18/09/2019 11:08 GMT+7

Trần Lực: Nghệ sĩ tài năng đâu cần 'vào viên chức'

LINH ĐOAN - THIÊN ĐIỂU
LINH ĐOAN - THIÊN ĐIỂU

TTO - Dư luận gần đây ồn ào chuyện các nghệ sĩ có tài năng, năng khiếu chưa được công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức do thiếu bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật…

Trần Lực: Nghệ sĩ tài năng đâu cần vào viên chức - Ảnh 1.

Từ trái qua: diễn viên Điền Trung - Minh Trường - Lê Thanh Thảo thuộc đơn vị Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chưa được công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức vì thiếu bằng cấp chuyên môn dù họ có tài năng, đã đoạt được một số giải thưởng các cuộc thi nghệ thuật từ địa phương đến trung ương - Ảnh: LINH ĐOAN

40/71 trường hợp chưa được công nhận đến từ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.

Áp dụng quy định chung trong việc xét tuyển viên chức đối với lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi có năng khiếu như nghệ thuật - thể thao, đặc biệt nghệ thuật truyền thống, là nghịch lý.

NSND Trần Ngọc Giàu

"Thi vô viên chức" mới an tâm

Diễn viên Nguyễn Minh Trường (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) được biết đến là một diễn viên trẻ có triển vọng. Trường từng đoạt HCV giải Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ năm 2014, HCB cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2014, HCV Liên hoan nghệ sân khấu toàn quốc 2015. 

Sau khi thi sát hạch về chuyên môn nghiệp vụ, anh được đưa vào danh sách xin công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức nhưng anh chưa được công nhận bởi thiếu bằng cấp chuyên môn. 

Minh Trường chia sẻ: "Hiện tại, tôi làm những công việc bên ngoài vẫn có thể sống tốt. Tuy nhiên, tâm lý người diễn viên vẫn muốn có một đơn vị để trụ, có một ngôi nhà để mình đi đâu có nhà để về. 

Nghề này không biết có thể làm được đến bao lâu. Khi mình 40 hay 50 tuổi, không bôn ba bên ngoài nữa thì có nơi lui về để mình làm những công tác phía sau sàn diễn. Vì vậy, tôi vẫn muốn có cơ hội thi vô viên chức để lâu dài mình có chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội, các chế độ...".

Minh Trường cho biết thêm từ khi quy định mới không còn ký hợp đồng dài hạn nữa thì con đường mà anh em nghệ sĩ cảm thấy an tâm là phải thi vô viên chức. Như đợt vừa rồi, rất nhiều diễn viên trong đoàn bảo nhau cùng tham gia đợt xét tuyển.

NSND Trần Ngọc Giàu - giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - nói thêm: "Bây giờ quy chuẩn mới đòi hỏi phải có bằng cấp, thi viên chức, từ đó mới có đánh giá xếp bậc lương, chế độ. Nếu sử dụng nhân lực ký theo hợp đồng phải trả bằng nguồn thu tự có, mà nhà hát thì không có nguồn thu để trả. 

Ông nói: "Với nghệ thuật truyền thống, yếu tố truyền nghề là rất rõ, cộng thêm sự phát hiện và đào tạo. Nhiều nghệ sĩ giỏi được truyền nghề từ gia tộc, học nghề từ khi còn rất nhỏ. Với quy định bằng cấp, đợi tới 18 tuổi thi vô trường thì có khi giới hạn của tài năng mất bao nhiêu năm. Bởi thực tế có những người có năng khiếu, 16 tuổi đã có thể làm đào chánh".

Với hát bội còn nan giải hơn, ông Lê Diễn - giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM - tâm tư: "Hát bội là bộ môn nghệ thuật rất khó. Hiện tại, Trường đại học Sân khấu - điện ảnh cũng không có ngành đào tạo. Mà muốn đào tạo cũng không có người chịu thi vô. 

Vậy chúng tôi lấy bằng cấp ở đâu? Nguồn diễn viên trẻ hiện nay của nhà hát chủ yếu là con cái nghệ sĩ, một vài em yêu nghề vô nhà hát, rồi các cô chú nghệ sĩ lớn chỉ dạy, truyền nghề, đào tạo tại nhà hát".

Ở Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, tình hình cũng không khá hơn. NSƯT Nguyễn Đức Thế, giám đốc nhà hát, cho biết: "Trong Nam không có trường đào tạo về xiếc, rối. 

Nếu muốn tuyển người có qua đào tạo, có bằng cấp thì chúng tôi phải ra Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ VN để xin người. Nhưng hầu hết các em không mặn mà, vào Nam xa xôi mà các chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, lương thấp khiến họ cảm thấy rất bấp bênh".

"Nghệ sĩ tài năng không cần trở thành viên chức"

Về câu chuyện này, ông Nguyễn Thái Bình - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL - cho biết Bộ VH-TT&DL chưa nhận được văn bản của UBND TP.HCM kiến nghị bộ có ý kiến về chủ trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức. 

Nhưng ông cũng cho rằng chuyện xét tuyển viên chức dạng đặc cách nếu TP.HCM có kiến nghị phải gửi Bộ Nội vụ.

Từ phía nghệ sĩ, đạo diễn Trần Lực bày tỏ quan điểm thẳng thắn nếu các đơn vị nhà nước mà tuyển dụng các nghệ sĩ có tài thì rất tốt rồi. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng các nghệ sĩ tài năng thật sự không cần trở thành viên chức. 

Các nghệ sĩ có tài năng, nhiệt huyết và tình yêu với nghệ thuật thì luôn luôn tồn tại được mà không cần phải có một vị trí viên chức nào. 

"Vào viên chức có nghĩa là nghệ sĩ bỗng dưng trở thành công chức, cách quản lý gò bó trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước có khi còn làm người nghệ sĩ mất nhiệt huyết và động lực sáng tạo trong nghề" - người đang điều hành một đoàn kịch do mình sáng lập nói.

Đạo diễn Trần Lực cũng dẫn thêm câu chuyện về chủ trương sáp nhập, xóa bỏ một số đơn vị nghệ thuật nhà nước vào năm 2021 của Chính phủ để nói rằng tư duy nghệ sĩ tài năng cần "vào viên chức" là không còn phù hợp. 

Ông cũng nói tới hiện thực tại các nhà hát hiện nay, đó là các nghệ sĩ tài năng không ai sống được bằng đồng lương nhà nước ở các nhà hát nhưng ai cũng muốn giữ một "chỗ" ở các đơn vị nghệ thuật nhà nước, hưởng lương và ra ngoài đóng phim truyền hình, hát sự kiện... 

Nhà nước hằng năm vẫn phải "bơm" tiền nuôi các nhà hát nhưng các đơn vị nghệ thuật nhà nước này lại hầu như không hoạt động và rất ít đóng góp cho nghệ thuật, không lôi kéo được công chúng.

Theo ông Lực, nghệ thuật là một nghề rất nghiệt ngã, phải chấp nhận luật chơi là ai có tài năng sáng tạo thì luôn tự mình tồn tại được, còn ai không có tài phải chấp nhận chuyển công việc khác phù hợp hơn.

Đi đường vòng để hợp thức hóa bằng cấp

Tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có bằng cấp, khiến các đơn vị phải chọn đi đường vòng. Chẳng hạn, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tính tới đường mời gọi các sinh viên từ khoa kịch hát dân tộc của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh về nhà hát, sau đó đào tạo lại chừng vài năm để có thể hát bội.

Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã mời gọi các sinh viên tốt nghiệp các lớp diễn viên kịch nói, cải lương sang để có thể đào tạo diễn múa rối. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phải chọn cách liên kết với các trường cao đẳng nghệ thuật để hợp thức hóa bằng cấp.

Thiếu người đi… bồi dưỡng nghiệp vụ biểu diễn cải lương Thiếu người đi… bồi dưỡng nghiệp vụ biểu diễn cải lương

TTO - Tối 14-8, tại sân khấu Thế giới trẻ, các học viên của lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cải lương đã cùng tổ chức đêm gala Hội ngộ tài năng trẻ sân khấu cải lương miền Nam với nhiều trích đoạn cải lương quen thuộc.

LINH ĐOAN - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên