Chiếc đồng hồ có tranh vẽ Hai Bà Trưng nằm trong bộ sưu tập đồng hồ mới tôn vinh các danh nhân lịch sử và sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ hiện đại với văn hóa truyền thống, mang tên Legend mà hãng đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng Christophe Claret vừa giới thiệu.
Hai Bà Trưng được đồng hồ Thụy Sĩ vinh danh, người Việt nức lòng
Bức tranh về Hai Bà Trưng cưỡi voi vẽ trên đồng hồ được giới thiệu do họa sĩ nổi tiếng André Martinez vẽ tay. Họa sĩ này sinh ra ở Barcelona nhưng sống ở Thụy Sĩ, thành danh với kỹ thuật vẽ tỉ mỉ trên mặt đồng hồ kim loại. Ông thường hợp tác với Christophe Claret.
Christophe Claret dành nhiều lời tốt đẹp để viết về mẫu đồng hồ này trên trang mạng xã hội Linkedin của hãng: "Christophe Claret muốn bày tỏ lòng tôn kính tới Hai Bà Trưng - hai chị em cùng là anh hùng dân tộc của Việt Nam vào thế kỷ thứ I. Họ đã đứng lên khởi nghĩa chống nhà Hán trong ba năm".
Thông tin về mẫu đồng hồ tôn vinh văn hóa, lịch sử của Việt Nam bằng hình vẽ rất đẹp khiến nhiều người Việt nức lòng. Khách hàng quốc tế cũng thích thú mẫu đồng hồ này.
Khi thông tin này được chia sẻ trên các hội nhóm, các trang cá nhân đã nhận được hàng chục ngàn lượt yêu thích. Với tin này, có trang fanpage đạt gần 28.000 lượt tương tác tính đến trưa 5-6 và vẫn tiếp tục tăng nhanh. Một nhóm kín đạt 8.800 lượt yêu thích, và nhiều trang cá nhân chia sẻ cũng nhận được nhiều lượt tương tác.
Tranh vẽ Hai Bà Trưng vi phạm bản quyền?
Tuy nhiên, đã có những người phát hiện tranh vẽ trên đồng hồ này dường như vi phạm bản quyền với tác phẩm của họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam.
Cụ thể, bức vẽ trên đồng hồ Thụy Sĩ đã bê ra từ hai tác phẩm của Xuân Lam là: Hai Bà Trưng và Thiên hạ thái bình.
Xuân Lam từng giới thiệu hai tác phẩm này tới công chúng ở Việt Nam trong triển lãm Vẽ lại tranh dân gian lần 2 với tên gọi Cuộc gặp gỡ xưa - nay, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cuối năm 2019.
Xuân Lam là một họa sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khá nổi tiếng với con đường hội họa riêng là vẽ lại một loạt tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, và cả tranh dân gian của tỉnh Nghệ An theo phong cách đương đại.
Họa sĩ 9X trung thành với các mẫu tranh dân gian, nhưng "bóp" lại các đường nét và hòa sắc lại, khiến các bức tranh dân gian trở nên sống động trong diện mạo tươi mới, phù hợp với thẩm mỹ đương đại, mở ra "cuộc đối thoại đẹp đẽ giữa truyền thống và hiện đại".
Những sáng tác của Xuân Lam không chỉ dừng lại ở các phòng trưng bày, các không gian nghệ thuật công cộng, mà đã len lách tới đời sống của nhiều bạn trẻ qua các sản phẩm ứng dụng như thời trang, sổ sách, bưu thiếp…
Vì vậy tranh của Lam không khó để những người yêu thích mỹ thuật nhận ra.
Trong bức Hai Bà Trưng được đưa lên đồng hồ Christophe Claret có thể dễ dàng nhận thấy tác phẩm đã sử dụng thủ thuật tách rời hai chị em Bà Trưng cưỡi voi đi song song trong tranh của Xuân Lam thành người đi trước người đi sau.
Ngoài ra "tác phẩm" này còn đưa thêm vào hình ảnh con chim trong bức Thiên hạ thái bình của Xuân Lam. Đáng chú ý, bức vẽ sử dụng phiên bản hình ảnh con chim chỉ được đưa trên website của Xuân Lam, không phải phiên bản được đưa trên báo chí, truyền thông.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế (giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đều khẳng định ngắn gọn: "Đây là bản vẽ của Xuân Lam".
Ông Sơn cho biết, ban đầu nhìn đồng hồ này ông còn tưởng hãng mua tranh của Xuân Lam để đưa vào sản phẩm, nên đã gọi điện thoại chúc mừng họa sĩ trẻ vốn là học trò của mình. Nhưng ông Sơn được cho biết hãng đồng hồ không hề liên hệ gì với Xuân Lam, đó là trường hợp vi phạm bản quyền.
"Ngôn ngữ đồ họa, phối màu, bút pháp là của Xuân Lam. Họa sĩ này đã có phong cách riêng, không nhầm lẫn. Bức vẽ trên đồng hồ nhìn là thấy rõ bê tranh của Xuân Lam sang. Một họa sĩ phương Tây hiểu gì về văn hóa văn hóa truyền thống, tranh dân gian Việt Nam và lịch sử Việt Nam mà sáng tạo y hệt như Xuân Lam?", ông Sơn nói.
Họa sĩ Xuân Lam chưa có phản hồi chính thức về vụ việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận