ta không đọc bởi cứ dành thời gian ấy để làm những việc mình cho là rất quan trọng hay quan trọng hơn; người ta cũng có thể không đọc bởi quen xem và chỉ thích nghe cho nhanh và tiện…
Huỳnh Văn Sơn
Cần nhiều sự chung tay hơn
Đông đảo bạn đọc đến với Ngày sách và văn hóa đọc lần 1 năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: TRẦN THANH
Thử làm phép so sánh để thấy rằng các khu vui chơi hay tiệm game ngày nay vẫn nhiều hơn vài chục lần so với số thư viện mở dành cho người đọc sách. Đó là chưa kể quầy sách tự động mượn trả vẫn còn thiếu vắng so với việc đáp ứng nhu cầu thức ăn nước uống được phục vụ tự động…
Suy cho cùng, hành vi của người đọc sách phải được kích thích, khơi gợi bằng nhiều hình thức nhưng chỉ với số ít dãy sách ở một đôi ba siêu thị, với hiếm hoi thư viện có hẳn các hoạt động và chương trình thu hút học sinh và nhiều đối tượng đến đọc sách thì khó khăn vẫn còn đó.
Cũng có thể kể đến những hình ảnh vài em bé miệt mài đọc sách ở các quầy kệ khu sách của siêu thị dần thưa vắng để thấy rằng những gì tồn tại cần giải quyết đồng bộ.
Giữ được những hành động tích cực có liên quan đến đọc sách và nhân rộng bằng nhiều hình thức, thúc đẩy việc đọc sách từ gia đình, nhà trường và cộng đồng bằng phương thức hữu hiệu không phải là vấn đề chỉ là tuyên truyền tiêu điểm…
Kỷ nguyên số hay thời đại số hóa có thể giả định là một áp lực cho sách giấy, nhưng điều ấy không quan trọng bởi sách vẫn mãi mãi là sách. Chỉ cần biết đọc, muốn đọc, thích đọc, người ta có thể đọc và đọc say sưa, đọc có suy ngẫm, đọc có trăn trở và đọc để hành động, để tồn tại sao cho hạnh phúc.
Sách số, sách bản giấy nếu chỉ cần chứa đựng những giá trị, chắc chắn đó là sự lựa chọn.
Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt là chủ đề cuộc tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và Đại học Hoa Sen tổ chức vào chiều 13-5 đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả, đặt ra những vấn đề cần suy ngẫm từ việc dạy và học văn ở nhà trường, cũng như thói quen đọc có đáng báo động ở người trẻ hay chưa, hoặc giá sách đôi khi còn cao có phải là một gờ cản cho việc đọc sách...?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận