18/02/2025 06:57 GMT+7

Trẻ chậm nói: Nguy cơ do xem nhiều điện thoại, học nhiều thứ tiếng

Theo các chuyên gia, việc xem thiết bị điện tử nhiều, ít giao tiếp xã hội, học nhiều ngôn ngữ… là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ.

Trẻ chậm nói: Nguy cơ do xem nhiều điện thoại, học nhiều thứ tiếng - Ảnh 1.

TS Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe tâm thần, chia sẻ về chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ - Ảnh: D.LIỄU

Số trẻ chậm nói tăng, khám muộn

Theo TS Vũ Sơn Tùng - trưởng phòng sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, đặc biệt sau COVID-19 (năm 2020), tỉ lệ trẻ chậm nói đến viện thăm khám tăng do nhiều nguyên nhân. 

Đáng nói, hầu hết các cháu đến ở thời điểm muộn so hơn với giai đoạn vàng (từ 0-3 tuổi).

Bác sĩ Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ vừa tiếp nhận điều trị cho trẻ 4 tuổi được chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ.

Theo lời kể của mẹ, do bố đi làm xa, mẹ làm công nhân sáng đi, tối về nên chủ yếu trẻ ở cùng ông bà. 

Hằng ngày bé được ông bà thường xuyên cho xem ti vi, điện thoại từ sớm. Mỗi khi ngồi chơi, ăn cơm, khi khóc… đều được ông bà cho xem.

Đến 2 tuổi trẻ chỉ nói được ít từ đơn, chưa nói được từ ghép. Đến nay, mặc dù 4 tuổi nhưng đôi khi trẻ không nói gì trong thời gian dài, vốn từ hạn chế, không chủ động nói khi chơi trong nhóm bạn hàng xóm, ít kể chuyện, ít khoe - mách mẹ...

Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói

Theo TS Vũ Sơn Tùng, thông thường một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).

Theo thống kê trẻ từ 2-7 tuổi, trẻ chậm nói chiếm tỉ lệ từ 2,3-19%. Ngoài ra, có khoảng 2,1- 11,4% trẻ mẫu giáo trên thế giới chậm nói, trẻ từ 18-35 tháng chiếm gần 15%. Trẻ trai cao gấp 3-4 lần so với trẻ gái.

Trong đó, 25-30% trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có sự chậm phát triển ngôn ngữ.

Theo bác sĩ Tùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nói ở trẻ như: bất thường giải phẫu, giác quan: cơ quan phát âm (sứt môi hở hàm ếch, lưỡi), vùng não chi phối phát âm, vận động vùng miệng, trẻ khiếm thính.

Yếu tố nguy cơ chu sinh dẫn đến suy giảm thính lực sinh non, thiếu oxy, vàng da sơ sinh… tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Bên cạnh đó, yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ chậm phát triển ngôn ngữ hơn là khi trong gia đình có tiền sử chậm nói. Trong đó trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em gặp vấn đề về ngôn ngữ có nguy cơ bị chậm nói cao gấp 2-3 lần so với trẻ có gia đình bình thường.

Thời gian sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ ở trẻ từ 1-3 tuổi làm tăng nguy cơ chậm nói. Tác động của tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ lên chậm nói là 22% trong khi tiếp xúc với một ngôn ngữ là 8%.

Can thiệp sớm cho trẻ

Theo bác sĩ Tùng, can thiệp sớm, đặc biệt ở trẻ từ 0-3 tuổi, có thể giúp cải thiện, sớm đạt các mốc phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đồng thời giảm bớt các vấn đề liên quan đến cảm xúc và nhận thức, xã hội.

Các phương pháp can thiệp có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, chương trình hỗ trợ giáo dục, và các hoạt động khuyến khích trẻ giao tiếp. Liệu pháp này có thể được thực hiện bởi các nhà trị liệu ngôn ngữ và lời nói, và các bác sĩ lâm sàng khác.

Trẻ em có thể bắt đầu thể hiện dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ từ 18 tháng tuổi nếu được can thiệp sớm, có thể cải thiện khả năng nói và giao tiếp lên tới 50% trong vòng một năm đầu can thiệp.

Trẻ chậm nói: Nguy cơ từ xem nhiều điện thoại, học nhiều thứ tiếng - Ảnh 3.Những cô giáo khai mở tiếng nói cho trẻ chậm nói

Các cô là những người có tình yêu trẻ vô bờ bến, sự kiên nhẫn và sự sáng tạo không ngừng vì những tiếng ê a đầu tiên cho những trẻ chậm nói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên