07/05/2019 15:42 GMT+7

Từ 'thả thính' đến 'chuẩn không cần chỉnh'

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTO - Tiếng Việt có nhiều thành ngữ so sánh, ví von rất tinh tế, hóm hỉnh và thâm thúy. Cùng với sự phát triển nói chung, ngôn ngữ so sánh, ám chỉ trong tiếng Việt cũng không ngừng được sáng tạo, phát triển.

Từ thả thính đến chuẩn không cần chỉnh - Ảnh 1.

Từ so sánh trực quan

Ví von, so sánh theo kiểu "nói trắng ra", "nói thẳng thừng" là một hình thức thể hiện mang tính trực diện mà người Việt chúng ta, dù ở vùng miền nào cũng thường sử dụng.

Có thể kể ra rất nhiều thành ngữ như thế khi "nhận xét" về tính cách một người nào đó: "ngọt như mía lùi", "nhát như thỏ đế", "khô như ngói", "nổ như bom", "nghịch như khỉ", "ác như quỷ", "tính nóng như lửa" hay "gắt như mắm tôm", "bám dai như đỉa đói", "cười nhạt như nước ốc", "nói dối như Cuội", "oai như tổng cóc", "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng"...

Còn ám chỉ sự nhanh, chậm hay hời hợt thì lại có: "nhanh như sóc (hay như chớp)", "chậm như rùa", "lề mề như bà già", "lừ đừ như ông từ vào đền", "lẩn như chạch"...

Trong khi đó, để so sánh về kích cỡ, tính chất, mức độ... một cái gì đó lại có: "tình ngãi như bát nước đầy", "chật như nêm cối", "to như cái đình", "nhỏ như lỗ kim", "ngắn tày gang", "đen như mực", "vàng như nghệ, đỏ như gấc", "cứng như thép nguội", "trong như nước ao bèo", "tóc cứng như rễ tre", "hàm răng mái hiên" hoặc "hàm răng 9630 (một kiểu đội hình thể dục)", "mắt sắc như lưỡi dao", "đầu óc bã đậu (hay củ chuối)", "mỡ treo miệng mèo"...

Kiểu nói, viết dùng thành ngữ ám chỉ nói trên mang yếu tố trực quan, dễ thấy, dễ kiểm chứng và công nhận. Vì vậy, mọi đối tượng người nói (viết), nghe (đọc) ở mọi trình độ học vấn, dân trí đều có thể nhớ, biểu thị, cảm nhận được.

Đến "nói xa hiểu gần"

Cũng là một dạng thành ngữ ám chỉ nhưng để biểu thị thái độ đánh giá khen - chê, người ta so sánh ví von kiểu nói bóng gió, có thể tạm gọi là "nói xa hiểu gần".

Đặc điểm của hình thức ví von, so sánh bóng gió này đôi khi người nghe (đọc) phải có thời gian động não suy ngẫm mới hiểu được đầy đủ ngọn ngành ý tứ thâm thúy mà người nói (viết) muốn chuyển tải, gửi gắm.

Và những thành ngữ như thế cũng rất phong phú: "con voi chui lọt lỗ kim", "giàu nứt đố đổ vách", "nói chắc như đinh đóng cột", "chỉ/chuyên cưỡi ngựa xem hoa", "miệng ăn núi lở", "nghèo kiết xác", "to xác như cái bồ", "bé hạt tiêu", "thẳng như ruột ngựa", "thật thà như đếm", "hiền như cục đất (hay củ khoai)", "ăn như rồng cuốn, làm như mèo mửa", "nước mắt cá sấu", "đồ trẻ trâu" hay "đồ trẻ ranh", "người đâu ngang như cua" và sau này là "dân phố Hàng Ngang", "nói cứ như nước đổ đầu vịt (lá môn)", "đàn gảy tai trâu", "giỏ nhà ai quai nhà ấy", "rau nào sâu ấy"...

Sau này sự ví von, so sánh trong dân gian cũng "tiến hóa" theo thời cuộc và nhiều từ, thành ngữ mới được liên tục bổ sung vào kho tàng tiếng Việt. Khi ra đường gặp ùn tắc giao thông, người ta buột miệng: "người đâu mà đông như quân Nguyên", thấy xe tải chạy ẩu họ bảo "gặp hung thần xa lộ".

Còn với người đua xe máy trái phép thì đã có "tên riêng" là "quái xế", kẻ hay ăn vạ được gắn tên "thằng Chí (Phèo)", người thờ ơ là "mackeno "(mặc kệ nó)! Cũng còn phải kể đến những thành ngữ vui tai như "nhanh như điện tiện như xe", "nhanh như tên lửa", "lù lù như cái tàu điện", "gầm rú như máy bay phản lực", "nổ như đại bác" hoặc "nói nhanh như súng bắn liên thanh".

Rồi cũng là so sánh, ám chỉ, khi một người có địa vị nghỉ hưu, người ta bảo: "hạ cánh an toàn". Còn nếu họ bị kỷ luật, bãi nhiệm, không còn nể trọng thì lại nói "đã về vườn", "ngồi chơi xơi nước rồi"!

Từ "thả thính" đến "chuẩn không cần chỉnh"

Những năm gần đây, trong dân gian, nhất là giới trẻ xuất hiện không ít thành ngữ "đặc sản", lúc đầu nghe khá lạ tai nhưng dần cũng thành quen. Họ đặt đơn vị triệu đồng là "chai", đơn vị trăm ngàn là "lít"...

Bên cạnh đó, còn rất nhiều thành ngữ quen thuộc như: "nhỏ như con thỏ", "chuẩn không cần chỉnh", "chuẩn như vi khuẩn", "nói ngắn cho nó vuông", "oách xà lách", "hoành tá tràng", "đầu to óc trái nho", "hố tử thần", "phố biến thành sông", "đi xe dân biểu" (đi xe xích lô hay taxi), "đi xe của bộ" (cuốc bộ), "thả thính" (buông lời tán gái/trai), "học hành thì ấm cái thân nhưng mà đi ngủ còn ấm từ chân đến đầu".

Lắt léo tiếng Việt: Giò me, me Tây, canh me và con... me Lắt léo tiếng Việt: Giò me, me Tây, canh me và con... me

TTO - Giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, chú em cùng trường người Nghệ An gọi điện thoại hồ hởi: 'Anh có ăn giò me không, ở ngoài quê mới gửi vào, em đem đến cho anh nhé?'.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên