Ảnh: Scholastic
Bạo lực học đường từ lâu là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới vì không chỉ kéo theo hệ lụy về kinh tế đáng kể cho cá nhân, gia đình và xã hội mà còn gây nên các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng não bộ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học King (Anh), những người là nạn nhân của bạo lực học đường có những "sự khác biệt" về cấu trúc não và ảnh hưởng thần kinh khi trưởng thành.
Theo đó, những trẻ thường xuyên bị bắt nạt có thể khiến hai vùng quan trọng của não là nhân đuôi và nhân bèo sẫm bị ảnh hưởng.
Các nhân đuôi chịu trách nhiệm "xử lý ký ức". Phần não này sử dụng thông tin từ kinh nghiệm, bài học trong quá khứ để tác động đến các quyết định và hành động trong tương lai. Trong khi đó nhân bèo sẫm có chức năng điều tiết các vận động chú ý. Tổn thương hai vùng này sẽ gây ra rối loạn trương lực cơ, rối loạn vận động và rối loạn cảm xúc.
Kết quả này được công bố trên tạp chí Nature sau một dự án nghiên cứu về mối liên quan của bạo lực học đường với tình trạng rối loạn cảm xúc lo âu ở người trưởng thành trên 600 học sinh, sinh viên ở khắp châu Âu.
"Mặc dù bạo lực học đường không phải là lý do chính dẫn đến tình trạng rối loạn cảm xúc nhưng vẫn là yếu tố quan trọng gây nên tình trạng này", nhà khoa học Erin Burke Quinlan, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Điều đáng lo ngại là có đến 30% học sinh có thể bị bắt nạt hàng ngày. Điều này đang trở thành một vấn đề toàn cầu.
"Bạo lực" ở đây không chỉ là vũ lực, các em còn là nạn nhân của tình trạng cô lập, bị chê cười, xa lánh hoặc phổ biến nhất hiện nay là trở thành đối tượng bị công kích trên mạng xã hội.
Sự phát triển và phổ biến của điện thoại thông minh trong giới học sinh sinh viên càng làm vấn đề này trở nên nhức nhối. Nạn nhân có thể chịu sự quấy rối từ một cá nhân ẩn danh và bất cứ lúc nào trong ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận