02/04/2015 09:43 GMT+7

​Tranh luận việc xử lý hình sự pháp nhân

LÊ KIÊN - TÂM LỤA
LÊ KIÊN - TÂM LỤA

TT - Ngày 1-4, phiên thẩm tra dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp kết thúc nhưng những tranh luận về việc có hay không quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân (tổ chức, doanh nghiệp...) vẫn chưa ngã ngũ.

Ảnh: V.Dũng
"Trong xu hướng phát triển các doanh nghiệp hiện nay mà đưa hình sự hóa pháp nhân là không hợp lý"
Bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp)

Cả hai phía đều dẫn chứng các vụ việc điển hình như Vedan (Đồng Nai), Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa)... để bảo vệ quan điểm của mình.

Không thể bỏ tù pháp nhân

Dự thảo luật do Chính phủ trình đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế, cụ thể là 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Lý giải thêm về quy định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng đã đến lúc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vì trong rất nhiều hành vi vi phạm thì quyết định vi phạm là quyết định của cả tập thể (ví dụ như hội đồng quản trị).

Không đồng tình với dự thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết qua nhiều lần làm luật, ban soạn thảo kiên trì đưa ra vấn đề trách nhiệm hình sự pháp nhân và đều bị bác bỏ.

“Tôi lấy ví dụ vụ Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, vụ Công ty Hào Dương, vụ Công ty Nicotex chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, các vụ này đã xử lý như thế nào để nói là xử lý hành chính không hiệu quả? Về hành chính, chúng ta đã có đầy đủ quy định về phạt tiền, tước giấy phép...

Ở các vụ này, theo chúng tôi là chưa làm hết trách nhiệm” - bà Nga dẫn chứng. Theo bà, trong xu hướng phát triển các doanh nghiệp hiện nay mà đưa hình sự hóa pháp nhân là không hợp lý. Bên cạnh đó, việc đưa quy định này vào là vướng về tố tụng, cần bổ sung rất nhiều quy định mới về điều tra, truy tố, xét xử pháp nhân.

Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Công Phàn cũng cho rằng chưa nên đặt vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì Hiến pháp quy định chỉ đặt vấn đề trách nhiệm hình sự của con người.

“Nói về hình sự là phải có lỗi và hành vi, vì pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội thông qua cá nhân nên cần cá thể hóa. Cơ chế xử lý pháp nhân hiện nay không phải không có” - ông Phàn phân tích.

Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thành Bộ (chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa) bình luận: “Vụ Vedan hay vụ Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa thì áp dụng mức phạt hành chính cũng xử lý được, còn nếu hình sự hóa thì cũng không bỏ tù được pháp nhân mà thông qua phạt tiền và các hình phạt tương tự như phạt hành chính”.

Ủng hộ quan điểm của ban soạn thảo dự luật, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trước đây luật không quy định xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân là do VN cũng như các nước khối XHCN khác không có kinh tế thị trường.

“Bây giờ chúng ta thực hiện kinh tế thị trường, hậu quả do các pháp nhân phạm tội gây ra rất nguy hiểm cho xã hội (hủy hoại môi trường, trốn thuế...). Đây là nhu cầu thực tế đòi hỏi phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân” - ông Nghĩa bày tỏ.

Ảnh: L.Kiên
"Bây giờ chúng ta thực hiện kinh tế thị trường, hậu quả do các pháp nhân phạm tội gây ra rất nguy hiểm cho xã hội (hủy hoại môi trường, trốn thuế...). Đây là nhu cầu thực tế đòi hỏi phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân"
Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Chuyển phạt tiền sang phạt tù

Dự thảo bộ luật bổ sung quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu đặt vấn đề việc chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù có đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về giảm hình phạt tù không? Có người phải chấp hành nhiều bản án khác nhau thì xử lý như thế nào?

Trong khi đó, thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng quy định này sẽ rất khó thực hiện vì khi người phạm tội không chấp hành hình phạt tiền thì bị xử lý về tội không chấp hành án.

“Nếu đặt ra thì quy định thế nào? Bao nhiêu tiền thì quy thành bao nhiêu ngày tù? Theo tôi, nên giữ nguyên quy định hiện hành” - ông Vương đề xuất.

Lý giải thêm về quy định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng cần thiết bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền là đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.

Nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu, không hiệu quả và hầu như tội không chấp hành án không được xét xử trên thực tế. 

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình 7/22 tội danh

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh có quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành. Đó là các tội: cướp tài sản, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chống mệnh lệnh, đầu hàng địch, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đề xuất đối với một số tội hiện nay trên thực tế không áp dụng hình phạt tử hình như sản xuất, mua bán thuốc chữa bệnh, hiếp dâm trẻ em thì ban soạn thảo cần cân nhắc có nên quy định tiếp hay không.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng về vấn đề giảm hình phạt tử hình là cần thiết nhưng cần cân nhắc có nên bỏ tử hình đối với tội cướp tài sản hay không vì đây là tội rất nguy hiểm, nhiều hành vi cướp tài sản mà người phạm tội chặt tay nạn nhân lấy đồ trang sức gây tổn hại sức khỏe rất lớn...

 

LÊ KIÊN - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên