28/12/2024 09:00 GMT+7

Trân quý công việc của mọi người thông qua chuyến đi thực tế

Từ những chuyến đi học tập trải nghiệm thực tế, các cô cậu học trò không khỏi trân quý những thành quả lao động được làm ra từ chính đôi bàn tay của những người sản xuất.

Cô và trò Trường THCS Đồng Khởi (quận 1) thích thú quan quan, chụp ảnh check-in tại Nhà máy mì Acecook - Ảnh: THANH HIỆP

Vừa qua, các em học sinh Trường THCS Đồng Khởi (quận 1), Trường THCS Kim Đồng (quận 5), Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), Trường THCS Bình Trị Đông (quận Bình Tân), Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1), Trường THPT Thực hành - Đại học Sư phạm TP.HCM… đã có chuyến tham quan thực tế tại Nhà máy mì Acecook Việt Nam.

Rèn luyện được nhiều kỹ năng

Đến tham quan học tập tại nhà máy, học sinh được nghe giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, các cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Công ty CP Acecook Việt Nam.

Các bạn được tìm hiểu những nguyên vật liệu làm ra một gói mì ăn liền, tận mắt xem dây chuyển sản xuất, thưởng thức sản phẩm mì mới và trả lời câu hỏi nhận quà.

Qua đó, các em hiểu được việc công ty mở rộng nhà máy ở các tỉnh thành giúp tăng năng suất, vận chuyển dễ dàng, tính phương án phát triển trong vòng 20 năm trở lên.

Các em cũng biết được 5 thành phần trong gói mì như: bao bì, vắt mì, gia vị, rau củ khô, gói dầu; biết được màu vàng của mì từ bột nghệ, phân biệt được mì chiên hay không.

Em Nguyễn Đăng Đức (học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM) cho biết cảm giác mừng và hồi hộp khi đi nhà máy lớn.

"Em biết thêm nhiều loại mì, thành phần và phân biệt được mì chiên hay không chiên. Ngoài ra, mô hình sản xuất rất kỳ công và tỉ mỉ. Đi thực tế em được cởi mở bản thân, biết được nhiều điều trong cuộc sống, rèn luyện được nhiều kỹ năng như kết bạn, giao tiếp, kỹ năng quan sát và lắng nghe...

Em định hình nghề nghiệp trong tương lai khi nhìn thấy công việc của các anh chị trong nhà máy. Tuổi của em rất thích đi tham quan trải nghiệm nên em mong muốn có thêm nhiều chuyến đi như thế này" - Đăng Đức bộc bạch.

Em Trần Song Minh Thy (học sinh Trường THPT Ernst Thälmann, quận 1, TP.HCM) chia sẻ: "Đây là lần đầu em được đi tham quan thực tế, em hồi hộp và khá hào hứng. Trong lớp có nhiều bạn hiểu sai về mì ăn liền, nên đi thực tế em thay đổi suy nghĩ và sẽ giải thích lại cho các bạn biết.

Chuyến đi thực tế giúp em tự tin khám phá, cởi mở bản thân hơn. Em mong rằng sẽ có nhiều chuyến đi bổ ích như thế này".

Học sinh Trường THPT Thực hành - Đại học Sư phạm TP.HCM tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy - Ảnh: THANH HIỆP

Nghề nào cũng tốt đẹp và cao quý

Vốn là diễn viên nhí, em Huỳnh Gia Huy (học sinh Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM) chia sẻ: "Em bất ngờ với quy trình sản xuất của nhà máy, phải qua nhiều giai đoạn mới tới tay người sử dụng. Em rất quý trọng công việc của người làm ra sản phẩm.

Em rèn luyện được kỹ năng kiên nhẫn, được giao lưu, biết cách hợp tác với làm việc nhóm cùng nhau. Một người khi làm một công việc gì đó thì phải tốn nhiều công sức mới cho ra thành phẩm, cho em thấy nghề nào cũng tốt đẹp, cao quý và chúng ta phải biết quý trọng".

Em Kim Ngân (học sinh Trường THCS Bình Trị Đông, quận Bình Tân) chia sẻ: "Sau chuyến đi em nhận thấy thành phần của mì sử dụng an toàn nên an tâm sử dụng. Em học được mì ăn liền rất tiện dụng cho đời sống con người, có ích khi rút ngắn thời gian chuẩn bị đồ ăn hàng ngày, có thành phần tốt và đủ năng lượng cho con người".

Cô Vũ Thị Thúy Nga - giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM - cho biết các em đều tò mò, háo hức và đến sớm để chờ đi tham quan.

"Tôi dẫn 32 bạn học sinh tiêu biểu của khối lớp 8 và 9. Khối lớp này điềm tĩnh hơn, muốn khám phá, trải nghiệm và phù hợp với môn học trải nghiệm hướng nghiệp.

Các bạn được trải nghiệm kiến thức thực tế, hiểu thêm về công nghệ làm ra sản phẩm, giải đáp những thắc mắc bấy lâu. Bên cạnh đó, các em còn định hướng được những nhận thức đúng đắn" - cô Thúy Nga nói.

Cô Nga cũng cho rằng trong chương trình lớp 9 có hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Qua những chuyến đi này giúp các em định hướng và có cái nhìn khách quan về nghề nghiệp trong tương lai.

Thêm nhiều chuyến đi trải nghiệm

Cô Trần Thị Ngọc Trinh - quản sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM - nhận xét đây là hoạt động bổ ích đối với học sinh.

"Hoạt động đi thực tế này như tiết học trải nghiệm trong chương trình mới nên các em rất thích và háo hức. Các em ước sẽ có thêm nhiều lần ghé lại nhà máy và mong tìm hiểu việc tuyển dụng của công ty.

Các em được trải nghiệm, thấy trực tiếp công việc để cảm nhận về nghề nghiệp. Tôi rất ủng hộ những chương trình như thế này, nên cho các em được trải nghiệm nhiều hơn ở các công ty khác để biết thêm kỹ năng làm việc" - cô Trinh nói.

Em Huỳnh Gia Huy (học sinh Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM, đứng giữa) rất quý trọng công việc của người làm ra sản phẩm - Ảnh: THANH HIỆP

Học sinh Trường THCS Chi Lăng (quận 4, TP.HCM) tìm hiểu quá trình hình thành, hướng phát triển của công ty - Ảnh: THANH HIỆP

Các bạn tìm hiểu về nguyên vật liệu làm ra những gói mì ngon - Ảnh: THANH HIỆP

Trân quý công việc của mọi người thông qua chuyến đi thực tế - Ảnh 6.

Tham gia trả lời câu hỏi, các bạn học sinh Trường THCS Bình Trị Đông, quận Bình Tân được tặng xu chơi gắp mì - Ảnh: THANH HIỆP

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thích thú xem quy trình sản xuất thu nhỏ - Ảnh: THANH HIỆP

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM) được các nhân viên phục vụ mì miễn phí - Ảnh: THANH HIỆP

Trân quý công việc của mọi người thông qua chuyến đi thực tế - Ảnh 9.

Sau mỗi chuyến tham quan, các em học sinh đều được tặng hình và mì gói mang về - Ảnh: THANH HIỆP

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên