05/01/2018 22:57 GMT+7

Tranh cãi chuyện “ngồi không ăn lương”

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Thế giới liệu có tốt lên khi người dân luôn có sẵn một khoản tiền định mức mỗi tháng từ chính phủ? Họ sẽ yên tâm đột phá về tư duy, hay thay vào đó là an phận và lười nhác?

Tranh cãi chuyện “ngồi không ăn lương” - Ảnh 1.

Thu nhập cơ bản phổ quát có nên được coi là "phương thuốc chữa bách bệnh" cho xã hội? - Ảnh: REUTERS

Những câu hỏi trên được xới lại vào những ngày đầu năm 2018. Đã một năm trôi qua kể từ lúc Phần Lan trở thành nước châu Âu đầu tiên thử nghiệm mô hình trợ cấp vô điều kiện cho công dân.

Không làm gì cũng có tiền

Chính phủ Phần Lan chọn ngẫu nhiên 2.000 người thất nghiệp trong độ tuổi từ 25 tới 58 để tham gia thí nghiệm xã hội này. Trong thời gian hai năm của chương trình (từ 1-1-2017 tới hết năm 2018), mỗi tháng họ sẽ được rót đều đặn 560 euro vào tài khoản, bất kể sau ngày 1-1-2017 họ có tìm được công việc mới hay chưa. Số tiền này được chọn vì nó bằng với mức trợ cấp xã hội hiện nay của Phần Lan, tức chưa tới 1/5 so với thu nhập trung bình của người làm trong các khu vực tư nhân.

Thí nghiệm của Phần Lan ban đầu chỉ nhắm vào người thất nghiệp, nhưng nếu mô hình này thực sự thành công, nó được kỳ vọng sẽ nhân rộng ra toàn quốc thành "thu nhập cơ bản phổ quát" (universal basic income - UBI), không phân biệt giàu nghèo hay công việc.

Dù Phần Lan chỉ công bố kết quả thí nghiệm sau khi chương trình kết thúc, thực tế đang có một làn sóng thử nghiệm mô hình này. Một khảo sát năm 2016 của Hãng Dalia Research cho thấy 68% người dân thuộc các nước Liên minh châu Âu (EU) "hoàn toàn hoặc có khả năng" đồng ý với UBI.

Các thí nghiệm UBI cũng được xúc tiến tại thành phố Livorno (Ý), khi từ tháng 6-2016 chính quyền "tặng" 500 euro/tháng cho 100 người nghèo nhất nơi đây trước khi mở rộng lên 100 người nữa vào tháng 1-2017. Mô hình này cũng đang xuất hiện dù đôi khi có sự điều chỉnh ở các thành phố tại Hà Lan, Mỹ, Canada, thậm chí Kenya.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) định nghĩa "thu nhập cơ bản phổ quát" là "việc chuyển một số lượng tiền bằng nhau đến tất cả các cá nhân trong một quốc gia". Nó khác với các chương trình trợ cấp thông thường của chính phủ ở chỗ mỗi cá nhân nhận một lượng tiền như nhau, bất kể nghề nghiệp, giới tính hay thu nhập hiện có.

Tranh cãi

Một cách lý tưởng, UBI sẽ giúp con người được giải phóng khỏi lo lắng cho các chi phí sống cơ bản thường nhật để tự do nghiên cứu, sáng tạo và là công cụ để nhà nước chăm sóc người dân hiệu quả hơn trong thời đại mới so với các chính sách phúc lợi truyền thống. Nhưng thực tế nó không phải hình mẫu của một "thiên đường", mà là một chính sách quản lý xã hội. Chính vì thế nó cũng gây tranh cãi như bao chính sách khác.

Hồi tháng 6-2017, một số ý kiến lạc quan xuất hiện. Juha Jarvinen, một người được hưởng UBI ở Phần Lan, nói với báo Economist rằng nhờ không nhất thiết phải làm những gì mình ghét, ông ít căng thẳng hơn và khao khát làm việc hơn. Nhưng chí ít trường hợp ấy vẫn quá nhỏ bé so với một chính sách lớn ảnh hưởng lên nhiều người, chưa thể trả lời câu hỏi liệu khi được giải phóng khỏi nỗi lo nhu cầu cơ bản, con người sẽ bứt phá hay lười nhác đi.

Về quản lý, UBI được kỳ vọng tạo ra minh bạch trong chính sách phúc lợi cũng như giải quyết vấn đề lao động trong kỷ nguyên nhiều nhà hoạch định đang lo lắng robot sẽ "cướp" công việc của con người.

Các giám đốc điều hành hàng đầu Thung lũng Silicon như Mark Zuckerberg (Facebook) hay Elon Musk (Tesla) là những người điển hình ủng hộ UBI. Họ lập luận rằng thời đại tự động hóa sẽ đòi hỏi con người có kỹ năng cao hơn, đồng thời khoản tiền vô điều kiện này sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người mất việc vì robot. Thậm chí theo trang tin Quartz (Mỹ) hồi tháng 7-2017, lợi ích và tài chính tiết kiệm được từ việc sử dụng robot có thể là nguồn tiền để chính phủ phục vụ cuộc sống nhân dân: "Cứ để robot cướp công việc để làm, rồi nó sẽ trả lại thu nhập cơ bản phổ quát".

Ngược lại, tờ Guardian tháng 12 năm ngoái đăng bài xã luận bi quan về UBI, khẳng định việc được hưởng thu nhập cơ bản chỉ khiến con người dễ dàng thỏa mãn, chấp nhận một mức lương thấp hơn. Đây là yếu tố sẽ gây lo ngại tiếp theo về vấn đề quyền của người lao động trong tương lai. Tác giả Sonia Sodha dẫn một nghiên cứu mới cho thấy việc bị trả lương thấp và làm một công việc căng thẳng còn khiến sức khỏe, tinh thần tệ hại hơn cả việc thất nghiệp.

Với lo ngại tương tự, 75% người dân Thụy Sĩ năm 2016 đã "từ chối ngồi không ăn lương" khi bỏ phiếu không tán thành kế hoạch UBI.

Không mới

Thực tế khái niệm "thu nhập cơ bản" với ý tưởng hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của công dân đã hình thành vài thế kỷ nay, dưới dạng "thu nhập tối thiểu" của Thomas More (1516) hay Johannes Ludovicus Vives (1526). Năm 1797, Thomas Paine, nhà triết học người Mỹ, đề xướng "thu nhập cơ bản phổ quát" (universal basic income - UBI).

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên