03/11/2023 16:56 GMT+7

Trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn cao hơn lượng phát hành

Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng qua, số lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 180.400 tỉ, còn lượng mua lại trước hạn là 190.700 tỉ. Ba tháng cuối năm, có 61.600 tỉ đồng trái phiếu được đáo hạn.

Theo Bộ Tài chính, 10 tháng qua, lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành thấp hơn lượng mua lại trước hạn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Bộ Tài chính, 10 tháng qua, lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành thấp hơn lượng mua lại trước hạn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thông tin được Bộ Tài chính công bố chiều 3-11, trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180.400 tỉ đồng. Dù lượng trái phiếu phát hành giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bắt đầu tăng trở lại.

Trong tháng 10, khối lượng phát hành đạt 41.000 tỉ đồng, tăng 17.000 tỉ đồng so với tháng 9.

Sở dĩ có được kết quả này là nhờ nghị định 08. Những khó khăn của thị trường đã dần được tháo gỡ. Kể từ khi nghị định này có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 3, khối lượng trái phiếu phát hành đạt 179.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong 10 tháng qua là 190.700 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tổng số phát hành. Riêng trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14.200 tỉ đồng.

Với nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính thông tin chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức mua trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng đầu năm nay. 

Ngân hàng mua chiếm 61% tổng khối lượng phát hành, còn các nhà đầu tư cá nhân mua chỉ 5%.

Trên thị trường thứ cấp tính đến cuối tháng 6, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tương đương khoảng 285.600 tỉ đồng.

Thời gian đáo hạn, theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 3 tháng cuối năm nay là 61.600 tỉ đồng.

Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành. Bên cạnh nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, việc tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản cũng cần ưu tiên được triển khai.

Đối với xử lý vi phạm, Bộ Tài chính cho hay trong thời gian qua nhận được đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các đơn thư của người dân đến gửi tiết kiệm được một số ngân hàng mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp.

Các đơn thư này đang được lãnh đạo bộ giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xử lý.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có 6 văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát ngân hàng thương mại trong việc phân phối, cam kết mua lại, cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Công an đã có kết luận điều tra đối với vụ án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đang điều tra đối với vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chuyển các đơn thư của nhà đầu tư cho Bộ Công an.

Doanh nghiệp bất động sản trở lại "đường đua" huy động tiền từ trái phiếuDoanh nghiệp bất động sản trở lại 'đường đua' huy động tiền từ trái phiếu

Chỉ vài ngày sau khi nghị định 08 được ban hành, các doanh nghiệp bất động sản lập tức trở lại 'đường đua', phát hành thành công nhiều lô trái phiếu, huy động tổng cộng gần 12.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên