11/11/2022 09:48 GMT+7

Trạm y tế như bệnh viện, bao giờ?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Nhiều người đã bày tỏ sự quan tâm sau bản tin ngày 9-11 trên Tuổi Trẻ Online: "Khi trạm y tế chất lượng như bệnh viện".

Ở đó, trạm y tế cũng có chụp X-quang, xét nghiệm, nội soi, hoạt động theo nguyên lý phòng khám y học gia đình và thu hút nhiều người bệnh mãn tính đến khám chữa bệnh.

Trở lại công việc của ngành y tế giai đoạn trước, thời điểm cách đây 10 năm khi đề án bác sĩ gia đình được phê duyệt, đã có 500 bác sĩ đi học chuyên khoa 1 bác sĩ gia đình, nhiều trạm y tế mở mô hình "bác sĩ gia đình" để tiến tới việc người dân có bác sĩ quản lý sức khỏe tại nhà, như ở nước ngoài, khi đó nhiều người đã khấp khởi hy vọng.

Nhưng cho đến nay mô hình này vẫn èo uột, chỉ còn lại ở một vài nơi. Trạm y tế lại quay về "chiếc áo cũ" lo tiêm chủng mở rộng và nhiều công việc sổ sách giấy tờ. 

Người dân mắc bệnh mãn tính, có ho sốt, sổ mũi hoặc là đến bệnh viện, hoặc ra tiệm thuốc "tự kê đơn", kéo theo bao nhiêu là hệ lụy về nguy cơ kháng kháng sinh và sử dụng thuốc không hợp lý.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mô hình bác sĩ gia đình từng có thời điểm triển khai rầm rộ, nhưng đến nay vẫn chưa khai thông được vướng mắc về mô hình hoạt động, về việc cấp phép hoạt động cho bác sĩ như thế nào, bác sĩ trực thuộc bệnh viện hay thuộc trạm y tế… Kể từ cuối năm 2019 đến nay, hoạt động này gần như bị tắc.

Gần đây đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã có dịp khảo sát trạm y tế ở vùng núi, ông nhận thấy trạm và chất lượng khám chữa bệnh tại đây không khác gì sau nhiều năm. Ông Hiếu đã đề xuất nhiều ý kiến để trạm y tế gần với người bệnh hơn và quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Với các khu vực thành phố, thị xã, nơi có bệnh viện và phòng khám tư nhân, dịch vụ y tế đã tạm được coi là gần dân mà người dân còn đang rất khó khăn, bệnh viện nào hiện cũng quá tải thì ở vùng sâu vùng xa, nơi mỗi thôn xóm cách nhau cả chục cây số, trạm y tế là nơi người dân sinh đẻ, khám chữa bệnh, nhận thuốc men, tiêm chủng và nhận được các tư vấn về chăm sóc sức khỏe.

Còn với khu vực thành thị, dù bệnh viện, phòng khám rất nhiều, nhưng người bệnh mãn tính tại sao không thể quản lý, cấp thuốc, chăm sóc tại trạm y tế? 

Tại sao không nâng chất dịch vụ tại đây để chăm sóc sức khỏe ban đầu thay vì để người dân ra tiệm thuốc "tự kê đơn"? 10 năm sau khi đề án bác sĩ gia đình triển khai rầm rộ, câu chuyện làm sao dịch vụ y tế thiết yếu nhất đến gần người dân hơn, chất lượng tốt hơn… vẫn đang là câu hỏi.

Vai trò của trạm y tế rất rõ trong đợt dịch COVID-19. Khi đó có gì cũng ra trạm, nhưng nếu như trong hệ thống y tế tất cả đều đang kêu lương thấp thì trạm y tế đang là nơi thấp nhất. Nơi gần dân nhất, lương thấp nhất, muốn thay đổi thì mô hình nào chưa rõ… Chính vì thế, điểm sáng trạm y tế kể trên vẫn chỉ là một câu chuyện rất xa xôi.

Còn với khoảng 10.500 xã phường trên toàn quốc với khoảng chừng ấy trạm y tế, làm gì để hệ thống y tế cơ sở này chất lượng hơn?

Không ngờ trạm y tế như bệnh viện Không ngờ trạm y tế như bệnh viện

TTO - Người dân bất ngờ vì được chụp X-quang, xét nghiệm, nội soi... tại trạm y tế. Khác với hình ảnh đìu hiu, vắng vẻ, hiện nhiều trạm y tế tại TP.HCM chuyển đổi theo nguyên lý y học gia đình lại là nơi thu hút người dân đến điều trị.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên