16/07/2021 11:59 GMT+7

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 1: 'Nhà' cống

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Dãy ống cống ximăng nhem nhuốc, tua tủa đầu sắt đen nhọn nhô ra ngoài, ấy thế mà là 'nhà' của trẻ vô gia cư trong mùa dịch. Chỗ nào có vài cái áo quần giăng phơi, cái chăn gối cũ nát hay vỏ gói mì tôm, chỗ đó có trẻ nghèo sa cơ.

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 1:  Nhà cống - Ảnh 1.

Dãy “nhà” cống, nơi Dũng và nhiều trẻ đã tá túc trong mùa dịch

Liên tiếp những đợt dịch bùng phát trong hai năm qua, nhiều hàng quán ế ẩm phải đóng cửa, việc làm trở nên khó khăn. Trẻ vô gia cư cũng mất việc, mất chỗ ở.

Mất việc

Bác xe ôm, bà hàng nước, chú bảo vệ và các tổ chức từ thiện là những người dễ nhận ra đâu là trẻ lang thang nhất. Từ nguồn tin này, chúng tôi biết khu vực bến xe Mỹ Đình và công viên Thống Nhất, hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội là những nơi trẻ thường "dạt" về.

Gần bến xe Mỹ Đình, ở phía tay trái có một công trường xây dựng lớn đang dang dở. Chúng tôi gửi xe đi bộ ra khu vực này, theo chỉ dẫn thì đây là nơi trẻ trú ngụ nhiều. Những dãy ống cống ximăng vuông cỡ đại xếp chồng lên nhau, mặt nằm của cống được trẻ dùng làm giường.

Chỗ nào có vài manh áo quần giăng mắc, chỗ đó có trẻ, đếm sơ cũng có 4 - 5 chỗ. Chúng tôi tiến lại gần nơi những mảnh vải phất phơ đó, bên trong chỉ có một cái gối sờn cũ và mảnh chăn mỏng cáu bẩn. 

Đó là tất cả hành trang của trẻ, nhưng không phải trẻ nào cũng có đủ chăn gối. Ngủ ở cống trẻ có thể tránh được bớt gió mưa, nhưng sẽ phải "chịu trận" với đàn muỗi thâu đêm.

Trẻ chỉ về "nhà" cống vào buổi trưa hoặc chiều tối. Buổi chiều, có nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến khu vực này thả diều, đá bóng, chơi ván trượt. 

Khi những đứa trẻ được vui chơi thỏa thuê về nhà cùng cha mẹ thì những đứa trẻ "không gia đình" (cách gọi của người dân thành phố) gầy gò mới thất thểu trở về ống cống.

Khoảng 18h30 chiều, chúng tôi chú ý tới một cậu đen, gầy trong bộ đồ màu xám nhăn nheo. Lại gần bắt chuyện, chúng tôi mất hơn nửa tiếng mới tạo được niềm tin để trò chuyện với cậu. 

Đó là Nguyễn Xuân Dũng (nhân vật đã đổi tên), quê ở Thanh Ba, Phú Thọ. Tối nay Dũng sẽ ngủ ở ống cống này, cậu nói đã ngủ ở đây hai tuần, kể từ ngày quán phở nơi Dũng làm việc phải đóng cửa vì dịch.

Dũng nói mình 19 tuổi, nhưng trông cậu vẫn thua một đứa trẻ thành phố 12 tuổi. Những đứa trẻ đường phố thường nói dối tên, tuổi, quê quán. Chúng cũng hay khai tăng tuổi để xin việc làm và không có giấy tờ tùy thân.

Dũng chưa ăn tối, cậu cho biết buổi trưa đã ăn một bát mì tôm. Dũng cũng không có tiền, bát mì do người khác mua cho ăn. Chúng tôi mời Dũng chút đồ ăn, cậu e ngại nhưng cơn đói đã thôi thúc cậu gật đầu.

"Em không về quê được, về sẽ bị cách ly" - Dũng nói. Bố mẹ Dũng đã ly hôn, vì chán nản nên cậu bỏ nhà xuống Hà Nội từ năm 14 tuổi. "Việc gì em cũng làm rồi, phụ hồ, bán hàng, bán kẹo" - Dũng kể. 

Quán phở cậu làm vừa đóng cửa vì dịch ở trên đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Thanh Xuân.

Dũng làm được hơn một năm ở quán phở, đây là quán ăn đêm nên Dũng phải làm từ 4h chiều đến 4h sáng. Lương được 4 triệu đồng một tháng, cậu nói gửi về quê cho gia đình nuôi em trai, chỉ giữ lại một ít nhưng đã tiêu hết.

Đi dọc con phố phía sau bến xe Mỹ Đình, chúng tôi gặp hai trẻ nam đang khoác vai nhau đi. Không khó để nhận dạng trẻ vô gia cư, bởi ánh mắt lạ lẫm, gầy gò, đen nhẻm từ chân lên đầu. 

Thấp người, nhỏ tuổi hơn là Minh, sinh năm 2007 tại Hà Nội. Một bạn cao gầy là Triệu Văn Hùng, sinh năm 2005, từ Điện Biên xuống.

Cả hai đang làm phụ hồ ở Nhật Tân, quận Tây Hồ, vì dịch bệnh ít việc nên chủ cho nghỉ. Những ngày Hà Nội chưa giãn cách, Minh và Hùng vẫn ngủ ở quán game, nay cả dãy quán đều đóng cửa cả hai phải tìm chỗ ngủ mỗi tối.

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 1:  Nhà cống - Ảnh 2.

Chúng tôi gặp Dũng (bìa phải) lúc cậu trở về “nhà” cống - Ảnh: TÂM LÊ

Bị chăn dắt săn lùng

Trẻ nghèo từ quê mới lên, hay trẻ mất việc làm không có chỗ ngủ, ôm bụng đói là cơ hội "ngon" cho những kẻ tìm cách lợi dụng.

Hoàng và Linh (nhân vật đã đổi tên) mới từ quê Thanh Hóa ra, vừa xuống bến xe Mỹ Đình, chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Cả hai rủ nhau ngồi nghỉ tạm ở quán nước bên ngoài bến xe. Bà bán nước dịu dàng:

- Hai cháu mới ở quê ra phải không, có chỗ ăn ngủ chưa, nếu chưa có việc làm bảo bác giúp nhé?

Hoàng rụt rè chưa kịp trả lời thì hai ba chú xe ôm sà vào quán nước.

- Có muốn đi làm phụ hồ không? - một người hỏi.

- Muốn làm việc nhẹ nhàng thì đi bán kẹo, bán tăm? - một người khác khuyên nhủ.

Những lời mời chào càng lúc càng hấp dẫn hơn: "Làm phụ hồ việc nhẹ thôi, có chỗ ăn ngủ, lương từ 7 - 8 triệu một tháng". Người mời bán kẹo, bán tăm lại đưa ra lợi ích nhiều hơn: 

"Công việc làm như đi chơi, vừa bán vừa được khách cho, mỗi tháng có thể được 10 - 15 triệu, chỗ ăn ở không mất tiền. Có tiền ăn tiêu, lại có tiền gửi về quê cho bố mẹ. Đồng ý thì đi luôn hôm nay...".

Nghe rất bùi tai, nhưng Hoàng và Linh vẫn chưa đồng ý, một phần vì chưa tin tưởng, một phần trong túi cả hai vẫn còn một ít tiền. Chỉ khi nào tiền hết, bụng đói "đầu gối phải bò" thì trẻ dễ đồng ý.

Cậu bé Dũng cho chúng tôi biết đã từng nhận lời đi cùng với môi giới, nhưng chỉ một lần. Lần mời mọc sau dù hết tiền, Dũng cũng từ chối bởi vì việc làm không như lời hứa.

"Làm phụ hồ phải đội gạch, đội ximăng rất nặng nhọc, chỗ ăn ngủ nóng và đau người" - Dũng kể. Bán kẹo Dũng cũng thử một lần rồi... nhớ đời: "Có tháng nhiều nhất được gần 15 triệu, mà em chỉ nhận được 5 triệu. Nhưng phải đứng ngoài đường 12-16 tiếng một ngày, bán bông, kẹo, mệt lả!".

Những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất, Dũng phải ra đường bán hàng, nghỉ là bị trừ lương, thậm chí bị nhục mạ. "Mày làm không đủ ăn thì sống làm gì" - Dũng nhớ có lần bị chủ mắng nhiếc như vậy.

Ngoài môi giới lao động không đúng lời hứa, đám trẻ có thể gặp phải ấu dâm nam. "Mùa dịch trẻ vô gia cư đói ăn, không có chỗ ngủ, phải lang thang ngoài đường đông. Kẻ biến thái cũng xuất hiện vì chúng dễ dụ dỗ trẻ gặp khó khăn" - một nhân viên giúp trẻ đường phố cho biết.

Một buổi tối, khi đồng nghiệp nam có vẻ ngoài non trẻ của chúng tôi đang đứng một mình, bỗng một gã áo quần bảnh bao dựng xe trước mặt buông lời đường mật:

- Em từ đâu đến? Có chỗ nào ở chưa? Nghe giọng cũng ngọt ngào đấy nhỉ? - Gã này vừa liến thoắng, vừa xích lại gần cậu bạn và nắn bóp cánh tay.

Chúng tôi đã bị chấn động khi xem bức ảnh Dũng gầy gò lọt giữa những kẻ biến thái. Dũng sau đó được đưa vào chương trình giải cứu của tổ chức trẻ em đường phố Rồng Xanh ở Hà Nội.

"Kẻ biến thái lạm dụng trẻ em nam cũng tàn nhẫn như trẻ em nữ bị lạm dụng. Cả tinh thần và thể xác các em đều bị tổn thương" - Đỗ Duy Vị, quản lý chương trình trẻ đường phố của tổ chức Rồng Xanh, người đã nhiều lần đã giải cứu trẻ em thoát khỏi ấu dâm người Việt và người nước ngoài, bức xúc.

Chiều muộn, Dũng vẫn chưa có ý định đi ăn tối vì hình như cậu không còn đồng nào trong túi. Dũng rụt rè gật đầu cùng chúng tôi ăn, cậu cho biết còn 5 bạn nữa tối mới về "nhà" cống ngủ. 

Khi Dũng từ biệt chúng tôi với 5 suất ăn trong tay, cậu đã nói lên mong muốn của mình: "Em chỉ mong sao hết dịch để đi làm".

Theo sự mách bảo đầy thực tế của các trẻ đường phố, chúng tôi đi một vòng thành phố, gặp những nơi trẻ đã lấy làm "nhà" ngủ như chân đường vành đai, khu vườn ổi Phạm Hùng, công viên Thống Nhất... Chỗ nào có manh chiếu hay tấm chăn mục, vỏ gói mì tôm, chỗ đó là "nhà" của các trẻ nghèo, thiếu nơi nương tựa.

Nhiều trẻ đường phố không nhớ ngày nào chúng được ăn đủ ba bữa cơm no. Hàng loạt công việc trẻ đang làm bị ảnh hưởng khi dịch bùng phát như bán kẹo, bán trà đá, kéo hàng ở chợ Long Biên, hay chạy bàn ở quán ăn, cà phê...

Kỳ tới: Những bữa cơm không no

Vượt stress, vượt khó mùa dịch Vượt stress, vượt khó mùa dịch

TTO - Sài Gòn những ngày buồn "tổn thương" vì dịch giã. Cả chủ doanh nghiệp và người làm công đều đang xoay xở mọi cách để vượt khó, đặc biệt là vượt qua nỗi buồn mùa dịch ảm đạm.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên