26/05/2024 10:38 GMT+7

Trăm kiểu khoe con, nên khoe để truyền cảm hứng?

Việc khoe điểm, đăng thành tích và khen ngợi con trên mạng hay trong giao tiếp thường ngày là nhu cầu có thật và không có gì quá đáng, nếu cha mẹ khoe con đúng cách.

Dịp tổng kết cuối năm học, nhiều phụ huynh chụp hình giấy khen của con rồi khoe lên mạng - Ảnh: SONG KHUÊ

Dịp tổng kết cuối năm học, nhiều phụ huynh chụp hình giấy khen của con rồi khoe lên mạng - Ảnh: SONG KHUÊ

Bình luận dưới bài viết Khoe con trên mạng: Cha mẹ bớt ảo tưởng đi, bạn đọc Phạm Thiết Hùng chia sẻ: "Chả có gì quá lo lắng hay đáng phê phán về chuyện khoe con, khi phụ huynh không vi phạm luật pháp, không vi phạm đạo đức xã hội. 

Phụ huynh khoe con chỉ là phép thắng lợi tinh thần của họ. Có chăng, người đời ngó vào thấy tức. Hoặc là con mình không đạt được kết quả như thế. Hoặc là tự cho mình cái quyền răn dạy người ta phải thế này thế kia.

Ngày xưa đỗ đạt vinh hiển còn được gọi loa xướng tên, rồi võng lọng, kiệu xe. Nay khoe con trên mạng chút thôi thì có gì mà soi mói. Nhìn đời giản dị để cảm nhận nhẹ lòng hơn".

Khoe con nhẹ tênh, nhiều người thích thú

Bạn tôi, một người làm truyền thông, vừa dí dỏm khoe điểm của con trên Facebook khiến nhiều người thấy thích thú. Chị viết "con được 7 điểm môn văn là con đã vượt mặt mẹ rồi, con hơn mẹ là nhà có phúc". 

Chị kể ngày nhỏ chị không tài nào vượt qua được điểm 6 môn văn vì hình như "chị và môn văn không đội trời chung". Trong khi đó, con trai chị lại hiếm khi bị điểm 6 môn văn. 

Cách chị khoe con nhẹ tênh, không áp lực và trân trọng thực lực của con khiến nhiều người vui lây.

Một anh bạn khác ở Hà Nội sau khi họp phụ huynh cho con gái út cũng chụp sổ liên lạc khoe trên Facebook khiến nhiều người rưng rưng. 

"Tất cả các môn học và các mặt rèn luyện của con đều ở mức hoàn thành và đạt, ngoại trừ hai môn tiếng Anh và mỹ thuật (được đánh giá là tốt). Các bạn khác trong lớp con hầu như đều được đánh giá là tốt và xuất sắc.

Cha quan niệm hãy để con trẻ sống đúng với tuổi thơ của mình nên đã kiên quyết không cho con học trước khi vào lớp 1. Điều này đã gây khó khăn cho con khi vào lớp 1 mà chưa biết một chữ nào trong lúc đa số các bạn cùng lớp đã nhận biết được mặt chữ.

Có thể nói con là học sinh yếu nhất lớp so cùng các bạn. Nhưng cha biết con đã rất cố gắng và nỗ lực trong cả năm học để đạt được kết quả như này. Cảm ơn con gái út của cha...".

Nhiều người đã "thả tim" dưới dòng trạng thái trên. Một tài khoản bày tỏ: "Mình nghe được tiếng thổn thức ở đây. Yêu thương con!". 

"Cảm phục cô gái bé nhỏ đã cố gắng hết mình. Mai đây con sẽ mạnh mẽ lắm đó" - một tài khoản khác chia sẻ.

Khoe con là để truyền cảm hứng

Thực tế, khoe điểm, đăng thành tích và khen ngợi con trên mạng hay trong giao tiếp thường ngày là nhu cầu có thật và không có gì quá đáng nếu cha mẹ thực hiện đúng cách.

Nội dung khen con nên là những thông tin truyền cảm hứng. Tức là chúng ta có thể kể về hành trình con trẻ đạt được thành tích như ngày hôm nay. Trẻ đã gặp phải những thách thức trở ngại gì, khó khăn ra sao.

Trẻ đã thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định như thế nào. Trẻ đã tìm hiểu và áp dụng những phương pháp học tập hữu hiệu nào, những bí quyết rèn luyện ra sao để có những thành công như mong đợi.

Những thông tin về hành trình bước đến ước mơ bao giờ cũng thu hút, truyền cảm hứng hơn những thông tin đơn giản về đích đến.

Đó đồng thời cũng là những thông tin mang tính gợi ý, tham khảo đối với người nghe, người đọc, giúp việc khen ngợi con trở nên ý nghĩa, là bài học sẻ chia kinh nghiệm, hơn là việc khoe khoang đơn thuần.

Những phụ huynh thích "nâng con lên tận mây xanh" cần nhìn nhận lại cách đánh giá và công nhận thành tích của con. Phụ huynh cần thiết luôn tự nhắc mình, không sử dụng lời khen quá xa thực tế, dễ dãi: Con tôi là số một, con thông minh, con giỏi giang nên không học bài, toàn ham chơi nhưng vẫn được điểm cao chót vót…

Thay vào đó, dạy con chấp nhận điểm số của con dù thấp hay cao, cùng con trải nghiệm cảm xúc thật với điểm số do chính thực lực của con giành được.

Bên cạnh khen ngợi, cũng cần chỉ ra cho con những hạn chế, điểm cần khắc phục để con sống đúng với bản chất và năng lực bản thân, không ảo tưởng và khinh thường người khác.

Khoe con, cẩn thận rủi ro

Thực tế cho thấy nếu phụ huynh chụp giấy khen, bảng điểm, học bạ, chứng chỉ, chứng nhận, văn bằng… mà không làm mờ các thông tin cá nhân (họ tên, trường, lớp, địa chỉ…) của con em mình thì sẽ vô tình tạo ra nguy cơ mất an toàn thông tin.

Các đối tượng xấu có thể thu thập các dữ liệu thông tin cá nhân này vào mục đích gây hại.

Nhiều phụ huynh nói rằng họ "chỉ đăng ở chế độ bạn bè, chứ không đăng ở chế độ công khai nên có thể hoàn toàn yên tâm".

Thực tế, cơ chế lan truyền thông tin không hề đơn giản như vậy.

Người quen của chúng ta có thể chụp lại bài đăng, sau đó tiếp tục chia sẻ trong một tình huống vô tình hoặc cố ý nào khác mà chúng ta không thể biết được.

Khi đăng tải một thông tin bất kỳ lên mạng xã hội đồng nghĩa với việc chúng ta không thể kiểm soát thông tin đó sẽ lan truyền đến những đâu, ai có thể tiếp cận thông tin này.

Thế nên, khoe con trên mạng thì phải khoe sao cho an toàn.

Bình tĩnh khi khoe conBình tĩnh khi khoe con

Thời điểm này, khi hầu hết các trường phổ thông làm lễ tổng kết năm học, đó cũng là lúc trên mạng xã hội tràn ngập những "tút" của phụ huynh khoe con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên