07/02/2018 14:33 GMT+7

Trẻ bị nhiễm nấm Candida

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Loại nấm Candida thường phát triển trên da, trong đường ruột và màng nhầy và không gây nguy hiểm khi cơ thể khỏe mạnh hay có nhiều lợi khuẩn.

Trẻ bị nhiễm nấm Candida - Ảnh 1.

Trẻ bị nhiễm nấm Candida ở lưỡi. Ảnh: independente.com.br

Nấm là một bệnh nhiễm trùng cơ hội thường xuất hiện khi cơ thể ốm yếu. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm nấm giống như người lớn. Các vi sinh vật men gây nấm ở mẹ có thể lây sang con. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng trẻ sơ sinh đã tiếp xúc với nấm từ khi chúng mới được sinh ra, đặc biệt là những trẻ được sinh thường và người mẹ có tiền sử bị nấm âm đạo. 

Nấm là một bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật men đơn bào có tên gọi Candida albicans gây ra. Loại nấm này thường phát triển trên da, trong đường ruột và màng nhầy và không gây nguy hiểm khi cơ thể khỏe mạnh hay có nhiều lợi khuẩn. Khi gặp điều kiện thích hợp, Candida phát triển nhanh chóng và có triệu chứng rõ ràng.

Bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nấm, từ trẻ em đến người già, người khỏe hay người ốm. Nấm có thể xuất hiện ở da hay tập trung ở miệng, âm đạo hoặc đường ruột. Những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ nhiễm nấm cao. Nấm có thể xuất hiện bất ngờ mà không có biểu hiện nào báo trước. Có một số yếu tố làm tăng khả năng nhiễm nẫm như tiểu đường hoặc uống thuốc kháng sinh nhưng phần lớn các trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn bị nhiễm nấm. 

Với một số người có chế độ ăn uống với hàm lượng đường và carbohydrate tinh chế cao ví dụ như bánh mì và các sản phẩm lên men, thì có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn. Nếu người mẹ có nấm trên núm vú hoặc trong ống dẫn sữa và đang cho con bú, nấm có thể dễ dàng truyền sang con khi cho bú. Nấm phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, ấm, vì vậy nó thường xuất hiện ở miệng và vùng da quấn tã.

Biểu hiện của bệnh nấm Candida như thế nào?

Bệnh tưa miệng: Các đốm trắng xuất hiện trên lưỡi, trong vòm miệng và má trong, giống như cặn sữa. Bạn có thể dùng miếng bông sạch lau các đốm trắng để biết đó là cặn sữa hay nấm. Bé bỏ ăn, không muốn ngậm vú hay bú bình. Nhanh khỏi khi dùng thuốc chống nấm. Bệnh tưa miệng thường xuất hiện bất ngờ.

Trẻ bị hăm: Xuất hiện vết ửng đỏ quanh hậu môn và vùng da xung quanh. Nấm có thể xuất hiện li ti, thành mảng hoặc giống như mụn. Đôi khi tạo thành mảng rát đỏ ở các kẽ da nơi quấn tã. Dễ thấy khi thay tã. Gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là khi tã lót bị ướt hoặc bẩn. Các vết ửng đỏ sẽ bớt nhanh khi bôi kem chống nấm. Không nên chỉ sử dụng kem chống nhiễm trùng da, các vết tấy đỏ và phát ban sẽ không cải thiện nhanh. Thường xuất hiện một vài ngày sau khi bé bị bệnh tưa miệng.

Điều trị bệnh tưa miệng:

- Thuốc dạng nước hoặc dạng kem có chứa một hợp chất chống nấm. Các loại thuốc phổ biến là Mycostatin/Nilstat/Nystatin, Miconazole/Daktari

- Nên dùng thuốc liên tục cho đến khi tất cả các nốt tưa lưỡi hoặc nốt ban đỏ biến mất.

Điều trị hăm tã:

- Bôi các loại kem hoặc thuốc mỡ hai đến ba lần một ngày ở chỗ bị hăm. Sau khi lau khô và sạch sẽ, thoa kem hoặc thuốc mỡ vào chỗ bị nổi đỏ.

- Có thể dùng kem chống nhiễm trùng da hoặc kem chuyên trị hăm tã để chữa.

Những điều quan trọng cần biết về phương pháp điều trị nấm

- Bạn không thể áp dụng cách điều trị nấm ở người lớn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù các thành phần hoạt chất có thể giống nhau, nhưng nồng độ thì khác nhau.

- Bạn không nên dùng chung các loại kem trị nấm và thuốc mỡ.

- Nếu bé bị tưa miệng hoặc bị hăm tã, bạn nên bôi thuốc cả hai nơi cùng một lúc.

Nấm có xuất hiện ở vùng cổ của bé hay không?

Nấm cũng có thể xuất hiện ở giữa ngấn cổ, nhất là ở những trẻ mũm mĩm và những trẻ hay bị trớ. Khi vùng da ở ngấn cổ giãn ra, sẽ xuất hiện mảng đỏ sáng và thường có mùi hôi. Nấm hay xuất hiện vào mùa hè và khi không khí ẩm ướt.

Cách điều trị khi trẻ bị hăm ở cổ cũng tương tự như bị hăm tã. Bạn nên giữ vùng da cổ của bé sạch và khô, thay quần áo cho bé thường xuyên, tránh sử dụng yếm nhựa, dùng kem trị nấm và theo dõi tiến triển của bệnh. Đôi khi bé cũng bị nhiễm khuẩn da cùng một lúc và bạn nên dùng một loại kem khác và có thể phải cho bé uống kháng sinh.

Cách chữa bệnh nhiễm nấm ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Đầu tiên cần chẩn đóan chính xác bệnh. Khi bạn biết chắc bé bị nhiễm nấm, hãy chọn phương pháp điều trị tương đối đơn giản và rất hiệu quả. Rửa tay sạch sẽ trước khi làm vệ sinh cho bé. Tránh hôn bé ở miệng hoặc dính nước bọt của bạn với bé.

Để ý khi người khác bế bé vì họ có thể lây vi trùng qua bé. Việc thổi thức ăn cho nguội, nếm thức ăn hoặc sữa trước khi cho bé ăn, đặt núm vú giả của bé vào miệng cũng có thể gây nhiễm nấm cho bé. 

Tránh sử dụng khăn lau tay cho bé mà nên sử dụng khăn giấy dùng một lần, sau đó vứt đi. Tham khảo việc sử dụng xà phòng chống khuẩn khi giặt đồ cho bé, giúp tiêu diệt các bào tử nấm gây nhiễm nấm. Thay khăn, khăn trải giường, yếm và quần áo cho bé thường xuyên. Khi giặt, nên phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, không nên sấy khô bằng máy sấy. Nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, nhất là vào những tháng ấm.

Nếu bạn đang trong thời kỳ cho bé bú, nên cẩn thận với nấm trên núm vú hoặc trong ống dẫn sữa. Nếu núm vú của bạn bị ngứa, đỏ, viêm hoặc ngực của bạn đang đau và tức đặc biệt là sau khi ăn, hãy đến gặp bác sĩ để khám. Bạn có thể phải dùng kem chống nấm hoặc thuốc mỡ kết hợp với điều trị cho bé. Hãy thay áo ngực và miếng đệm ngực hàng ngày.

Nếu bạn cho bé bú bình, hãy vệ sinh sạch sẽ bình và các đồ dùng cho bé ăn. Dùng nước nóng hoặc máy rửa chén để rửa bình sữa cho bé. Luôn lau khô bình và không đựng lại sữa đã cho bé bú. Nếu bé bị tưa lưỡi, hãy rửa sạch đồ chơi của bé mỗi ngày bằng nước nóng và xà bông. Rửa thật sạch và phơi khô dưới ánh mặt trời. Thay tã thường xuyên cho bé và giặt đúng cách. 

Tránh sử dụng khăn lau có cồn để lau sạch da bé; nên dùng các loại khăn có ít mùi thơm và ít khả năng gây dị ứng để lau cho bé. Bạn cũng có thể sử dụng cục bông bằng cotton ngâm trong nước ấm để lau khi thay tã. Lau khô vùng da quấn tã và thỉnh thoảng không lót tã cho bé mỗi ngày. Sử dụng tã dùng một lần có chất lượng thấm tốt và giữ cho khu vực lót tã luôn khô thoáng.

Mất bao lâu để điều trị nhiễm nấm cho bé?

Các triệu chứng bệnh nấm Candida thường thuyên giảm trong một vài ngày điều trị đầu tiên sau khi uống thuốc hoặc dùng thuốc bôi da. Nếu bạn thấy tình trạng của bé không được cải thiện, hãy đưa bé đến bác sĩ khám. 

Có nhiều loại kem, thuốc mỡ, gel và thuốc uống có thể điều trị hiệu quả các sinh vật Candida albicans. Nhiễm nấm không phải do vệ sinh kém hay do bạn không chăm sóc tốt cho em bé. Bệnh này khá phổ biến và dễ điều trị. Tuy nhiên không thể hoàn toàn loại bỏ Candida. Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch là biện pháp lâu dài để phòng chống bệnh nhiễm nấm.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên