02/08/2017 08:45 GMT+7

Tràn lan tranh chép: biết có chuyện bậy bạ thì tự lu loa lên thôi!

ĐẠI VIỆT
ĐẠI VIỆT

TTO - Mặc dù rất bức xúc về vấn đề tranh chép, nhưng khi nhiều họa sĩ đành lắc đầu khi được hỏi tới. Nguyên nhân có rất nhiều.

Bức tranh chép Hồng môi được bán tại một phòng tranh ở TP.HCM - Ảnh: NVCC
Bức tranh chép Hồng môi được bán tại một phòng tranh ở TP.HCM - Ảnh: NVCC

Phòng tranh đào tạo họa sĩ “chép”

Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp (Hà Nội) cũng thú thật rất khó kiện tụng các gallery bán tranh chép, và hiện tượng kinh doanh tranh chép đã luôn, đang hoạt động tấp nập tại Hà Nội.

“Cũng từng có nhiều họa sĩ đến gallery làm um lên khi phát hiện ra tranh nhái, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Hà Nội trước đây có vài gallery chuyên bán tranh nhái.

Họ vẫn mua vài bức tranh thật rồi đào tạo họa sĩ nhái phong cách. Tóm lại,việc này rất nan giải. Chỉ có sự tự trọng may ra mới giải quyết được,” họa sĩ Hợp trầm ngâm nói.

Theo một nguồn thạo tin, một gallery tên tuổi tại Hà Nội đã đào tạo khoảng 6 họa sĩ chuyên nhái phong cách của các họa sĩ tên tuổi, có tranh bán khá chạy như Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn, Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương…

Trung bình mỗi họa sĩ “nhái” này đã vẽ cho gallery nọ tới 200 bức tranh với tốc độ 3-4 bức/ngày. Đặc biệt số tranh nhái của họa sĩ Lê Thanh Sơn phải tính tới cả nghìn bức.

Tác phẩm Hồng môi của họa sĩ Lê Thế Anh - Ảnh: NVCC
Tác phẩm Hồng môi của họa sĩ Lê Thế Anh - Ảnh: NVCC

Bất lực vì không muốn “tố” bạn

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết, anh cũng bất lực không thể dẹp được nạn tranh chép các tác phẩm của mình vì… quá nhiều.

“Thực lòng tôi cũng không biết phải xử lý ra sao, vì tranh tôi bị chép quá nhiều. Cục Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật cũng không giúp được gì. Cách tốt nhất là mặc kệ và vẽ đẹp hơn,” họa sĩ Bình nói.

Một họa sĩ giấu tên cho biết, một trong những nguyên nhân mà các họa sĩ thường ít kiện tụng khi phát hiện tranh chép, tranh giả, khi phát hiện ra thủ phạm lại chính là “bạn mình”.

“Có một số họa sĩ thực thụ chuyên nhận “chép” tranh của người khác, kể cả với tranh của bạn bè.

Chúng tôi biết hết, rất giận, nhưng thực lòng không muốn làm ầm lên. Bởi khi họa sĩ tố nhau và bên ngoài biết được điều này thì thật chẳng ra làm sao,” họa sĩ này thành thực nói.

Ngại tố vì không đăng ký bản quyền

Họa sĩ Ngô Đồng lại cho rằng khó tố tranh chép vì các tranh thường không đăng ký bản quyền.

Anh còn cho biết thậm chí trước đây có người còn mở phòng tranh mang tên Phòng tranh Ngô Đồng tại đường Trần Phú (Q.5, TP.HCM), trùng với tên phòng tranh của anh hồi đó.

Nhưng họa sĩ cũng chỉ biết nhờ bạn bè tới nhắc nhở và tự thông báo cho các khách hàng của mình khỏi nhầm lẫn chứ không làm được gì, vì bản thân họa sĩ đã không đăng ký thương hiệu trước đó.

“Ngày nay chúng ta có thể lên mạng xã hội như FB để thông báo cho mọi người cùng biết nếu phát hiện ra tranh chép.

Nhưng rất ác là người mua tranh biết là tranh chép,  tranh nhái, tranh giả, thậm chí thấy tranh kém, vẫn mua vì giá rẻ.

Nếu mình gặp họ làm ầm ĩ cũng chẳng giải quyết được gì, vì không có sự bảo vệ về pháp lý.

Nói chung chỉ trông chờ vào ý thức của người mua tranh, ý thức của người chép tranh và tìm cách lu loa lên cho mọi người biết tranh thật hiện nằm ở đâu và nếu biết có chuyện bậy bạ thì tự lu loa lên thôi,” họa sĩ Ngô Đồng chia sẻ.

Bức tranh giả tác phẩm họa sĩ Văn Thơ đã bị chính họa sĩ rạch nát hồi tháng 2.2011 sau khi phát hiện đang bày bán tại phòng tranh Gallery Viet Fine Arts (28 Tràng Tiền). Ông Đỗ Doãn Thành -chủ Gallery này đã bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm - Ảnh: TƯ LIỆU
Bức tranh giả tác phẩm họa sĩ Văn Thơ đã bị chính họa sĩ rạch nát hồi tháng 2.2011 sau khi phát hiện đang bày bán tại phòng tranh Gallery Viet Fine Arts (28 Tràng Tiền). Ông Đỗ Doãn Thành -chủ Gallery này đã bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm - Ảnh: TƯ LIỆU

Chống tranh chép bằng cách nào?

Họa sĩ Tào Linh cho rằng mỗi họa sĩ cần có những phương thức riêng để tự bảo vệ tác phẩm của mình trước nạn sao chép, làm giả tranh.

Chẳng hạn sử dụng kỹ thuật riêng biệt, chi tiết ẩn, chứng chỉ tranh, hoặc chụp ảnh tác giả cùng tác phẩm…

“Chống nạn sao chép tranh ở nước ta quả thực rất khó vì nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là nguyên nhân không có bên thứ ba, độc lập, để đánh giá, thẩm định tác phẩm.

Ví dụ với bức tranh sơn dầu Phố cũ của Bùi Xuân Phái (được đấu giá tại Chọn Auction lần 5 vào ngày 30.7 qua), nhiều người có ý kiến nhưng đều cảm tính.

Phần lớn đều đánh giá theo  bút pháp, đó là thứ thuần cảm tính và không định lượng được. Còn cách đánh giá, thẩm định một cách khách quan khoa học thì ở VN không có (không có công nghệ cao, chi phí gửi đi nước ngoài đánh giá lại đắt đỏ).

Luật về bản quyền ở nước ta có nhưng kém, nên không trông mong gì được. Vì vậy nghệ sĩ phải tự bảo vệ chính mình,” họa sĩ Tào Linh.

Tuy nhiên theo bà Vương Minh Hằng (Giám đốc Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ IPVC- IPVC LAW FIRM), việc phòng tranh bán tranh sao chép, tranh giả là vi phạm quyền tác giả và hoàn toàn có thể xử lý theo luật pháp.

Đó là theo Điều 211, 213 Luật SHTT và khoản 8 điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể sử dụng 1 trong các biện pháp hành chính, dân sự, hoặc hình sự theo quy định của Luật SHTT và các Nghị định có liên quan.

Theo đó, có thể, cảnh cáo, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (đối với hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả), từ 5-10 triệu đồng (đối với hành vi tàng trữ hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả), tịch thu và tiêu hủy tang vật vi phạm,  đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh…

Đặc biệt đối với hành vi buôn bán tranh chép, tranh giả có giá trị từ 30-100 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu nhưng gây hiệu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng-5 năm, hoặc bị phạt tù đến 15 năm đối với yếu tố tăng nặng (theo điều 156 Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2009).

Và khi Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 thì các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu-1 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm, hoặc phạt tù đến 15 năm nếu có tình tiết tăng nặng (theo điều 156 Bộ Luật Hình sự năm 2015).

Bà Vương Minh Hằng (đại diện IPVC LAW FIRM).

ĐẠI VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên