Khoảng hai năm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều fanpage mạo danh các cuộc thi như làm mẫu nhí, tài năng nhí, trạng nguyên trẻ, thi piano, học kỳ quân đội, hay gần đây là các giải chạy bộ dành cho trẻ em...
Trăm kiểu lừa nhắm vào phụ huynh
Điểm chung của những trang này là luôn ăn theo một sự kiện thi thố nào đó như thi đàn, thi vẽ, thi làm người mẫu, thi kiến thức nói chung. Trên các trang này đăng tải rất nhiều hình ảnh, clip bắt mắt về những em nhỏ như người mẫu thực thụ, những trạng nguyên nhí cổ đeo huy chương vàng tay cầm bằng khen, hay những em bé nhỏ tuổi đứng trên bục nhận giải thưởng một cuộc thi chạy...
Bên dưới có vô số bình luận ảo nhằm đánh vào tâm lý của phụ huynh muốn cho con được trải nghiệm các hoạt động nổi tiếng (lại có thù lao hấp dẫn), môi trường cực tốt, chương trình chuyên nghiệp và đẳng cấp...
Nhiều trang còn "chịu chi" cho Facebook để chạy quảng cáo và hiển thị đến các phụ huynh có con nhỏ. Một số trang còn giả danh các người nổi tiếng như MC, người mẫu, thầy cô giáo... mở lớp đào tạo mẫu nhí, lớp học tài năng.
Mới đây, một phụ nữ bị lừa hơn 500 triệu đồng vì đăng ký tham gia một giải chạy bộ cho cháu. Chị đã được dẫn dắt qua các bước "mua hàng", "nhận hoa hồng" và dính bẫy lừa. Nếu chị chỉ muốn đăng ký cho cháu chạy bộ, không để tâm đến những chào mời lợi ích khác thì có lẽ chị đã không mất tiền.
Nhiều trường hợp phụ huynh bị lừa khi đăng ký cho con thi mẫu nhí, tham gia học kỳ quân đội, thi tài năng... Tôi thấy dường như phụ huynh đang bị cuốn theo tâm lý đám đông, chạy theo phong trào khoe con khoe cháu. Nói cách khác, họ không chỉ muốn con cháu mình được "trải nghiệm các hoạt động" mà còn muốn được có giải và sau đó sẽ khoe ảnh.
Cẩn trọng trước "mùa khoe con"
Nếu bạn có một bài viết kèm hình ảnh khoe thành tích của con cháu trên các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ nhận được những bài quảng cáo nội dung liên quan, trong đó có cả các cuộc thi, các khóa học có "màu" lừa đảo.
Trẻ em hiện nay bị kéo vào quá nhiều cuộc thi thố. Nhỏ thì các cuộc thi ảnh đẹp ảnh xinh trên Facebook, còn quy mô lớn hơn thì xuất phát từ vô số chương trình gắn với "thành tích" của con khiến phụ huynh bị cuốn theo: Biệt tài tí hon, Siêu tài năng nhí, Rung chuông vàng cho trẻ mẫu giáo, Iron kid, trạng nguyên... Có cả những game show người lớn mà trẻ em cũng được tham gia rồi lãnh thưởng cả trăm triệu đồng.
Phụ huynh sẽ nghĩ gì khi xem những chương trình như thế, khi thấy "con nhà người ta giỏi thế, xinh thế" hay không? Tôi nhớ đến câu chuyện ở trường mầm non gần nhà. Ở trường này, cứ gần hè là có cuộc tổng kết mà "học sinh nào cũng có giải thưởng", thậm chí có cả giải thưởng thể hình đẹp cho trẻ 3 tuổi!
Tất nhiên, phụ huynh thấy con được "vinh danh" thì hân hoan lắm, đăng lên Facebook để khoe. Và những bài đăng kiểu này thường có đủ hình ảnh, thông tin tuổi, lớp học, địa chỉ... - những thông tin mà các tổ chức lừa đảo "yêu thích" và sẽ dùng đến khi cần.
Đừng tự làm lộ thông tin về con
Có những chương trình truyền hình, những cuộc thi online dành cho trẻ đã bị biến thành niềm vui và "cuộc đua" của người lớn. Lợi dụng thực tế này, kẻ gian dễ chiếm đoạt tài sản khi đánh trúng tâm lý khát khao giải thưởng của con và các kiểu lợi ích khác. Có lẽ vì vậy mà dù có cảnh báo đến đâu vẫn có nhiều người bị lừa.
Bậc cha mẹ nào cũng muốn con có "tài năng nào đó" hay "đoạt giải gì đó"... Nhưng chúng ta cần cẩn trọng vì các cá nhân/tổ chức lừa đảo đang đánh vào... khát khao này. Cần cân nhắc khi đăng tải những bảng điểm, những tờ giấy khen... chứa thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội. Bởi càng lộ nhiều thông tin riêng tư thì càng dễ trở thành miếng mồi ngon cho những lừa đảo.
Phần mềm chống lừa đảo cần cập nhật kịp thời
Thật vui khi đọc thông tin sắp tới người dùng điện thoại thông minh sẽ có công cụ phát hiện các dấu hiệu lừa đảo qua mạng. Tôi có niềm tin bởi các chuyên gia đã “nghiên cứu kỹ” 24 hình thức lừa đảo cũng như các tổ hợp biến thể kẻ gian, xác định năm điểm chốt chặn quan trọng có thể giúp người dân phòng chống lừa đảo.
Trong các chức năng được giới thiệu, đáng chú ý phần mềm có thể phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website (link), kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR. Trong đó, chức năng kiểm tra số điện thoại của phần mềm giúp người dùng ngăn chặn các số lừa đảo có trong cơ sở dữ liệu cũng như cảnh báo các số quảng cáo làm phiền (số spam).
Đặc biệt, chức năng kiểm tra địa chỉ web (link) giúp phát hiện các trang web lừa đảo, chứa mã độc hoặc trang giả mạo. Người dùng sẽ nhận được khuyến cáo không nên truy cập các trang web này để phòng tránh bị mất tài khoản. Đây là điều tôi quan tâm nhất và thấy thật hay. Tuy nhiên, sẽ hữu hiệu hơn nếu phần mềm phòng chống lừa đảo qua mạng ra đời sẽ đảm bảo tính cập nhật, kịp thời nhất.
Ngày 2-4, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị đang công bố phần mềm chống lừa đảo qua mạng), đưa ra cảnh báo về một website đã giả mạo trung tâm để đăng tải thông tin quảng cáo lừa đảo. Cùng thời điểm này, một website khác cũng mạo danh NCSC với hình thức tương tự lại không được đề cập, cảnh báo đến người dùng ngay.
Đầu tháng 5, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay đã phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia... Cùng thời điểm đó, có trang mạo danh Cổng dịch vụ công quốc gia giăng bẫy lừa người dùng lấy lại tiền bị lừa - một hình thức lừa đảo đang phổ biến - lại không được cảnh báo kịp thời.
Các hình thức lừa đảo trên mạng đang vô cùng tinh vi, biến hóa khôn lường. Tội phạm mạng cũng sẽ có thể sử dụng số điện thoại khác, tài khoản thẻ khác nhau để liên lạc, giao dịch. Vì vậy, phần mềm chống lừa đảo qua mạng cần đảm bảo tính cập nhật, kịp thời nhất về dữ liệu để người dân có thể tra cứu và nhận diện chính xác trang mạng lừa đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận