21/05/2019 10:26 GMT+7

Khi nào thì 'Vua', khi nào là 'Hoàng đế'?

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

TTO - Nhân sự kiện Nhật hoàng đăng quang vừa qua, nhiều ý kiến không đồng tình với các bài báo gọi Nhật hoàng là 'hoàng đế' và nêu thắc mắc: Nhật hoàng có tương đương về nghĩa với cụm từ 'Hoàng đế của nước Nhật' không?

Khi nào thì Vua, khi nào là Hoàng đế? - Ảnh 1.

Thái tử Naruhito (người sẽ kế vị "Ngai vàng Hoa Cúc" vào ngày 1-5) và Thái tử phi Masako dự lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito - Ảnh: REUTERS

Việc gọi nhà vua Nhật là "hoàng đế" có gì sai không?

Theo thạc sĩ sử học Trần Lan Phương, Nhật hoàng hay còn gọi Thiên hoàng vốn tương đương nghĩa với cụm từ "hoàng đế của nước Nhật".

Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, Nhật hoàng không còn đầy đủ quyền hạn như trước (chỉ còn mang tính hình thức, nghi lễ; vua với tư cách là người đứng đầu nhà nước, là biểu tượng của dân tộc) nên sử dụng khái niệm "hoàng đế của nước Nhật" không còn phù hợp nữa, mà chỉ gọi Nhật hoàng với ý nghĩa tôn kính truyền thống.

Theo Từ điển tiếng Việt, các từ hoàng đế, quốc vương, vua là những từ đồng/gần nghĩa, đều nhằm chỉ "Người đứng đầu nhà nước quân chủ, thường lên cầm quyền bằng con đường kế vị".

Phân biệt rạch ròi hơn, vua/quốc vương là "vua một nước", còn hoàng đế là "vua của một nước lớn, thường được nhiều nước xung quanh thần phục".

Thực ra trong thực tế lịch sử, không nhất thiết vua một nước nhỏ là "vương", còn vua một nước lớn, nhiều chư hầu mới được quyền xưng "đế", như trường hợp vua nước ta từng tự hào xưng đế trong bài thơ "Thần" của Lý Thường Kiệt: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư".

Các đời vua ở nước ta sau này hầu hết thụy hiệu đều lấy danh xưng hoàng đế, như các vua: Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, Lý Thái Tổ là Thần Vũ Hoàng đế, Trần Thánh Tông là Tuyên Hiếu Hoàng đế, Lê Thánh Tông là Thuần Hoàng đế, Quang Trung là Vũ Hoàng đế, Gia Long là Cao Hoàng đế...

Về từ "hoàng đế", nhiều giả thuyết nêu nguồn gốc của nó là một tên riêng. Có ý kiến cho rằng tương truyền Hoàng Đế là tên hiệu của vị vua thời tối cổ Trung Hoa, là người nghĩ ra cách dùng cây cỏ để chữa bệnh, được coi là thánh tổ của ngành đông y.

Ý kiến khác cho rằng danh xưng Hoàng Đế chỉ xuất hiện từ thời vua Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên), vì muốn có sự khác biệt so với các vị vua khác cùng thời (đều đã bị ông khuất phục/tiêu diệt) nên tự xưng mình là Tần Thủy Hoàng Đế (có nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần).

Con ông sau này kế vị xưng là Tần Nhị Hoàng Đế. Và từ đó, từ Hoàng Đế (viết hoa) là tên hiệu của người đứng đầu cao nhất của xã hội phong kiến phương Đông, dần biến thành danh từ chung "hoàng đế" để chỉ vua nói chung, không còn phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm vua nước lớn (đế) với vua nước nhỏ (vương) nữa.

Trường hợp tên riêng Hoàng Đế trở thành danh từ chung hoàng đế như trên thuộc hiện tượng chung hóa danh từ riêng khá quen thuộc trong từ vựng tiếng Việt. Một số trường hợp tương tự như các tên riêng Sở Khanh, Mạnh Thường Quân, Đạo Chích...

Hiện nay, theo kết quả quan sát, chúng tôi nhận thấy việc dùng từ hoàng đế hay quốc vương/vua để chỉ người đứng đầu của một nước theo chế độ quân chủ tùy theo tập quán sử dụng ngôn ngữ của từng cộng đồng và theo từng thời kỳ lịch sử, chứ không nhất thiết phân biệt vua nước lớn hay vua nước nhỏ.

Vương triều, triều đại, hoàng triều

Cũng có những ý kiến thắc mắc về từ ngữ "triều đại mới/triều đại Lệnh Hòa" dùng để chỉ triều Tân Thiên hoàng Naruhito ở Nhật Bản. Có người cho rằng "triều đại" chỉ được dùng khi có sự thay đổi dòng họ nắm giữ ngai vàng, chứ không thể dùng khi một ông vua cùng thuộc dòng họ cũ kế vị.

Quả nhiên, nghĩa gốc của từ "triều đại" đúng như nhận xét trên. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, nghĩa của từ "triều đại" đã mở rộng dần ra, không còn hạn hẹp trong khái niệm chỉ thời gian trị vì của một họ tộc, mà còn chỉ từng đời vua kế vị cùng trong dòng tộc.

Từ điển tiếng Việt đã ghi nhận nét nghĩa phái sinh này và giải nghĩa từ "triều đại" là "Thời gian trị vì của một ông vua hay một dòng vua, ví dụ: Triều đại Quang Trung. Triều đại nhà Trần. Các triều đại phong kiến." [Hoàng Phê (1995), Từ điển tiếng Việt].

Tuy nhiên, nhằm tránh gây cảm giác lạ lẫm hay nhầm lẫn đối với bạn đọc, các tác giả có thể/nên sử dụng các từ đồng/gần nghĩa với từ triều đại như "vương triều" (triều vua), "hoàng triều" (triều đình của vua đang trị vì).

Tiếng nước tôi: Người Nam Bộ nói rút gọn Tiếng nước tôi: Người Nam Bộ nói rút gọn

TTO - Người Nam Bộ hay nói rút gọn. Trong giao tiếp hằng ngày, thay vì nói "chút xíu" người ta thường nói "xíu".

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên