25/03/2015 09:10 GMT+7

​Đề nghị bỏ hình phạt tử hình 7 tội danh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Bảy tội danh gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Phong Hòa phát biểu tại hội thảo về dự án sửa đổi Bộ luật hình sự - Ảnh: L.Kiên

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại hội thảo “Một số định hướng cơ bản của dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)” được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Hòa Bình ngày 24-3.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết một trong những định hướng lớn nhất của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này là hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.

“Chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít trường hợp phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo, xâm phạm tính mạng của con người (như giết người dã man; giết người cướp của; giết người và hiếp dâm; giết người vì động cơ đê hèn...); đe dọa nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi (một số tội phạm về ma túy)...” - ông Tụng nói.

Bên cạnh quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như hiện nay, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bổ sung thêm đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 70 tuổi trở lên.

Cụ thể, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với bảy loại tội danh, bao gồm tội: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Dự thảo cũng chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy; còn các tội danh khác liên quan tới ma túy thì mức hình phạt cao nhất là chung thân.

Hầu hết ý kiến phát biểu tại hội thảo đồng tình với chủ trương cần giảm các tội có hình phạt tử hình, nhưng riêng với các tội về tham nhũng thì vẫn phải giữ hình phạt tử hình để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm này ở nước ta.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, nói: “Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội nhận hối lộ, tội tham ô nhưng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay thì chưa nên bỏ”.

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cũng cho rằng giữ lại hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng là thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Phong Hòa nói giảm án tử hình là đúng. “Nhưng còn có những cái cần tính toán thêm, ví dụ như tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Đúng là rất đau lòng vì có những trường hợp chỉ vận chuyển thuê. Nhưng cần phải xét thực tế là có những tuyến biên giới, có những đêm chúng tôi tính được có tới 60 toán vận chuyển ma túy, có vũ trang, gặp là chúng tấn công, bắn anh em mình luôn” - ông Hòa phân tích.

Bổ sung tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân

Dự thảo luật bổ sung ba tội danh mới là tội xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân; tội làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

Tăng nặng hình phạt đối với sáu tội, bao gồm tội: xâm phạm chỗ ở của người khác; xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên