Trung tâm bảo dưỡng, bảo trì Shinkansen của Công ty Shinkansen Kyushu. Từ đây, các đoàn tàu Shinkansen sẽ đi thẳng đến ga đầu tiên - Ảnh: DUY LINH
Nơi đây là đầu não điều khiển một trong những niềm tự hào của Nhật Bản: trung tâm điều khiển tàu lửa cao tốc Shinkansen cho toàn đảo Kyushu.
Có ít nhất sáu trung tâm như thế ở sáu khu vực khác nhau trên khắp Nhật Bản.
"Xương sống" của Nhật
Sau chuyến tham quan trung tâm điều khiển, chúng tôi được cho trải nghiệm đi Shinkansen ngay trong buồng lái. Do yếu tố bảo mật, chúng tôi được phép chụp hình buồng lái Shinkansen nhưng không được công khai chúng, kể cả chiếc ghế của người điều khiển.
Tuyến đường sắt đầu tiên của Nhật Bản khai trương năm 1872. Gần một thế kỷ sau, năm 1964, đúng vào thời điểm diễn ra Olympic Tokyo, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên mang tên Tokaido Shinkansen được đưa vào sử dụng.
"Vào thời điểm đó Nhật Bản không phải là một quốc gia giàu có, nhưng sự phát triển của Shinkansen với việc nối hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka ở vận tốc 210km/h đã thật sự truyền cảm hứng lớn lao cho người dân Nhật Bản, cho chúng tôi hi vọng vào một tương lai tốt đẹp phía trước" - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chia sẻ tại Diễn đàn hiệp hội đường sắt cao tốc quốc tế (IHRA) tháng 11-2018.
Sau hơn 140 năm hình thành và phát triển, tính đến năm 2017, tổng chiều dài mạng lưới đường sắt của Nhật Bản đã lên tới 27.796km. Trong đó đường sắt cao tốc Shinkansen là 2.765km, được ví như "xương sống" của đất nước mặt trời mọc khi chạy dài từ đảo phía bắc Hokkaido đến tận đảo lớn cuối cùng phía nam là Kyushu.
Một trong những điều khiến Shinkansen nổi tiếng chính là sự an toàn của nó. Suốt 54 năm vận hành chưa từng xảy ra tai nạn gây chết người nào liên quan tới tàu Shinkansen. Thời gian chậm trễ trung bình, bao gồm vì lý do thiên tai, luôn dưới một phút.
Tốc độ của tàu Shinkansen ngày càng được nâng lên, đạt mức tối đa 320km/h. Tuy nhiên, do thời gian vận hành đã lâu, hệ thống đường ray bắt đầu có dấu hiệu tuổi tác nên Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đầu tư xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc mới thay thế tuyến Tokaido.
Hiện Nhật Bản vẫn đang thử nghiệm và cải tiến tàu đệm từ siêu tốc Maglev với tốc độ lên tới 505km/h. Dự kiến trong tương lai, sớm nhất vào năm 2020, tàu Maglev sẽ được đưa vào sử dụng trên tuyến Chuo Shinkansen đi từ Tokyo - Nagoya - Osaka.
Biến đổi tích cực xã hội
Sự ra đời hệ thống đường sắt cao tốc không những rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố Nhật Bản, mà còn kích thích sự di chuyển của người dân. Những nơi có Shinkansen đi qua như được khoác lên mình màu áo mới, trở thành các điểm du lịch, đầu tư hấp dẫn.
Người Nhật rất coi trọng các cuộc tiếp xúc trực tiếp bên ngoài. Nếu như trước đây người ta thường mất nhiều thời gian cho việc di chuyển để gặp mặt, thảo luận và ký kết các hợp đồng thì nay nhờ Shinkansen, họ đã có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức, tăng hiệu quả kinh tế.
Chẳng hạn năm 1964, năm đầu tiên tuyến Tokaido Shinkansen được vận hành, sẽ phải mất bốn tiếng để đi từ Tokyo đến Osaka. Nhưng với sự phát triển và cải tiến không ngừng các loại tàu mới, đến năm 1992 thời gian được rút ngắn còn 2 giờ 30 phút và bây giờ là 2 giờ 22 phút.
Ở khoảng cách dưới 1.000km, Shinkansen là lựa chọn hàng đầu của người Nhật. Theo khảo sát của IHRA, gần như tuyệt đối 100% người Nhật chọn Shinkansen nếu muốn đi từ Tokyo đến Nagoya.
Với khoảng cách 553km từ Tokyo xuống Osaka, vẫn có đến 85% người lựa chọn Shinkansen. 67% người Nhật vẫn chọn Shinkansen so với 33% người chọn máy bay cho khoảng cách 894km từ Tokyo đi Hiroshima. Shinkansen chỉ chịu thua trước ngành hàng không ở khoảng cách 1.175km giữa Tokyo và Fukuoka.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cho biết chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho tàu Shinkansen như đường ray, hệ thống chống ồn, hệ thống làm sạch tuyết trong mùa đông, hệ thống cảnh báo động đất... được chia theo tỉ lệ giữa chính phủ trung ương và địa phương. Trong đó trung ương sẽ chịu 2/3 chi phí, phần còn lại do địa phương có Shinkansen đi qua chi trả.
Điều này xuất phát từ những lợi ích mà Shinkansen đem lại cho địa phương. Lấy ví dụ như giá đất tại phía tây nhà ga Kanazawa (tỉnh Ishikawa) đã tăng hơn 117% chỉ một năm sau khi tuyến Shinkansen Hokuriku được khai trương tháng 3-2015.
Như vậy, các công ty đường sắt sẽ đóng vai trò là bên thuê và trả phí thuê, phí bảo trì đường ray cho chủ đầu tư. Trong xu hướng chung của thế giới là sự bùng nổ của hàng không giá rẻ và những thách thức mà nó đặt ra cho ngành đường sắt, việc ngành đường sắt vẫn phát triển tại Nhật Bản là điều rất đáng để lưu tâm.
Xuất khẩu công nghệ
Hiện tại, Đài Loan và Ấn Độ đã áp dụng công nghệ Shinkansen của Nhật để phát triển tàu cao tốc phục vụ người dân. Với tổng vốn đầu tư 15,7 tỉ USD, "Shinkansen" ở Đài Loan, vận hành từ năm 2007, là dự án BOT lớn nhất thế giới.
Ấn Độ sẽ là quốc gia kế tiếp sử dụng hệ thống Shinkansen cho tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên dài 508km nối Sabarmati và Mumbai, tổng chi phí khoảng 15 tỉ USD (động thổ tháng 9-2017).
Gần Việt Nam hơn, chính phủ Thái Lan và Nhật Bản gần đây cũng đã nhất trí về việc sử dụng công nghệ Shinkansen cho tuyến đường sắt cao tốc dài 680km đi từ Bangkok đến Chiangmai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận