21/07/2019 12:01 GMT+7

Tranh luận câu đơn câu ghép như Hư Trúc và Đoàn Dự trò chuyện thôi!

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Từ vài ngày nay, mạng xã hội và báo chí bàn luận sôi nổi về một câu hỏi trong đề ngữ văn kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2019-2020 của tỉnh Bình Thuận.

Tranh luận câu đơn câu ghép như Hư Trúc và Đoàn Dự trò chuyện thôi! - Ảnh 1.

Từ trên xuống: Trang 112 sách Ngữ văn lớp 8 tập 1 (nơi có định nghĩa câu ghép), một phần đề thi và hướng dẫn chấm - Ảnh: TRƯỜNG LÂN

Câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời câu (2) trong đoạn trích từ Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là câu đơn hay câu ghép: "Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên (1). Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá (2)".

1. Hướng dẫn chấm của Sở Giáo dục và đào tạo dành 0,25 điểm cho thí sinh trả lời (2) là câu đơn, 0,5 điểm cho việc xác định chủ ngữ (Người con trai ấy) và vị ngữ (đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá).

Tuy nhiên, có giáo viên cho rằng (2) là câu ghép vì "Người con trai ấy đáng yêu thật" là một câu có đủ cụm chủ vị; "nhưng làm cho ông nhọc quá" là một câu ẩn chủ ngữ.

Ý kiến của các nhà ngôn ngữ học cũng phân tán: người cho (2) là câu đơn, người chọn (2) là câu ghép. Sự phân tán này bắt nguồn từ hai quan điểm ngữ pháp khác nhau: phân tích câu theo kết cấu chủ - vị hay theo chức năng đề - thuyết.

Những người theo quan điểm thứ nhất lại chia thành hai nhóm: một nhóm xem "làm cho ông nhọc quá" là vị ngữ thứ hai của chủ ngữ "Người con trai ấy"; nhóm kia xem "làm cho ông nhọc quá" là một câu ẩn chủ ngữ. Điều này làm nảy sinh câu hỏi: khi nào một thành phần câu được xem là câu có chủ ngữ ẩn?

Ngoài ra, có nhà ngôn ngữ học đề nghị tránh đưa những câu hỏi tương tự vào đề thi trừ phi muốn khuyến khích học sinh suy luận và thể hiện những góc nhìn khác nhau.

Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận đã điều chỉnh cách chấm theo hướng có lợi cho thí sinh: trả lời (2) là câu đơn hay câu ghép đều được 0,25 điểm. Một số người hoan nghênh sự điều chỉnh này nhưng số khác lại cho rằng đây là cách giải quyết "ba phải" và gián tiếp thừa nhận sai lầm của hướng dẫn chấm chính thức.

Như vậy, câu (2) là đơn hay ghép chưa được trả lời dứt khoát về mặt khoa học vì ngay các nhà ngôn ngữ học cũng có ý kiến ngược nhau. Đề nghị của một nhà ngôn ngữ học về việc tránh đưa những câu hỏi như vậy vào đề thi là hợp lý, ít nhất trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nếu thoát khỏi đề thi đang nói để hướng đến toàn chương trình và sách giáo khoa phổ thông (thay đổi từ năm học 2020-2021), dạng câu hỏi yêu cầu học sinh lập luận và thể hiện ý kiến cá nhân sẽ trở nên cần thiết ở mọi cấp học.

2. Tự hào mình giỏi chữ Hán, Lê Quý Đôn (1726-1784) từng treo trước nhà tấm biển "Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn" (Ai không hiểu chữ gì thì đến đây hỏi).

Tuy nhiên, ông đã gỡ biển sau khi không viết được hai chữ chi do một cụ già đọc (vì tiếng Hán có nhiều chữ chi) và không giải được câu đố về chữ nhất của một nhà sư. Ngôn ngữ học nói riêng và tri thức khoa học nói chung là vô tận nên không ai có thể am hiểu tất cả.

Tranh luận về câu đơn, câu ghép vẫn tiếp tục trên mạng xã hội và trên mục bình luận của một số tờ báo. Ý kiến của người tham gia tranh luận cũng trái ngược nhau, đôi lúc gay gắt vì ai cũng cho mình đúng.

Có lẽ đã đến lúc tạm dừng tranh luận tính đúng, sai của câu trả lời cho đến khi người tham gia tranh luận đạt được thỏa thuận chung về cơ sở lý thuyết sẽ sử dụng.

Nếu không, kết quả cũng giống như cuộc trò chuyện giữa Hư Trúc và Đoàn Dự tại cung Linh Thứu (Thiên Long bát bộ - Kim Dung): cả hai nói về hai người khác nhau nhưng lại tưởng cùng nói về một người.

Từ Từ 'thả thính' đến 'chuẩn không cần chỉnh'

TTO - Tiếng Việt có nhiều thành ngữ so sánh, ví von rất tinh tế, hóm hỉnh và thâm thúy. Cùng với sự phát triển nói chung, ngôn ngữ so sánh, ám chỉ trong tiếng Việt cũng không ngừng được sáng tạo, phát triển.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên