25/04/2019 10:48 GMT+7

Tránh sốc nhiệt, cắt tỉa lông cho chó mát mùa nắng nóng

XUÂN MAI - LÊ TỨ
XUÂN MAI - LÊ TỨ

TTO - Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều vụ trẻ em bị chó cắn chấn thương nặng nhập viện, trong đó 2 ca tử vong. Nhiều bác sĩ thú y cho biết cần chăm sóc chó đúng cách để tránh việc thú cưng bị thay đổi cơ thể đột ngột trong thời tiết nắng nóng.

Tránh sốc nhiệt, cắt tỉa lông cho chó mát mùa nắng nóng - Ảnh 1.

Chó dữ bị chủ nhà xiềng xích để giữ an toàn cho những người xung quanh và dễ kiểm soát - Ảnh: NGUYỆT NHI

Chuyện nuôi chó ở đô thị ít ai quan tâm như nuôi chó phải đăng ký, phải có trách nhiệm ra sao? Đặc biệt, tình trạng chó thả rông không rọ mõm, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh vẫn xuất hiện khắp nơi, gây khiếp sợ cho người xung quanh.

Nắng nóng, chó dễ bệnh

Hiện nay nắng nóng gay gắt, oi bức bao trùm khắp cả nước. Đây là kiểu thời tiết không chỉ tác động đến hầu hết người dân, mà ngay cả sức khỏe thú cưng cũng bị ảnh hưởng như tăng bệnh dại ở chó và các bệnh lây nhiễm khác như ve, bọ chét, ký sinh trùng...

Bác sĩ thú y Lý Thị Thanh Trân (phòng khám thú y Sơn Ca, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho hay chủ nuôi không đột ngột di chuyển chó từ thời tiết nóng vào máy lạnh, vì dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt do cơ thể chó chưa kịp thích nghi. 

Chó lông dài/dày cần phải được cắt tỉa lông, đặc biệt là khu vực vùng gan bàn chân - rất dễ bị bỏ sót.

Luôn để sẵn nước cho chó uống để giúp hạ nhiệt cơ thể. Không nên cho chó vận động nhiều trong thời tiết nắng nóng và khi nhiệt độ cơ thể chó vượt quá 39,5 độ C.

Không nên để chó ở ngoài nắng gắt quá lâu. Bác sĩ Trân khuyến cáo nếu chó bị sốc nhiệt, chủ nuôi cần biết các bước xử trí ban đầu tại nhà, như đưa chó vào nơi có nhiệt độ vừa phải, mát mẻ, cho chó uống nhiều nước để hạ nhiệt, làm ướt cơ thể chó từ từ, dùng cồn lau gan bàn chân chó. Sau khi sơ cứu tại nhà, lập tức đưa chó đến phòng khám thú y gần nhất để được chữa trị.

Ngoài ra, chủ nuôi cần tuân thủ các quy định về tiêm ngừa văcxin, thực hiện tẩy giun định kỳ cho thú cưng nhằm ngăn chặn nhiều mầm bệnh tiềm ẩn trên thú, từ đó hạn chế ảnh hưởng đến bản thân người nuôi và cộng đồng.

"Con đường lây bệnh nhanh nhất là tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chăm sóc, chơi đùa giữa chủ và chó. Ngoài ra, đối với những ai có thói quen dẫn chó đi dạo ở nơi công cộng, chó vẫn có thể bị lây bệnh cho nhau thông qua việc rượt đuổi, chơi đùa" - bác sĩ Trân nói.

Để tránh lây nhiễm bệnh từ chó, các bác sĩ thú y khuyến cáo người nuôi phải nhất thiết phòng bệnh cho chó, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay.

Xử trí khi bị chó tấn công

Theo bác sĩ Bùi Thanh Thảo (Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM), có ba bước xử trí khi bị chó tấn công:

* Bước 1: Khi bị chó cắn, nếu chỗ cắn ở vùng có quần áo thì cần phải cởi, hoặc nhanh chóng cắt quần áo để lộ vết cắn.

* Bước 2: Kiểm tra vết cắn:

- Nếu vết cắn sâu rộng, có chảy máu nhiều phải dùng gạc sạch băng ép lại, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

- Nếu vết cắn nông, cần rửa vết cắn dưới vòi nước với xà phòng, sau đó lau khô, sát trùng lại bằng các dung dịch sát trùng như cồn, povidin, oxy già và băng bó vết thương.

* Bước 3: Chở người bị chó cắn đi tiêm ngừa dại tại các cơ sở y tế có dịch vụ tiêm ngừa như Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc các trung tâm y tế quận, huyện.

Chó dữ cắn người, lỗi vì đâu?

Mới đây, phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) cùng đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 đã phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm ngặt tình trạng chó thả rông không rọ mõm trên địa bàn khu vực quận 1. Tại đây phát hiện 2 con chó đang đi trên vỉa hè, đoàn vây bắt nhưng chủ nhà chạy ra phản ứng dữ dội.

Nhiều chủ nuôi tâm sự họ mong muốn chó của mình không bị stress do tù túng, mà cần phải được thoải mái vận động để phát triển tốt về mặt thể chất và tinh thần. Chính vì thế, đại đa số người nuôi "vô tình" yêu thương chưa đúng cách, điều đó ảnh hưởng gián tiếp đến sự an toàn của những người xung quanh.

Lý giải vấn nạn này, theo đại diện dự án Nuôi thú cưng có trách nhiệm - bác sĩ Trân nói nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ chủ nuôi có ý thức kém, như thả rông chó ở nơi công cộng, không rọ mõm, không đeo dây dẫn cho chó khi dắt ra đường.

Đồng thời, với tâm lý ỷ lại vào thú nuôi của mình mà chủ nuôi không nghĩ chó là động vật sống theo bản tính, có chiều hướng hành xử theo bản năng hoang dã nếu không biết huấn luyện, nuôi dạy đúng cách.

Tâm tính của chó phụ thuộc rất nhiều vào cách nuôi dạy của chủ. Không chăm sóc và dạy dỗ đúng cách, bài bản sẽ dẫn đến sự bất ổn tâm lý thú cưng.

Bất ổn tâm lý thú cưng không chỉ thực sự nằm ở chó, mà chính là ở người nuôi. Nếu không được đối xử tốt thì cả chó và cộng đồng sẽ là nạn nhân của chủ nuôi thiếu trách nhiệm. 

Tình yêu và trách nhiệm phải song hành. Người nuôi cần yêu có lý trí, yêu có trách nhiệm với thú nuôi, bản thân và cộng đồng.

Mỗi năm có khoảng 500.000 người bị chó cắn

Theo Sở Y tế Kon Tum, trong 4 trường hợp tử vong do chó cắn ở tỉnh vừa qua có 3 trường hợp bị chó cắn 2-3 tháng trước thời điểm phát bệnh và cả 4 trường hợp tử vong đều không tiêm văcxin, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Hiện các quy định quản lý chó nuôi đều đã có nhưng không ai giám sát. Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết chỉ khoảng 40% chó nuôi được tiêm phòng bệnh dại, số còn lại không được tiêm, dẫn tới việc mỗi năm có khoảng 500.000 người phải điều trị do bị chó cắn và 80-100 người tử vong.

T.T.NHI - L.ANH

Đang dọn vệ sinh tại trường, nữ lao công bị chó cắn nguy kịch Đang dọn vệ sinh tại trường, nữ lao công bị chó cắn nguy kịch

TTO - Một nữ lao công đang dọn vệ sinh ở hành lang Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh thì bị con chó của một học viên thả rông cắn đến nguy kịch đến tính mạng.

XUÂN MAI - LÊ TỨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên