Lực lượng chức năng địa phương đến kiểm tra, bắt nhốt đàn chó cắn cháu bé - Ảnh: DANH TRỌNG
Chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an bắt đàn chó trên để nhốt lại, tuy nhiên mới bắt được 7 con, vẫn còn 2 con chưa bắt được. Tối nay lực lượng chức năng sẽ bắt 2 con còn lại, sau đó giao cho lực lượng công an và thú y xử lý.
Ông NGUYỄN VĂN HỌC (chủ tịch UBND huyện Kim Động, Hưng Yên)
Sự việc đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên đã gây nên sự mất mát đau thương cho gia đình nạn nhân và gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân trước tình trạng nhiều người nuôi chó thả rông.
Chờ điều tra của công an
Mặc dù đã hai ngày trôi qua nhưng người dân tại thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, Hưng Yên) vẫn chưa hết hoang mang. Nhiều người vẫn rủ nhau ra hiện trường bàn tán về sự việc đau lòng và nói về đàn chó dữ.
Sau khi đưa thi thể cháu N.Đ.N. (nạn nhân) về Bắc Ninh mai táng, bà Lê Thị An (chủ đàn chó) đã quay về nhà làm việc với công an và chính quyền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo huyện Kim Động cho biết tối 4-4, công an đã bắt nhốt toàn bộ đàn chó. Hiện công an đang quản lý đàn chó và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra đàn chó xem có bị bệnh dịch hay chủ nuôi có thực hiện theo đúng quy định hay không.
"Từ trước đến nay phía huyện không nhận được thông tin phản ảnh từ người dân về đàn chó này thường xuyên đuổi cắn người. Huyện thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo người dân nuôi nhốt chó theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc xử lý chủ nuôi và đàn chó đang phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an" - vị lãnh đạo này nói.
Đây không phải là lần đầu, chuyện nuôi chó thả rông không có người đi kèm, không rọ mõm tại nơi công cộng tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng cho những người khác.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
Chủ nuôi chó: bồi thường, bị phạt tiền, phạt tù
Liên quan vụ việc này, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi thả rông chó không rọ mõm của chủ chó dẫn đến việc đàn chó cắn chết cháu bé 7 tuổi có dấu hiệu của tội "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo điều 295 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, theo luật sư Thanh, về trách nhiệm dân sự, chủ chó phải bồi thường cho người bị thiệt hại, gia đình người bị thiệt hại theo điều 603 Bộ luật dân sự quy định về "bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra".
Luật sư Mai Thảo (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo nghị định 90/2017, bắt đầu từ ngày 15-9-2017, nếu chủ nuôi động vật không đeo rọ mõm cho chó, để chó cắn người khi ra đường, nơi công cộng thì người nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: không tiêm văcxin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp động vật gây hại cho người khác thì tùy từng trường hợp, chủ nuôi động vật, người chiếm hữu sử dụng súc vật trái pháp luật hoặc người thứ ba có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi không tuân thủ các nguyên tắc về nuôi chó như rọ mõm, nhốt, xích dẫn đến mất an toàn nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật hình sự.
Ngay cả trong trường hợp gia đình cháu bé và chủ đàn chó thỏa thuận "giải quyết bằng tình cảm" không nhờ đến pháp luật can thiệp cũng phải tùy thuộc vào quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự có cho phép hay không.
"Trong trường hợp này, nếu cơ quan công an trong quá trình xác minh, xác định đủ căn cứ xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật hình sự thì các đương sự không có quyền quyết định, thỏa thuận đối với việc có xử lý hình sự hay không" - luật sư Cường cho hay.
Người nuôi chó có trách nhiệm gì?
Đàn chó cắn tử vong bé trai 7 tuổi đã được bắt nhốt, tuy nhiên vẫn còn một số con chưa bắt được - Ảnh: DANH TRỌNG
Nghị định 05/2007 về phòng chống bệnh dại của Chính phủ đã quy định rõ: chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường; phải xích, nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.
Nghị định cũng quy định chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi. Nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải nhốt ngay con vật đó để theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, phường biết.
Có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm
Theo điều 295 Bộ luật hình sự về tội "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", trường hợp chó không rọ mõm, cắn người gây thương tích tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ thương tích 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tính mạng thì chủ chó có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận