Theo Đài CNN (Mỹ) ngày 8-8, việc một nhóm 15 người di cư được đưa lên con tàu Bibby Stockholm tại cảng Portland trên bờ biển Dorset, tây nam nước Anh hôm 7-8 đang dấy lên nhiều tranh cãi ở nước này.
Anh đưa người di cư lên 'nhà tù nổi' gây nhiều tranh cãi
Hồi tháng 4-2023, Chính phủ Anh công bố kế hoạch đưa 500 người đàn ông độc thân lên một con tàu. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp của Chính phủ Anh nhằm cắt giảm chi phí nhà ở cho người di cư ở các khách sạn (1,9 tỉ bảng Anh, tương đương 2,4 tỉ USD, vào năm 2022), đồng thời giải quyết các yêu cầu tị nạn đang tồn đọng và chưa thể xử lý ở nước này.
Theo ABC News, con tàu Bibby Stockholm thuộc sở hữu của Bibby Marine có trụ sở tại Anh. Nó gồm 3 tầng với các phòng ngủ san sát nhau và thường được sử dụng như nơi ở tạm thời cho công nhân. Con tàu cũng có khu vực bếp, ăn uống, phòng sinh hoạt chung và khu giặt giũ.
Liên đoàn Cứu hỏa Vương quốc Anh (FBU) hôm 2-8 gọi con tàu là "cái bẫy tử thần". Trợ lý tổng thư ký của FBU, ông Ben Selby, lo ngại về việc con tàu chỉ được trang bị cho khoảng 222 người, ít hơn nhiều so với con số 500 người mà chính phủ muốn đưa lên.
"Trong trường hợp cháy, làm sao lính cứu hỏa có thể thực hiện các biện pháp cứu hộ cần thiết khi phải vượt qua những hành lang hẹp và mọi người thì tìm cách chạy thoát thân?", ông Selby nói với SkyNews.
Trong khi đó, giám đốc điều hành Jenny Harries của Cơ quan An ninh y tế Anh đưa ra cảnh báo về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể lây lan vì không gian chật chội ở trên tàu.
"Nói chung, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như những gì chúng ta được chứng kiến từ đại dịch (COVID-19) có nguy cơ (lây nhiễm) cao trong môi trường với những hạn chế nhất định và hệ thống thông gió tồi tệ", bà Harries nói với Đài BBC Radio 4 hôm 7-8.
Cơ quan An ninh y tế Anh cho biết sẽ trực tiếp đến con tàu này để xem xét hệ thống thông gió và đánh giá việc kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm.
Nhiều người dân địa phương đã phản đối kế hoạch của chính phủ vì lo lắng về tác động với cộng đồng địa phương vốn đã thiếu các dịch vụ y tế và chỉ được kết nối với đất liền bằng một con đường độc đạo.
Các nhóm bảo vệ quyền lợi cho người nhập cư cũng lên tiếng phản đối, cho rằng để người xin tị nạn ở đây là không phù hợp, theo ABC News.
Bài toán người di cư nan giải
Số lượng người vượt biên giữa Anh và Pháp tăng vọt trong năm 2023 do ảnh hưởng từ tình hình an ninh, xung đột, bất bình đẳng toàn cầu và khủng hoảng khí hậu.
Theo dữ liệu của Chính phủ Anh năm 2022, có 45.755 người đã vượt biển trên những chiếc thuyền nhỏ, gây áp lực lên hệ thống nhập cư vốn đã khủng hoảng.
Trong nửa đầu năm 2023, nước này cũng ghi nhận 11.500 người băng qua eo biển Manche (giữa Anh và Pháp) trên những con thuyền nhỏ. Con số này giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, song hầu hết các chuyến vượt biển của người di cư diễn ra vào nửa cuối năm, theo CNN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận