"Em biết điều đó là sai, nhưng em buồn quá!" - lời tâm sự của một em học sinh nữ khi nghe lời rủ rê của bạn bè xấu liên tục trốn học ngồi ở quán cà phê, tìm cách lãng quên sự đời trong khói thuốc lá.
Một lần khác, nhìn những phút giây ngắn ngủi của hai cha con một học sinh gặp gỡ trong lúc tan trường khiến lòng tôi cảm thấy nao nao.
Người cha liên tục xoa đầu con trai mình với những lời nhắn nhủ ân cần, cậu con trai vùi đầu vào ngực ba mình để tìm hơi ấm mà bấy lâu nay mình không cảm nhận được từ khi ba mẹ chia tay nhau. Khi người cha quay đi, cậu bé len lén giấu đi những giọt nước mắt.
Chắc hẳn đằng sau cơn lũ cảm xúc ấy là những nỗi niềm rất trẻ con, rất đáng để những người làm cha mẹ phải suy nghĩ trước khi đưa ra những quyết định mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho con cái mình.
Khi gia đình không hòa thuận, cha mẹ sống không đúng với vai trò của mình thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức, sự phát triển tâm sinh lý ở con trẻ.
Chưa kể, hành vi xung đột của cha mẹ làm cho trẻ không tin tưởng và xa lánh người lớn, vì thế tác động giáo dục của người lớn đối với các em bị giảm sút.
Nhiều trẻ trở nên cáu gắt khi phải sống chung chỉ với cha hay mẹ và có những lời lẽ, hành động phản kháng trong giao tiếp hằng ngày. Việc không giữ được trạng thái cân bằng trong cảm xúc khiến trẻ rơi vào những trạng thái xúc động mạnh: buồn tuyệt vọng, giảm động lực học tập, thậm chí bị quấy rối hay xâm hại.
Có những em bị lôi kéo vào con đường xấu và những tệ nạn xã hội, những lối ăn chơi sa đọa có chiều hướng đe dọa các em khi nền tảng gia đình đang bị lung lay.
Ly hôn là tạo nên sự tự do cho hai người lớn nhưng làm tan vỡ đi mối quan hệ gia đình, và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những đứa con.
Ly hôn đang là một trong những hiện trạng đáng báo động hiện nay, biến những đứa con thành những "người thua cuộc" trong vòng xoáy tranh đấu giữa cha mẹ mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận