Công nhân trại sâm giống Tắk Ngo cắt lá những cây sâm ngủ muộn để giữ sức cho củ sâm ngủ đông - Ảnh: H.V.M. |
Không chỉ nhằm bảo tồn nguồn gen giống loại sâm đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, tạo nguồn cây sâm con để cung cấp cho người trồng sâm theo đề án, trại sâm giống Tắk Ngo còn là nơi thực nghiệm, đúc kết kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh nhằm dần hoàn thiện “công nghệ” nhân trồng loại sâm quý này...
Vị trí đắc địa
Từ làng Tắk Ngo, vượt dốc chừng 20 phút là đến trại sâm giống được đặt tên theo tên làng.
“Cây sâm giống trồng ở đây còn nhằm mục đích nghiên cứu nên vườn sâm này được canh giữ rất nghiêm ngặt...” - kỹ sư Trịnh Minh Quý, phó giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh - người phụ trách trại sâm giống Tắk Ngo, nói khi dừng lại mở khóa cánh cổng dẫn vào trại sâm.
Phải qua hai vòng hàng rào bằng lưới B40 với hai cổng ngõ có khóa mới đến được “bản doanh” trại sâm giống.
Nằm giữa dãy núi cao với toàn rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn trên 200ha ngay bên cạnh nóc làng, vườn sâm giống Tắk Ngo là một sinh cảnh đại ngàn ít nơi nào có được bởi rừng ở gần làng thường bị cư dân xâm phạm.
Giữa trưa nắng nhưng ở vườn sâm vẫn gờn lạnh, tàng rừng nguyên sinh che kín những luống sâm được trồng bên dưới.
“Trại sâm này nằm ở độ cao khoảng 1.600m, thấp hơn chốt sâm Ngọc Đỏ của trại dược liệu Trà Linh chừng 200m. Nay thời tiết ở đây bắt đầu lạnh, giữa ngày ở mức 20oC, ban đêm thì dưới 18oC. Mùa đông, mùa xuân thì lạnh hơn nhiều. Bởi lạnh như vậy nên mới hợp với cây sâm Ngọc Linh...” - anh Quý cho biết.
Vùng rừng của Tắk Ngo tiếp giáp với vùng rừng phía tây bắc của xã Trà Nam - là vùng có sâm trồng của cư dân. Phía trên làng Tắk Ngo là vùng rừng có sâm gốc (sâm tự nhiên) và sâm trồng của cư dân các làng Cam Bin, Măng Lùng vốn đã cho thu hoạch hơn 10 năm nay.
Tuy diện tích rừng nguyên sinh ở Trà Linh còn nhiều, nhưng để có một vùng rừng rộng lớn, có độ cao, có khí hậu thích hợp để lập một trại sâm giống quy mô như ở Tắk Ngo là không dễ.
“Cái thuận lợi ở Tắk Ngo là đường đến vườn sâm không quá cheo leo, ghềnh dốc, lại gần đường xã hơn ở vùng Măng Lùng. Nhờ vậy nên việc mở đường cho xe đến trại sâm sắp tới có nhiều thuận tiện hơn.
Với địa hình lý tưởng thế này, từ kết quả đã đạt được, theo kế hoạch phát triển đã có, chừng hai năm nữa trại sâm giống Tắk Ngo sẽ là một “bảo tàng” sâm Ngọc Linh rất hấp dẫn...” - kỹ sư Quý nói chắc.
Một cây sâm có rất nhiều trái chín đỏ - Ảnh: H.V.M. |
Những sáng kiến ở trại sâm
“Cuối tháng 9 cây sâm Ngọc Linh bắt đầu “ngủ đông”. Tức là cành lá nó rụi dần, cho đến cuối tháng 10 là rụi hết, chỉ còn cái củ sâm nằm dưới đất thôi. Rồi đến khoảng đầu tháng 2 năm sau cây sâm mới “thức dậy”, tức là củ sâm bắt đầu nẩy mầm lên lá lại...” - anh Hồ Văn Dân, công nhân vườn sâm, giải thích.
Trại sâm giống Tắk Ngo mới chỉ trồng được hơn 2ha sâm với khoảng 20.000 cây sâm nay đã 3 năm tuổi.
Theo anh Quý, để giữ sức cho củ sâm nằm ngủ, khi đến mùa sâm ngủ đông, nên cắt trụi lá sâm thay vì để chúng tự rụi.
Lá sâm cũng là dược liệu quý, uống nước nấu từ lá sâm tươi/khô làm khỏe người, đẹp da, dễ ngủ, chống mỏi mệt. 1kg lá sâm tươi bán tại chỗ hiện có giá 1,3 triệu đồng, là khoản phụ thu cho người trồng sâm.
Vạch đất chỉ ra những dãy gốc sâm đều tăm tắp trên luống, anh Quý cho rằng sở dĩ sâm ở đây không bị hư hao khi trồng xuống là nhờ mùa trồng sâm từ mấy năm nay được bắt đầu sớm hơn trước.
“Nhờ trồng sớm vào tháng 7, đến mùa sâm ngủ đông thì cây sâm trồng vào luống đã được ba tháng, rễ đã đâm được vào đất nên cây sâm có sức sống để đến hết mùa ngủ là thức dậy đâm chồi ngay.
Trước đây bà con thường trồng muộn vào tháng 9 tháng 10, cây sâm trồng xuống chưa kịp ra rễ nên những cây yếu sức đã rục cả lá lẫn gốc...” - anh Quý dẫn giải.
Cây sâm Ngọc Linh mọc ở rừng thường rất thưa. Nhưng khi chúng được trồng tập trung thành vườn hay bị bệnh tật, gây thất thu cho người trồng. Một trong những bệnh mới phát sinh mấy năm nay với cây sâm trồng là bị thối củ vào mùa mưa.
Để ngăn trừ, trại sâm Tắk Ngo làm luống sâm thật nhỏ nên tránh được tình trạng củ sâm bị úng nước, thừa nước gây suy nhược cho cây sâm hay làm thối củ sâm.
Nhưng làm rãnh cho luống sâm chỉ ở mức vừa phải, không khơi sâu rãnh, mở rộng rãnh, lại phải dùng thân cây chắn, ngăn theo rãnh để hạn chế đất trôi dần theo dòng nước vì độ dốc của mặt rừng ở đây rất lớn.
Thêm cách làm mới ở trại sâm giống Tắk Ngo, theo kỹ sư Quý, là bón cho cây sâm hai lần/năm. Để vừa cung cấp đủ chất mùn tự nhiên cho cây sâm ăn vừa giữ được tốt hơn độ ẩm cho luống sâm từ lớp mùn dày, thay vì bón chỉ một lần/năm, cây sâm ở trại Tắk Ngo đã được bón hai lần/năm bằng lá mục, cành gỗ mục.
Che chắn cho luống sâm cũng là sáng tạo của người trồng sâm ở Trà Linh. Và kinh nghiệm này được nâng cao hơn ở vườn sâm giống Tắk Ngo.
Ấy là việc tìm các loại cành lá xanh (như cây lách chẳng hạn) để ủ cho những luống sâm bị nước từ cành cây bên trên dột mạnh xuống vào mùa sâm ngủ đông. Phần lá tươi che ủ suốt những tháng dưới mưa sẽ tơi mục ra thành thảm mùn, là dưỡng chất hữu cơ nuôi cây sâm khi thức dậy.
Tưới nước cho cây sâm cũng là “chuyện mới” được ghi vào kỷ yếu trồng sâm từ trại Tắk Ngo. Nhờ được chăm tưới qua những đợt nắng nóng cao, những trà sâm mới trồng đã phát triển tốt hơn, mạnh hơn.
“Chúng tôi phấn khởi là trong số trà sâm 3 năm tuổi đã có hơn trăm rưỡi cây trổ bông kết trái. Số trái này đã được gieo riêng. Còn số cây sâm ra trái sớm - được gọi là “cây trỗi” - được bứng trồng dồn thành một luống riêng để theo dõi và giữ giống riêng để nghiên cứu vì đây là những cây có yếu tố trỗi đáng quý...” - anh Quý nói.
Còn về lâu về dài, theo chủ tịch huyện Hồ Quang Bửu, Trung tâm sâm Ngọc Linh hiện đang nghiên cứu sản xuất cây sâm giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Từ kết quả bước đầu, hiện nay trung tâm đang tiến hành đưa cây con ra trồng ở môi trường tự nhiên để theo dõi quá trình thích nghi, sinh trưởng và phát triển. Nếu thành công, đây là hướng sản xuất cây giống có quy mô, đáp ứng được nhu cầu mở rộng vùng sâm nguyên liệu trong thời gian tới.
“Để có nguồn cây giống sâm Ngọc Linh đạt chất lượng phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh sắp tới, ngoài trại dược liệu Trà Linh, trại sâm giống Tắk Ngo giữ vai trò trọng yếu. Ngoài ra, các chốt sâm (vườn sâm trồng tập trung theo nhóm hộ) của bà con Xơ Đăng trong vùng cũng góp vào nguồn cung cây giống cho người trồng, bởi đến nay ở vùng trồng sâm Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang có đến 27 chốt sâm với 654.000 cây sâm ở các độ tuổi từ 1-6 năm” - kỹ sư Trịnh Minh Quý cho biết. |
___________
Kỳ tới: Bay qua xứ sâm Hàn Quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận