Phóng to |
Bảo Trân (phải) và bạn cùng chụp ảnh lưu niệm trong những ngày tham gia dự án Sugar - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Dưới đây là phác thảo chân dung của ba cô gái như thế.
Trần Thị Bảo Trân: “Cho là nhận đấy chứ!”
Đã rời trường một năm nhưng Trần Thị Bảo Trân (cựu học sinh chuyên Anh Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM) vẫn là một cái tên được nhiều học sinh trong trường nhắc đến, ngưỡng mộ. Ngoài thành tích học tập xuất sắc (giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh lớp 12, giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh lớp 11, giải nhất cuộc thi viết luận toàn quốc 2010 của Trường Trinity, Úc...), Bảo Trân còn là điển hình của một 9X luôn nghĩ đến cộng đồng và không ngừng vươn lên.
Là người nhập cư lại có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, Bảo Trân vẫn luôn nỗ lực nằm trong tốp đầu lớp suốt 12 năm học.
“Vào lớp 10, tôi chợt nhận ra cuộc sống sẽ thú vị hơn nếu tôi bớt thời gian chúi đầu vào sách vở để đi và cho nhiều hơn”, Bảo Trân nhớ lại. Bắt đầu bằng việc tham gia những chương trình cộng đồng cùng bạn bè trong trường, sau đó Bảo Trân dần góp mặt vào những dự án quy mô lớn hơn như: Sugar (dự án cộng đồng của học sinh trung học ở Singapore và Việt Nam nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật), VietAbroader, SEALNet... Đam mê tình nguyện quá lớn nên dù thi đậu vào ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Bảo Trân vẫn quyết định xin bảo lưu, dành hẳn một năm tham gia các hoạt động cộng đồng.
“Tôi nhớ mãi ánh mắt, cái nắm tay thật chặt và câu hỏi “Sao chị không quay lại?” của một em bé từng được tôi dạy học tại một mái ấm ở TP.HCM. Câu hỏi đó khiến tôi xúc động và biết rằng mình cần phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho những phận đời kém may mắn” - Bảo Trân giải thích về quyết định xin dừng học từng khiến nhiều người lắc đầu.
“Cho là nhận đấy chứ. Nhờ lăn xả vào các hoạt động cộng đồng mà tôi đã trở nên tự tin, chủ động hơn nhiều so với hình ảnh “mọt sách” trước đây”, Bảo Trân cười lém lỉnh.
Bảo Trâm (phải) cùng tình nguyện viên chương trình “Ước mơ của Thúy” cắt giấy trang trí cho ngày hội Hoa hướng dương - Ảnh: Công Nhật |
Trần Ngọc Bảo Trâm: cô gái chăm vườn hướng dương
Gắn bó với chương trình “Ước mơ của Thúy” từ những ngày đầu, sáu năm nay Bảo Trâm là cô gái làm vườn tận tụy của cánh đồng hướng dương chăm lo những bệnh nhi ung thư. Mẹ mất cũng vì căn bệnh tai ác, ban đầu Trâm đến với chương trình vì muốn đối diện với nỗi sợ của bản thân. Rồi dần dà Trâm bắt rễ và trở thành một phần “Ước mơ của Thúy”. Một tuần của Trâm luôn có trung bình 3-4 ngày trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với vai trò điều phối viên chương trình tại miền Nam. Lúc hướng dẫn các bạn tình nguyện viên cho bệnh nhi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học chữ, học vẽ; khi liên hệ mạnh thường quân xin tài trợ cho chương trình; có bữa lại cắt cắt, dán dán mấy thứ xinh xinh trang trí cho phòng sinh hoạt chung của bệnh nhi ung thư...
“Ước mơ của Thúy” gần như chiếm trọn tình cảm, tâm hồn của cô gái. “Sáu năm nay, mình khóc nhiều. Mỗi khi có một bệnh nhi mà mình rất yêu thương qua đời, mình bị sốc, nhiều lần rất khó khăn mới vượt qua. Nhưng sau mỗi mất mát, mình thấy trưởng thành hơn, như tâm hồn chỉ có thể lớn khôn khi được tưới tắm bằng nước mắt, từ đó lại cố gắng làm nhiều việc có ích hơn cho cuộc sống ngắn ngủi của các em”, Trâm tâm sự.
Trâm cất tấm bằng cử nhân hóa ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM lẫn dự định làm cô giáo dạy hóa, bẻ lái đời mình sang một hướng hoàn toàn khác: thiện nguyện và vật phẩm handmade. Hiện nay, Bảo Trâm cùng một nhóm bạn đã mở cơ sở riêng, chuyên làm quà tặng thủ công và nhận trang trí đám cưới. Thời gian còn lại Trâm vẫn dành hết cho các hoạt động hỗ trợ bệnh nhi ung thư.
Nói về quyết định có phần liều lĩnh của mình, Trâm cười nhẹ: “Thật ra sau khi quyết định, mình thấy nhẹ bâng như buông bỏ được gánh nặng. Trước đó mình vẫn lo bạn bè sẽ nói gì, sợ “phí” tấm bằng cử nhân đổi bằng bốn năm công sức dùi mài... nhưng không ngờ cảm giác được làm điều mình thật sự thích thật tuyệt. Nhẹ nhõm, hứng khởi, tự do!”.
Phóng to |
Huyền Trang (bìa trái) cùng các trại viên trong TouchVN 2013 được tổ chức tại Đà Lạt đầu tháng 8-2013 - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Ngô Tăng Huyền Trang: cô nàng 9X nhiều tham vọng
“Tôi muốn chia sẻ lại những cơ hội, trải nghiệm bản thân may mắn có được với giới trẻ trong nước”, bạn Ngô Tăng Huyền Trang (sinh 1991, sinh viên ĐH Bentley, Hoa Kỳ) chia sẻ về “đứa con tinh thần” là trại hè tiếng Anh TouchVN mà bạn đồng sáng lập và duy trì đều đặn suốt năm năm qua.
Khi còn học trung học tại Singapore với học bổng toàn phần A*STAR của Chính phủ Singapore, trong một buổi tối tại ký túc xá, Trang chợt ngồi thừ ra khi đọc được thông tin nhiều trẻ em Việt không thể đến trường vì gia đình không lo nổi học phí. Tìm hiểu sâu hơn, Trang nhận thấy giới trẻ Việt giỏi nhưng còn thiệt thòi, thiếu nhiều kỹ năng sống so với người trẻ ở các quốc gia phát triển. Từ đó Trang ấp ủ, tìm hiểu nhiều tư liệu về các kỹ năng mềm để mong giúp giới trẻ trong nước có thêm kiến thức về kỹ năng sống. Đến giữa năm 2009, dự án hỗ trợ kỹ năng cho giới trẻ phổ thông TouchVN chính thức được ra đời.
Nói là làm. Hè 2013, khi vừa hoàn thành kỳ thực tập tại London (Anh) và bận rộn chuẩn bị cho khóa học tại Tây Ban Nha vào tháng 9, Huyền Trang vẫn tranh thủ bay về TP.HCM và làm việc ngày đêm để điều hành, chuẩn bị cho TouchVN diễn ra tại Đà Lạt vào đầu tháng 8. Tiếng lành đồn xa, chương trình TouchVN dần trở thành một hoạt động quen thuộc của học sinh các trường lớn như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Phổ thông Năng khiếu TP.HCM... Chương trình hoành tráng, chỉn chu nhưng ít ai biết được “nhà tổ chức” Huyền Trang phải đau đầu trong việc kêu gọi tài trợ để giảm trại phí cho trại viên, phải nỗ lực thiết kế chương trình hiệu quả nhất... trong khi ban tổ chức mỗi người một nơi và phải làm việc chủ yếu qua Skype, điện thoại, email...
“Chúng tôi muốn TouchVN là sân chơi đúng nghĩa do người trẻ quản lý và dành cho người trẻ. Ngoài việc phổ biến các kiến thức cần thiết để cải thiện kỹ năng sống, chúng tôi cũng mời nhiều diễn giả có tiếng tham gia để sẻ chia trải nghiệm với trại viên. Chúng tôi quyết duy trì đều đặn hoạt động này dù có rất nhiều áp lực về bài vở, khoảng cách địa lý” - Trang không giấu tham vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận