Kỳ 1: Vừa thoát chết, vẫn quay lại rừng Kỳ 2: Phu trầm “xuất ngoại” Kỳ 3: Bỏ mạng xứ người
Phóng to |
Một phu trầm ở thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh (Quảng Bình) đào bới giữa rừng biên giới tìm trầm - Ảnh: Hương Lê |
Người tìm trầm phải tự làm quen với những nỗi sợ này như một lẽ tất nhiên mà không được quyền lựa chọn hay oán trách...
Gặp cướp...
Mới trước tết năm rồi, ngôi nhà của anh Trần Văn Thắng, 29 tuổi, ở Sơn Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình), bỗng xôn xao. Bà con lối xóm ùn ùn kéo đến nhà. Hỏi ra mới biết anh Thắng mới băng rừng về nhà đúng vào lúc nửa đêm sau gần một ngày đối mặt và vượt qua bọn cướp đường trong rừng biên giới Việt - Lào.
Áo quần lấm lem, đôi dép đi rừng sứt quai chỉ còn phần nửa trước được cầm lên tay để đi cho nhanh. Anh Thắng tuy còn trẻ tuổi nhưng theo nghiệp tìm trầm nơi vùng biên giới này hơn chục năm. Nhưng đó là lần đầu tiên anh đối mặt trực diện với bọn cướp.
“Cả hội chia nhau mỗi người đổ ra mỗi nhánh tỏa đi tìm trầm. Tui vừa đổ xuống con dốc thì bị một nhóm bốn tên cầm dao chặn lại bắt “làm luật” rồi mới được qua. Tui nói không có tiền, toán cướp bắt đầu lục lọi đồ đạc trong gùi. Sợ quá, tui thả gùi xuống rồi bỏ chạy thục mạng một mạch ra khỏi rừng”, anh nhớ lại. Theo mô tả của anh Thắng, nhóm cướp này như là người bản địa bởi rất thông thuộc địa hình cũng như ngôn ngữ người Vân Kiều sống ven biên giới.
Chuyện bị trấn cướp đã trở thành chuyện quen với những người đi trầm ở vùng này. Ông Nguyễn Thanh Chiến, một phu trầm lâu năm ở Phúc Trạch, kể cách đây mấy năm ông cùng hội trầm trong vùng gần như quanh năm sống trong rừng biên giới Việt - Lào.
Công việc hằng ngày của nhóm là cứ rảo bước dọc núi rừng nghi có trầm và đào bới. Một lần, cả hội phát hiện được một gốc dó bầu lớn liền hú nhau xúm lại đào. Đào suốt hơn một ngày thì phát hiện dấu hiệu của trầm bên trong khối thân mục. Đói, mệt, nhưng ai nấy đều khấp khởi mừng rơn khi từng thớ gỗ chứa trầm được rút ra khỏi đất. Bỗng từ bốn phía, một nhóm người bịt mặt kín mít nhảy xổ ra, hai khẩu súng hai bên gí thẳng vào cả hội buộc giơ tay lên. “Được bao nhiêu trầm là bọn chúng vơ hết. Mấy anh em còn bị chúng lấy sạch tư trang. Cả nhóm chỉ biết nhìn nhau rơi nước mắt. Còn đau hơn cả bị đánh đập”, ông kể.
Ông Chiến nói không còn lạ gì với cảnh trấn cướp như thế, bởi những nhóm tìm trầm khác trong vùng trước đó đã rỉ tai nhau nhiều vụ cướp trong rừng rồi. Vùng rừng này có một số dân bản địa lập thành nhóm đi vào rừng trấn cướp như thế. Dân tìm trầm gặp phải chúng coi như no đòn và trắng tay. Đặc biệt là vùng rừng biên giới giáp Quảng Trị. “Trước đó người trong hội tui đã bị chính nhóm của Hồ Văn Công trấn cướp năm trước. Khi nghe tin Công giết một lúc năm người ai nấy đều rùng mình, bởi may mình chỉ bị trấn...”, ông Chiến kể.
Phóng to |
Phút nghỉ ngơi trong lán của người đi trầm giữa rừng - Ảnh: Hương Lê |
Chuộc thân
Quanh năm sống giữa rừng già, những người đi tìm trầm đã không còn lạ với việc bị bắt. Ngoài bọn bắt cóc theo kiểu “lục lâm” như nhóm Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành, Hồ Văn Nguyên thì còn lại chủ yếu người đi trầm bị người của các xã biên giới Lào bắt giữ. Chỉ cần bị phát hiện bước qua khỏi biên giới là bị bắt ngay. Muốn thoát khỏi những cái bẫy kiểu này, người đi trầm phải bỏ tiền chuộc thân. Mỗi lần chuộc thân là coi như cả chuyến đi trầm tay trắng, có khi đổ nợ nần.
Nguyễn Phong ở thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn là một trong những người đã từng phải chuộc thân như thế. Khoảng hai năm trước, anh Phong cùng nhóm thợ rừng trong thôn đạp rừng lên vùng biên giới để tìm trầm. Sau gần cả tháng trời ăn ở giữa rừng già, nhóm anh vẫn tay trắng.
Lương thực mang theo cũng sắp cạn, định bụng đạp rừng thêm một chuyến nữa cầu may thì không may lạc qua bên kia biên giới lúc nào không hay. Một khẩu súng đen ngòm chĩa vào. Nhóm anh đi năm người nhưng chỉ có nhánh của anh cùng anh Nguyễn Hiều lạc lối và bị bắt. Anh Phong kể sau khi bị bắt, anh được đưa về bản ở huyện Sê Pôn. Anh được cho ăn uống và cho điện thoại về gia đình.
Theo yêu cầu của những người bắt, anh phải nộp 1.000 USD tiền chuộc thân mới được thả về. “Cả nhà nghe tin ai cũng hoảng. Mấy năm đi rừng chỉ đủ cơm gạo chứ không dư được đồng nào. Nhưng vì tính mạng của chồng mà vợ tui phải đi vay mượn cho đủ tiền đi chuộc người”, anh Phong kể.
Ông Trịnh Văn Thiệu, ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, là một người lão luyện có mấy chục năm đi rừng theo nghề tìm trầm. Ông Thiệu từng bị bắt và cũng có lần trong vai người đem tiền đi chuộc người khác. Ông đã hai lần bị bắt khi tìm trầm ở vùng rừng biên giới Việt - Lào.
Một lần bị bắt ở huyện Sê Pôn, một lần ở Khăm Muộn. Cả hai lần đó ông đều phải kêu người nhà ôm tiền qua chuộc mới được về. Ông được coi là trưởng nhóm đi rừng, nên một lần khác ông phải ôm tiền đi chuộc thành viên của nhóm mình cũng bị bắt như thế. Tính ra mỗi lần bị bắt ít nhất ông cũng bị giữ trên dưới chục ngày mới được về. “Mỗi lần bị bắt coi như một lần đen đủi. Chuộc về rồi lại phải lặn lội lên rừng tìm trầm để trả nợ tiền đi chuộc, có khi chưa trả xong lại bị bắt tiếp. Đời đi trầm đôi khi cứ luẩn quẩn như thế”, ông Thiệu buông lời.
Đùm bọc nhau giữa rừng Những người tìm trầm lâu năm hay mới vào nghề đều biết một quy luật bất thành văn rằng ở giữa rừng thiêng nước độc, họ phải coi nhau như anh em. Có bát cơm cũng sẻ nửa, điếu thuốc cũng chia năm sẻ bảy. Ai đi mệt đều có thể vào thẳng lán của người nào đó trong rừng ngủ tạm, lấy gạo tự nấu cơm ăn. Anh Nguyễn Thanh Liêm nói rằng chính anh khi gặp “nhóm bảy người tìm trầm xấu số ngày 22-3” trong tình trạng nhóm anh vừa mới bị trấn cướp, nhóm bảy người đã cho nhóm anh ăn cơm, chia sẻ lương thực để cầm hơi. Đêm đó anh Nguyễn Văn Thắng, một trong năm nạn nhân, đã nhường lại cho anh Liêm bộ áo quần đẹp nhất để mặc, nhường võng cho anh Liêm ngủ. Giữa hai nhóm không hề có quan hệ bà con họ hàng gì. |
___________
Kỳ tới: Từ phu lên phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận