Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trình diễn các nhạc phẩm Quê hương, Về quê, Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em tại bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức, TP.HCM ngày 24-7 - Ảnh: Quý Cốc Tử
Hình ảnh người nghệ sĩ dù mang bệnh trong người vẫn say sưa thổi giai điệu của Quê hương khiến hàng triệu trái tim thổn thức.
Dù phải đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn, nghệ sĩ vẫn hết mình biểu diễn với hy vọng góp phần sưởi ấm trái tim mọi người trong những ngày TP bỗng trở nên đìu hiu vì đại dịch. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Trần Mạnh Tuấn về buổi trình diễn khó quên này.
Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19
Sân khấu đặc biệt nhất 40 năm hoạt động nghệ thuật
* Trên mạng xã hội, nhiều khán giả gọi đây là một sân khấu vô cùng đặc biệt, còn với anh?
- Tôi rất may mắn khi có dịp được đi lưu diễn tại khoảng 60 quốc gia trên khắp thế giới, có những nơi hơn 30.000, 40.000 khán giả.
Và sân khấu của ngày 24 vừa qua tại bệnh viện dã chiến đem lại cho tôi một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Không phải chỉ vì những khán giả đặc biệt, mà còn là một khung cảnh những tưởng chỉ có trong phim ảnh và trước kia chúng ta không bao giờ mường tượng ra.
Lúc đầu khi thử âm thanh, tôi có cảm giác hơi ớn lạnh trước khoảng không gian trống rộng và cũng có phần buồn bã như thế. Nhưng khi thử xong, mọi người cổ vũ và vỗ tay đã tiếp cho mình nguồn năng lượng tích cực, làm tôi cảm thấy ấm áp vô cùng và quên hết tất cả.
Đến lúc biểu diễn thì cứ nhắm mắt lại và chơi nhạc, trong không gian ánh đèn mờ đến từ khu công cộng của tòa nhà, không phải ánh đèn sân khấu hoành tráng.
Tôi rất xúc động, có phút giây muốn nấc lên nhưng phải chuyên nghiệp để hoàn thành tiết mục, vậy nên đã phải hít thật sâu rồi biểu diễn một cách trọn vẹn. Cũng may mình cũng có nhiều năm kinh nghiệm nên mới hoàn thành được buổi biểu diễn.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trình diễn các nhạc phẩm Quê hương, Về quê, Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em tại bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức, TP.HCM ngày 24-7 - Ảnh: Quý Cốc Tử
* Khi nhận được lời mời từ MC Quỳnh Hoa, phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, anh có hình dung "sân khấu" này mang đến cảm xúc mãnh liệt như vậy?
- Khi nhận được lời mời, thực ra tôi cũng hơi ái ngại vì bản thân là bệnh nhân ghép thận, có bệnh nền nguy hiểm và gia đình cũng lo lắng. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một phần trách nhiệm của nghệ sĩ trong giai đoạn này.
Âm nhạc là một hình thức trị liệu. Tinh thần rất quan trọng, mặc dù có thể không thực tế như đồ ăn, thức uống. Trong hoàn cảnh mọi người, từ bác sĩ, nhân viên y tế đến bệnh nhân rất căng thẳng, âm nhạc sẽ phần nào xua tan bớt ưu phiền, lo lắng.
Phần biểu diễn của tôi và các nghệ sĩ khác dù ngắn nhưng hy vọng đã mang lại cho mọi người những giây phút nhẹ nhõm và thanh thản hơn. Tôi nghĩ vậy nên quyết định nhận lời. Sau đó mới nghĩ tới làm cách nào để giữ an toàn cho mình.
Rất may mắn có con gái An Trần và bà xã của tôi nghĩ ra cách cắt khẩu trang, thiết kế lại sao có thể vừa vặn để chơi nhưng vẫn che được cái mũi. Kèm với đó, tôi cũng mang kính chắn giọt bắn nên cũng yên tâm hơn.
20 phút vắt kiệt mình để biểu diễn
* Khi trình diễn với chiếc khẩu trang ấy, anh gặp khó khăn gì không?
- Vô cùng khó khăn. Thực ra, chơi ở một khung cảnh như vậy thì kể cả bỏ khẩu trang ra cũng đã cảm thấy khó biểu diễn. Nhưng bằng tất cả kinh nghiệm và kỹ thuật, tôi đã cố gắng nhất có thể.
Mọi người khi nghe thì cũng không nhận ra điều gì cản trở cả, nhưng thực tế 20 phút biểu diễn đó bằng công sức tôi chơi hàng giờ đồng hồ lúc bình thường, vì tôi phải dùng lực nhiều để đẩy hơi ra, khi thở thì bị khẩu trang che mũi nên lượng hơi hít vào cũng bị hạn chế hơn.
20 phút đó tuy rất mệt nhưng tình cảm mọi người dành cho tôi quá lớn. Một loạt dãy nhà với bao nhiêu khu, mình không nhìn thấy họ và họ cũng không nhìn thấy mình, chỉ nghe âm thanh qua loa thôi nhưng sự cộng hưởng của tiếng hô hào vang vọng cho tôi một cảm giác rất lạ.
40 năm hoạt động nghệ thuật, chưa có một sân khấu nào mang lại những cảm xúc khó tả như thế, khiến cho một người đàn ông từng trải cũng sụt sùi. Khi ấy phải hít một hơi thật sâu, may là mình cũng có chút ít nội công chứ không cũng khó.
* Thời gian tới, anh có tiếp tục mang âm nhạc tới các khu cách ly hay bệnh viện dã chiến?
- Từ trước đến nay, tôi cũng khá thường xuyên tham gia hoạt động cộng đồng nên hy vọng rằng mình đủ sức khỏe và được tiếp tục tham gia những chương trình như thế này.
Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện tại, việc biểu diễn không chỉ để cho bản thân mình mà đó có thể là món ăn tinh thần giá trị với tất cả mọi người.
* Xa sân khấu, hẳn anh cũng nhớ khán giả của mình. Anh muốn nhắn nhủ gì tới mọi người trong thời điểm này?
- Trần Mạnh Tuấn và những nghệ sĩ, anh em bạn bè cũng rất nhớ ánh đèn sân khấu, rất nhớ những tiếng vỗ tay, hò reo của khán thính giả.
Những điều ấy là năng lượng tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoạt động, cống hiến. Trong thời điểm này, điều đó rất khó nên tôi và bạn bè đồng nghiệp đã tổ chức những buổi phát trực tiếp để chia sẻ âm nhạc.
Cả trái đất này cũng đang đối diện với dịch bệnh khủng khiếp không ai mong đợi. Điều quan trọng bây giờ là ta phải nắm tay nhau cùng vượt qua. Và âm nhạc mang chúng ta lại gần nhau hơn, động viên nhau đi qua những khó khăn.
Chúng ta sẽ cùng thực hiện các quy định của Nhà nước, ở nhà để đại dịch sớm được khống chế, đời sống sớm trở lại bình thường để chúng ta được hân hoan cùng nhau với những lời ca tiếng hát.
* Nhạc phẩm Quê hương qua tiếng kèn của anh đã khiến rất nhiều khán giả xúc động dù chỉ xem qua màn hình điện thoại. Anh nghĩ gì khi chọn nhạc phẩm này?
- Tôi là người chủ động lựa chọn bài hát này. Ngoài biểu diễn, tôi cũng là một đạo diễn âm nhạc nên tôi cũng tự biết những bài nào sẽ phù hợp để biểu diễn.
Khi chọn Quê hương, tôi nghĩ về người bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, những bệnh nhân tuy không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng sinh sống và làm việc tại đây rồi bị mắc kẹt lại.
Có lẽ những tác phẩm dạt dào tình yêu quê hương, đất nước sẽ dễ khơi gợi trong ta nỗi nhớ gia đình, người thân và quê nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận